Đằng sau các cuộc đối thoại

0:00 / 0:00
0:00
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) năm 2023 đã kết thúc, nhưng tâm tư về điểm chạm đầu tiên của du khách nước ngoài, của người lao động nước ngoài với Việt Nam có lẽ khiến không ít người phải suy nghĩ.
Đằng sau các cuộc đối thoại

“Một khu vực nhập cảnh nhiều màu sắc hơn, những cán bộ xuất nhập cảnh thân thiện hơn sẽ là những giải pháp thúc đẩy du lịch rất hiệu quả”, Báo cáo của Nhóm công tác du lịch gửi VBF 2023 ghi rõ.

“Không hợp lý chút nào khi những người nước ngoài đã sống, làm việc và đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm, đã từng được cấp nhiều giấy phép lao động, mà lại đang bị từ chối gia hạn giấy phép lao động chỉ vì một số vấn đề nhỏ về thủ tục”, Nhóm công tác nguồn nhân lực gửi băn khoăn sau khi nhận được cùng lo ngại từ nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn tại Việt Nam.

Chia sẻ tại VBF về hệ lụy của tình trạng này, nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài không chỉ nhắc đến những khó khăn của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn, họ lo lắng về sự đảo lộn trong sinh hoạt của gia đình, cùng tâm lý con cái của những lao động nước ngoài.

Nhiều người buộc phải xuất cảnh sang Singapore để đợi hoàn tất thủ tục…

So với nhiều ý kiến, khuyến nghị được cho là chạm vào những vấn đề mang tính cốt lõi của quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hay những đề xuất trực tiếp tới chính sách thị thực cho du khách nước ngoài, trong đó nhắc tới việc mở rộng số lượng quốc gia được hưởng chế độ miễn thị thực tối đa 15 ngày, tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày…, thì mong muốn trên có lẽ thuộc diện vi mô.

Tuy nhiên, báo cáo của Nhóm du lịch cũng thẳng thắn chia sẻ, Thái Lan, Singapore là những ví dụ điển hình về việc đã thu hút được lượng lớn du khách bắt đầu từ điểm chạm này. Vì du lịch không chỉ là nguồn thu nhập, mà còn là cách thức thúc đẩy trao đổi văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia.

Ngay các hiệp hội doanh nghiệp, khi gửi kiến nghị liên quan đến làm rõ các quy định về giấy phép lao động nước ngoài, cũng chỉ mong muốn trở về giai đoạn “bình thường cũ”, như trước khi diễn ra đại dịch với sự đơn giản và tin cậy. Một khi còn tồn tại những vấn đề không rõ ràng, quá phức tạp như hiện tại, thì việc giữ chân lao động nước ngoài, nhất là nguồn lao động chất lượng cao sẽ trở nên khó khăn.

Trong xu hướng phát triển nhân văn hơn, vì con người hơn của kinh tế toàn cầu sau đại dịch, rất có thể, những hình ảnh, cách thức làm việc thiếu thân thiện sẽ là rào cản lớn hơn rất nhiều những khó khăn, những bất định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp, nhà đầu tư đang đối mặt.

Trở lại các kiến nghị mang tính vĩ mô gửi VBF 2023 nhằm đóng góp vào những lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam đang xác định trên lộ trình tăng trưởng xanh, cộng đồng doanh nghiệp có rất nhiều mối quan tâm.

Có thể nhắc tới những yêu cầu hoàn thiện khung khổ pháp lý để khu vực tư nhân tham gia các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và năng lượng, như bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ, chính sách bảo đảm đầu tư…, hay đề xuất tiếp cận kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả. Cơ chế thúc đẩy nghĩa vụ thực thi các quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp thông qua tỷ lệ tái chế vật liệu, đóng góp vào Quỹ Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), đầu tư công nghệ…, cũng như những cơ chế để thúc đẩy tài chính xanh cũng nhận được nhiều khuyến nghị.

Khi gửi đi các khuyến nghị này, cộng đồng doanh nghiệp muốn làm rõ những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt, song cũng đặt nặng trách nhiệm tới các cơ quan Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương trong hành trình chọn tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là động lực tăng trưởng dài hạn của Chính phủ Việt Nam. Vì nhiều vấn đề khó, phức tạp chưa thể có câu trả lời ngay, nên cần có thêm các cuộc làm việc, đối thoại.

Song, như nhiều doanh nghiệp nói, sự chia sẻ, đồng cảm trong xử lý các vấn đề sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn.

Tin bài liên quan