Các diễn giả tham gia VBF 2021 đã đóng góp nhiều ý kiến về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Các diễn giả tham gia VBF 2021 đã đóng góp nhiều ý kiến về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

VBF 2021: Thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không để đứt gãy chuỗi cung ứng là một trong những yếu tố then chốt của quá trình phục hồi, phát triển kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Vấn đề này cũng được đề cập tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF 2021) vừa qua.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động

Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với 3.000 doanh nghiệp, thực hiện trong năm 2021 chỉ ra rằng, có 93% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Bước vào trạng thái bình thường mới, phục hồi chuỗi cung ứng là vấn đề được đông đảo doanh nghiệp chú trọng.

Bà Amy Luinstra, Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam đạt được trong năm qua, nhất là xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, xuất siêu gần 4 tỷ USD; môi trường đầu tư trong nước được cải thiện đáng kể, Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ trong thúc đẩy tăng trưởng xanh…

Tuy vậy, theo bà Amy, nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2021 với không ít thách thức như năng suất lao động bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng đứt gãy, biến đổi khí hậu và sự gia tăng của các khoản vay có nguy cơ ảnh hưởng đến mô hình tăng trưởng quốc gia.

Một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam phục hồi chuỗi cung ứng là tăng năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động.

Bà Amy Luinstra, Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)

Một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam phục hồi chuỗi cung ứng là tăng năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động. Điều này đã được bà Amy Luinstra đề cập tại VBF 2021.

Theo đó, Việt Nam cần tăng năng lực cạnh tranh từ việc gia tăng năng suất lao động, trong đó chú trọng hai yếu tố, gồm nâng cao kỹ năng từ các chương trình đào tạo và thúc đẩy tăng năng suất của người lao động với chuẩn mực quốc tế.

Cùng quan điểm, AmCham cho rằng, Việt Nam phải phát triển lực lượng lao động mang tính cạnh tranh toàn cầu. Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ ủng hộ việc cải tiến các chương trình đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng, nâng cao kỹ năng mềm và chuyên môn công nghệ để phát triển lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu.

Định vị doanh nghiệp trong và ngoài nước trong chuỗi cung ứng được chú trọng ở các khía cạnh nâng cao năng lực ngành sản xuất, công nghiệp hỗ trợ trong nước và phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tăng liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam.

Các vấn đề tài chính cần thiết cho phát triển cụm công nghiệp và chuỗi cung ứng, vấn đề năng lượng tái tạo và công nghệ số cũng được các tổ chức quốc tế xem là chìa khoá cho tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Phát biểu tại VBF 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững và cho biết quy mô chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với trên 4% GDP.

Chương trình tập trung nhiều nhóm nhiệm vụ, trong đó có giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nguồn lực bên trong (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (hỗ trợ về thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị và trình độ nguồn nhân lực) là quan trọng và đột phá, Việt Nam đang tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

“Sau hai năm đại dịch Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, các chuỗi cung ứng nguyên liệu phải ổn định không để đứt gãy, phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần nâng cao khả năng tận dụng các FTA

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự chia sẻ những cải tiến then chốt và cam kết của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính phủ cũng cam kết tiếp tục duy trì trao đổi, kết nối đổi mới sáng tạo, cam kết thiết lập cơ chế chính sách ưu đãi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết hợp mọi nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (mã chứng khoán NHH) cho biết, việc các doanh nghiệp FDI quy mô lớn tìm nguồn cung tại thị trường trong nước là cơ hội để doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị lớn.

Tuy nhiên, để tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp nội cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các mô hình sản xuất hiện đại và công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Được biết, Nhựa Hà Nội hiện đang là doanh nghiệp hỗ trợ chuyên cung cấp linh kiện nhựa cho các doanh nghiệp FDI như Toyota, Honda, Samsung, Panasonic, LG, Daikin…

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI, cần nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ.

Việt Nam hiện có 15 FTA đang có hiệu lực, trong đó nhiều thị trường hiện có lợi thế do các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam chưa có FTA (như EU, Liên minh kinh tế Á- Âu, Chile, Canada… chưa có FTA với phần lớn các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong ASEAN, Trung Quốc).

Tại VBF 2021, đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đã trình bày các tham luận về đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế; vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Trong đó, tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất, công nghiệp hỗ trợ trong nước và phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tăng liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nhiều doanh nghiệp cho biết nhân công đã đi làm trở lại, đạt công suất 100%, đây là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng suất và tự tin đáp ứng đơn hàng. Chi phí vận tải cũng đã hạ nhiệt và hoạt động vận chuyển hàng hoá khơi thông, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng ổn định trở lại.

Việt Nam hiện là một trong những nước có độ phủ vắc-xin Covid-19 cao nhất thế giới, là tiền đề quan trọng cho việc mở cửa trở lại. Doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng yên tâm hơn trong việc thúc đẩy các giải pháp phục hồi chuỗi cung ứng, phát triển trở lại sau dịch.

Tin bài liên quan