ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn)

ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn)

Dân sửa nhà trong ngõ sâu thì thanh tra biết, cao ốc vi phạm thanh tra không hay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về vấn đề sai phạm trong công trình xây dựng hiện nay.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chiều 3/11, một trong những nhóm vấn đề được nhiều đại biểu tập trung chất vấn nhất là tình trạng vi phạm trật tự xây dựng do Bộ này quản lý.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Xây dựng về tình trạng vi phạm trật tự quy hoạch xây dựng và vấn đề xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm hoặc có hành vi dung túng, bao che. Ông Hạ đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về vấn đề này và thông tin về các quy định liên quan.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, vi phạm quy định của pháp luật quy hoạch, trật tự xây dựng, Bộ đã có báo cáo đầy đủ Quốc hội.

Về xử lý hành vi vi phạm đã quy định cụ thể tại Nghị định 16/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, việc xử lý cán bộ phải theo quy trình, thủ tục, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, liên quan đến công tác cán bộ.

Cũng quan tâm đến vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) đặt vấn đề: Hiện nay có tình trạng vi phạm như xây dựng không phép, sai phép, xây vượt tầng, xây trên đất nông nghiệp, đất không được phép xây dựng,.. trong đó vài vụ việc được xử lý khá nhanh, một số vụ thì khá chậm, gây bức xúc. Ông Sinh đề nghị Bộ trưởng Xây dựng thể hiện quan điểm về vấn đề này.

Trả lời đại biểu đoàn An Giang, Bộ trưởng Xây dựng nói rằng, với đặc thù của công trình xây dựng thì các vi phạm về trật tự xây dựng là các vi phạm rất khó khắc phục hậu quả và các trường hợp buộc phải phá dỡ công trình vi phạm đều dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội. Vì vậy, giải pháp phát hiện và phòng ngừa từ sớm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng luôn là ưu tiên trong nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành xây dựng.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ này thì Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành hệ thống văn bản pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, đến nay đã tương đối đầy đủ và đồng bộ, cơ bản điều chỉnh được các hoạt động xây dựng.

Nội dung quy định về trật tự xây dựng cũng ngày càng chặt chẽ và các biện pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng cũng ngày càng nghiêm khắc, theo hướng tăng nặng xử phạt và buộc phá vỡ cấu phần vi phạm.

Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang)

Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang)

Theo ông Nghị, báo cáo của các địa phương cho thấy, tỷ lệ công trình sai phép, không phép trên tổng số công trình được thanh tra, kiểm tra đã giảm dần qua từng năm. Theo báo cáo mới đây, năm 2020 số công trình sai phép, không phép chiếm tỷ lệ là 23,8% trên tổng số cuộc kiểm tra, thanh tra. Năm 2021 tỷ lệ này còn 13,4% và 6 tháng đầu năm 2022 thì số công trình sai phép, không phép chiếm tỷ lệ là 7,1%.

Tuy nhiên, đúng như đại biểu phản ánh là tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã giảm nhưng vẫn còn phức tạp, việc phát hiện vi phạm có thời điểm, có trường hợp cũng không kịp thời, việc xử lý vi phạm cũng có trường hợp chưa nghiêm, còn chậm, chưa triệt để.

Bộ trưởng nhận định, đối với việc này, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong quy hoạch, trong hoạt động đầu tư xây dựng để xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm bố trí ngân sách hàng năm cho công tác quy hoạch, khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan và cấp giấy phép xây dựng làm cơ sở để chúng ta quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý địa bàn, quản lý trật tự xây dựng cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không triệt để.

Thứ tư là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn chiều 3/11

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn chiều 3/11

Sau khi nghe Bộ trưởng trả lời, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đặt câu hỏi: Qua tiếp xúc cử tri, cử tri phản ánh là có tình trạng người dân sửa chữa nhà cửa tận trong ngõ sâu mà thanh tra xây dựng vẫn nắm được, trong khi nhiều công trình lớn, thậm chí là các cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tự xây dựng nhưng các cơ quan chức năng cũng không phát hiện ra. Cử tri băn khoăn là liệu có tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong vấn đề này hay không?

Về câu hỏi của đại biểu Thủy, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói rằng, liên quan đến xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng thì hiện nay chúng ta đã có quy định tương đối đầy đủ và đảm bảo cho việc xử lý hành vi vi phạm và có chế tài rất rõ.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình thì Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong việc hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, tăng cường quản lý hoạt động xây dựng đảm bảo theo đúng quy định và có trách nhiệm trong việc phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn các địa phương, các chủ thể xây dựng thực hiện nghiêm các quy định này để đảm bảo không vi phạm các quy định trong các hoạt động đầu tư xây dựng.

"Trong thời gian tới, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có những sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật làm sao đảm bảo chặt chẽ hơn, khả thi hơn và quản lý tốt hơn đối với hoạt động đầu tư xây dựng để hạn chế, giảm dần vi phạm trật tự xây dựng", Tư lệnh ngành Xây dựng cam kết.

Tin bài liên quan