Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát - Bài 2: “Ẵm” 10.000 tỷ đồng trái phiếu, nhà phát hành “biến mất”

0:00 / 0:00
0:00
Hàng ngàn trái chủ lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát không biết phải tới nơi nào để đòi lại quyền lợi mình.
Dự án Khu đô thị Việt Phát đã có tên mới là Khu công nghiệp Suntec/

Dự án Khu đô thị Việt Phát đã có tên mới là Khu công nghiệp Suntec/

Bài 2: “Ẵm” 10.000 tỷ đồng trái phiếu, nhà phát hành “biến mất”

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã “biến mất” từ cuối năm ngoái, sau khi “ẵm” 10.000 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng không hề có bất kỳ hồi âm nào trước yêu cầu của Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) về trả lãi hoặc mua lại trái phiếu hay phối hợp xử lý tài sản đảm bảo.

Doanh thu 0 đồng, phát hành trái phiếu 10.000 tỷ đồng

Theo điều tra, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát (Vạn Trường Phát) được đổi tên từ Công ty cổ phần đầu tư Star Zone, đặt trụ sở tại tầng 2, tòa nhà CT Office Building, 56 - Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM.

Công ty cổ phần đầu tư Star Zone mới thành lập năm 2019, vốn điều lệ 320 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập, gồm ông Vương Tuấn Minh (nắm 15%), bà Huỳnh Bảo Vy (nắm 30%) và bà Nguyễn Kiều Lệ (nắm 55%).

Ngày 28/5/2021, Công ty cổ phần đầu tư Star Zone đổi tên trên giấy phép kinh doanh thành Vạn Trường Phát, nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ và bà Nguyễn Kiều Lệ giữ chức Tổng giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật.

Cũng ngay ngày này, bà Nguyễn Kiều Lệ, đại diện Vạn Trường Phát và ông Nguyễn Phạm Bảo Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An (trụ sở tại ấp 2, xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, Tỉnh Long An), chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Việt Phát) đã ký Thỏa thuận đặt cọc số 2805/2021/TTĐC/TIZCO-VTP. Theo đó, Vạn Trường Phát sẽ đặt cọc 10.000 tỷ đồng cho Tân Thành Long An để mua lại hơn 177 ha đất được quy hoạch vào mục đích xây dựng khu dân cư, trong Dự án Khu đô thị Việt Phát. Khoản tiền cọc này chi trả trong năm 2021, nhưng làm 5 đợt, mỗi đợt 2.000 tỷ đồng. Thời hạn muộn nhất để hoàn tất đàm phán và ký hợp đồng chuyển nhượng hơn 177 ha đất này là ngày 31/12/2021.

Cũng vào ngày 28/5/2021, Vạn Trường Phát giao Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI-trụ sở Hà Nội) là đại lý đăng ký, lưu ký, đại lý thanh toán và đại diện người sở hữu trái phiếu.

Trước đó 4 ngày, ngày 24/5/2021, TVSI đã ký Hợp đồng tư vấn về trái phiếu riêng lẻ số 04TP/2021/HĐTV/TVSIHCM với Vạn Trường Phát.

Tiếng là cọc, nhưng không phải “tiền tươi, thóc thật”, mà Vạn Trường Phát cho hay, sẽ phát hành trái phiếu để thanh toán tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần Dự án Khu đô thị Việt Phát.

Thế mà Tân Thành Long An vẫn chấp nhận đem sổ đỏ khu đất hơn 177 ha thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát. Ngày 10/6/2021, Tân Thành Long An đã lập Phiếu yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng khu đất hơn 177 ha với SCB.

Sau đó, từ tháng 6/2021 tới tháng 11/2021, Vạn Trường Phát phát hành trái 5 đợt trái phiếu (từ mã VTPCH2126001 tới VTPCH2126005), mỗi đợt 2.000 tỷ đồng. Tổng giá trị 5 đợt phát hành là 10.000 tỷ đồng. Cả 5 đợt phát hành trái phiếu đều có tài sản đảm bảo là mảnh đất hơn 177 ha sở hữu bởi Tân Thanh Long An.

Tháng 6/2022, Bộ Tài chính công bố tên 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ qua kênh trái phiếu nhiều nhất trong năm 2021. Theo đó, Vạn Trường Phát phát hành trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, trở thành một trong những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021.

Trước đó, trong năm 2019 và 2020 (khi còn tên cũ là Công ty cổ phần đầu tư Star Zone), doanh thu của doanh nghiệp này là 0 đồng. Hoạt động bán hàng không phát sinh. Cũng ngay trong năm đầu tiên thành lập, Vạn Trường Phát lỗ 105 triệu đồng và con số này tăng lên 165 triệu đồng trong năm 2020.

Ngoài doanh thu 0 đồng và thua lỗ 2 năm liên tiếp, cuối năm 2020, nợ phải trả của Công ty là 2.724 tỷ đồng - cao gấp 8,5 lần vốn chủ sở hữu. Sang năm 2021, sau khi tăng vốn điều lệ từ 320 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, Vạn Trường Phát đã phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu, bất chấp thua lỗ 2 năm liên tiếp.

Các trái chủ ôm giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu Vạn Trường Phát đi kêu cứu khắp nơi.
Các trái chủ ôm giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu Vạn Trường Phát đi kêu cứu khắp nơi.

Rồi… “lặn không sủi tăm”

Lãi trái phiếu Vạn Trường Phát được trả định kỳ mỗi 6 tháng thông qua đại lý đăng ký lưu ký và đại lý thanh toán là TVSI. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 3/10/2022, với tư cách là đại lý thanh toán, TVSI gửi Thông báo số 1064/TB-TVSI tới Vạn Trường Phát để thông tin rằng, thời hạn thanh toán lãi trái phiếu (mã VTPCH2126004) cho trái chủ là ngày 24/10/2022. Tuy nhiên, tới hạn, TVSI vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ Vạn Trường Phát để chi trả cho trái chủ.

Ngoài lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 177 ha thế chấp bảo lãnh cho lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát, Tân Thành Long An còn thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một miếng khác trong Dự án Khu đô thị Việt Phát để làm tài sản đảm bảo phát hành lô trái phiếu cho mình với tổng trị giá 5.000 tỷ đồng. Sau đó, Tân Thành Long An bán toàn bộ Dự án cho đơn vị khác.

Ngày 25/10/2022, TVSI có Văn bản số 1237/2022/CV-TVSI yêu cầu Vạn Trường Phát mua lại trước thời hạn toàn bộ lô trái phiếu có tổng trị giá 10.000 tỷ đồng trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản. Điều này đã được quy định tại Các điều khoản trái phiếu tại Hợp đồng đại diện giữa Vạn Trường Phát với TVSI. Tuy nhiên, Vạn Trường Phát vẫn… im hơi lặng tiếng.

Tới ngày 31/10/2022, TVSI tiếp tục gửi Văn bản số 1285/2022/CV-TVSI đề nghị Vạn Trường Phát cùng TVSI tổ chức gặp gỡ trao đổi với các trái chủ lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng, nhưng Vạn Trường Phát vẫn… không hồi đáp.

Ngày 9/11/2022, TVSI lại tiếp tục có Thông báo số 1386/2022/CV-TVSI yêu cầu Vạn Trường Phát cùng TVSI và bên liên quan là Tân Thành Long An, SCB phối hợp xử lý tài sản đảm bảo là lô đất hơn 177 ha đang thế chấp tại SCB để hoàn trả, thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu cho trái chủ.

Điều này đã được quy định tại Điều 9.2, khoản C của Các điều kiện về trái phiếu trong hợp đồng của bên liên quan. Theo đó, nếu Tổ chức phát hành không mua lại toàn bộ trái phiếu đang lưu hành thì Tổ chức nhận tài sản đảm bảo (SCB) sẽ có quyền xử lý tải sản theo các hợp đồng đảm bảo tài sản và Hợp đồng quản lý tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, TVSI vẫn không hề nhận được bất kỳ một hồi âm nào của Vạn Trường Phát.

Trong khi đó, với quyền được xử lý tài sản theo Hợp đồng đảm bảo tài sản và Hợp đồng quản lý tài sản đảm bảo, cuối tháng 12/2022, Tổ chức nhận tài sản đảm bảo là SCB thông báo cho TVSI rằng, việc thanh lý tài sản này đang hỏi ý kiến Bộ Công an.

Tới tháng 2/2023, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi. Theo đó, Vạn Trường Phát được “bêu tên” là doanh nghiệp chậm trả gốc và lãi trái phiếu.

Trụ sở Vạn Trường Phát đã… bốc hơi?

Tra cứu trên Công thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì Vạn Trường Phát vẫn đang hoạt động tại tầng 2, toà nhà CT Office Building, 56 - Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM và Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật vẫn là bà Nguyễn Kiều Lệ.

Đây cũng là thông tin được Vạn Trường Phát công bố khi phát hành trái phiếu.

Thế nhưng, mới đây, chúng tôi tới nơi này và thấy có doanh nghiệp khác thuê hoạt động. Bảo vệ tòa nhà CT Office Building cho biết, từ cuối năm 2022, sau khi có lùm xùm liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Vạn Trường Phát đã “bốc hơi” đi đâu không biết.

Trước đó, hồi tháng 10/2022, ngay sau khi Bộ Công an bắt Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thì trái chủ Đ.T.Tùng (39 tuổi ngụ quận 3 TP.HCM, “dính” trái phiếu Vạn Trường Phát hơn 7,7 tỷ đồng) căn cứ theo công bố (căn cước công dân, địa chỉ nhà…) của Vạn Trường Phát đã tìm tới tận nhà bà Nguyễn Kiều Lệ tại quận 8 để hỏi.

Rồi ông Tùng đã “chết đứng” khi cũng là bà Lệ, nhưng là bà Lệ… bán mỹ phẩm. Bà Lệ cũng trợn tròn mắt trước điện thoại ghi âm của ông Tùng. “Trời ơi, em biết gì đâu. Em hết hồn à! Hổng gì tự nhiên giám đốc? Trời ơi bán mỹ phẩm mà. Trời ơi…”, bà Lệ ngạc nhiên nói.

Rốt cục, ông Tùng cùng hàng ngàn trái chủ lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát như “con kiến leo cành cụt”, không biết phải tới nơi nào để đòi lại quyền lợi mình.

Từ tháng 6/2021 tới tháng 11/2021, Vạn Trường Phát phát hành 5 đợt trái phiếu (từ mã VTPCH2126001 tới VTPCH2126005), mỗi đợt 2.000 tỷ đồng. Tổng giá trị 5 đợt phát hành là 10.000 tỷ đồng. Cả 5 đợt phát hành trái phiếu đều có tài sản đảm bảo là mảnh đất hơn 177 ha thuộc sở hữu của Tân Thanh Long An.

Trái phiếu Vạn Trường Phát là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được bảo đảm bằng tài sản được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ với phương thức phát hành chào bán riêng lẻ chỉ được giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và được chào bán thông qua đại lý phát hành.

TVSI là tổ chức tư vấn và phát hành cho các lô trái phiếu này. Tổ chức nhận tài sản đảm bảo là SCB. Tổ chức kiểm toán là Hãng Kiểm toán và Định giá ATC. Tổ chức tư vấn luật là Vina Legal.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan