Đằng sau những ly kem ngon lành là câu chuyện biến đổi khí hậu và điều kiện lao động

Đằng sau những ly kem ngon lành là câu chuyện biến đổi khí hậu và điều kiện lao động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo “ESG Summer Series - Kem: muốn ngon phải bền vững?” do Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC phát hành nhận định, kem là một món ăn ngày càng phổ biến trên khắp thế giới và ngành công nghiệp kem đang tăng trưởng trên toàn cầu.

Theo Fortune Business Insights, thị trường kem có thể tăng trưởng từ 74 tỷ USD (2022) lên 105 tỷ USD vào năm 2029. Tuy nhiên, đằng sau những ly kem ngon lành, mát lạnh là những vấn đề liên quan đến bền vững khiến chúng ta phải suy ngẫm, từ biến đổi khí hậu đến điều kiện lao động trong ngành sản xuất kem.

Tác động xã hội của nguyên liệu thô

Vani

Mặc dù một số nhà sản xuất đại trà hiện nay sử dụng hương liệu vani nhân tạo (chiết xuất từ ​​bột gỗ hoặc được tổng hợp từ các sản phẩm phụ trong ngành sản xuất giấy và hóa dầu), vani thật vẫn được dùng trong một số loại kem, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp. Đây là loại gia vị đắt thứ hai trên thế giới (sau nghệ tây) do quy trình sản xuất phức tạp và tốn nhiều nhân công.

“Cây phong lan tạo ra hạt vani có nguồn gốc từ Mexico, nơi giống cây này được thụ phấn bởi những con ong Melipona ngoài tự nhiên. Vì không có nhiều ong ở các quốc gia sản xuất vani hàng đầu khác nên mỗi bông hoa phải được thụ phấn bằng tay”, HSBC cho biết,

Theo Báo cáo, các nhà đầu tư đang ngày càng xem xét kỹ lưỡng cách tiếp cận của các nhà bán lẻ trong việc bảo vệ người lao động vì các phương tiện truyền thông và các tổ chức khác thường xuyên nêu lên vấn đề sử dụng lao động trẻ em và điều kiện làm việc khắc nghiệt trong lĩnh vực sản xuất vani.

Madagascar là quốc gia sản xuất vani hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 80% nguồn cung toàn cầu. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization) cho biết có khoảng 20.000 trẻ em từ 12 đến 17 tuổi làm việc trong ngành sản xuất vani ở Madagascar, chiếm hơn 30% lực lượng lao động của ngành này.

Hiệp hội Lao động Công bằng (Fair Labour Association) cũng nhấn mạnh vani chủ yếu được sản xuất bởi khoảng 80.000 hộ nông dân nhỏ và thực tế là họ không được đào tạo về an toàn và sức khỏe (ví dụ: sử dụng công cụ sắc nhọn và bọ cạp cắn khi công nhân đào đất bằng tay), cũng như thiếu đồ bảo hộ cá nhân (ví dụ: găng tay).

“Áp lực lên các nhà bán lẻ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ sẽ tiếp tục gia tăng”, Báo cáo của HSBC nhận định.

Ca cao

HSBC cho rằng sự tập trung của nhà đầu tư vào tính minh bạch trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp thuộc ngành ca cao sẽ tiếp tục tăng do điều kiện lao động trong ngành đang là một mối lo ngại. Hương vị sô cô la là một trong hai hương vị hàng đầu trên toàn cầu, chiếm gần 18% tổng thị phần.

Theo Tổ chức Ca cao Thế giới, khoảng 70% ca cao được sản xuất ở Tây Phi, chủ yếu là Ghana và Côte d'Ivoire. Nông dân sản xuất quy mô nhỏ là khởi nguồn của một chuỗi cung ứng phức tạp, phân mảnh, thường liên quan đến các điều kiện khắc nghiệt; khả năng tiếp cận nước, vệ sinh, dịch vụ y tế và giáo dục bị hạn chế đồng nghĩa với việc nhiều nông dân sống dưới mức nghèo khổ.

“Theo quan điểm của chúng tôi, ngoài những mối quan ngại này, một trong những vấn đề cần cân nhắc chính về điều kiện làm việc là nhiệt độ tăng cao và tác động của thời tiết nóng bức ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động”, HSBC nhận định.

Tác động chính từ quá trình sản xuất và bán lẻ

Theo Báo cáo, tác động từ quá trình sản xuất chủ yếu là do tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là do quá trình làm cứng và đông lạnh sâu. Với mức tiêu thụ kem hàng năm ở Anh, tổng nhu cầu năng lượng cơ bản chiếm tới 3,8% mức tiêu thụ năng lượng của toàn bộ ngành thực phẩm. Theo quan điểm của HSBC, có thể giảm mức năng lượng của khâu sản xuất nhờ tối ưu hóa năng lượng và sử dụng nhiều nguồn năng lượng carbon thấp hơn.

“Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên yêu cầu các công ty cung cấp thêm chi tiết về việc giảm tác động liên quan đến bán lẻ đối với tình trạng suy giảm ôzôn, chủ yếu do thời gian bảo quản và rò rỉ ga lạnh. Nghiên cứu cho thấy những tác động này dễ bị ảnh hưởng bởi thời gian bảo quản và loại chất làm lạnh”, Báo cáo cho biết.

Ví dụ, khi rút ngắn thời gian lưu trữ từ 7 xuống còn 3 ngày, tác động đối với suy giảm ôzôn sẽ giảm hơn một nửa (54%). Với thời gian lưu trữ kéo dài lên tới 14 ngày, sự suy giảm ôzôn tăng 95%, chủ yếu do rò rỉ ga lạnh. Đồng thời, sử dụng chất làm lạnh R22 thay vì R134a sẽ tiết chế suy giảm ôzôn tới 74%. Ngoài ra, một trong những lựa chọn khác là đảm bảo cách nhiệt tốt hơn trong tủ trữ kem và giảm nhiệt độ vận chuyển (ví dụ: Unilever thử nghiệm giảm từ -18°C xuống -12°C).

Bao bì đóng gói

Theo quan điểm của HSBC, việc giảm tác động của bao bì đóng gói, ví dụ như gây cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch, nhu cầu năng lượng và quản lý chất thải, sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của các bên liên quan. Hộp nhựa polypropylene, vật liệu đóng gói được sử dụng rộng rãi nhất trong sản xuất kem, là điểm đáng chú ý khi nói đến những tác động này. Nghiên cứu cho thấy việc thay thế polypropylene bằng bao bì nhựa polyetylen cao phân tử sẽ làm giảm tác động đối với tình trạng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch và nhu cầu năng lượng cơ bản.

“Một số thương hiệu đang có kế hoạch giới thiệu hoặc đã thay đổi bao bì kem từ loại nhiều lớp sang loại đơn lớp (ví dụ: Unilever Indonesia), bao bì từ giấy (ví dụ: Nestlé) hoặc loại có thể phân hủy sinh học hoàn toàn (ví dụ: Northern Bloc, Little Cow & Cookies). Chúng tôi cho rằng những động thái này sẽ giúp giảm tỷ lệ bao bì nhựa ở các bãi chôn lấp”, Báo cáo cho biết.

Liệu tác động của khí hậu có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp kem?

HSBC cho rằng, các nhà đầu tư cũng nên xem xét ngành kem bị ảnh hưởng như thế nào bởi biến đổi khí hậu và cách các công ty ứng phó với những thách thức này. Ví dụ, nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến năng suất sản xuất sữa bò; trong điều kiện khí hậu nóng, bò có xu hướng ăn ít hơn và làm giảm sản lượng sữa. Thiếu nước do biến đổi khí hậu cũng là một thách thức không nhỏ vì sản phẩm sữa là loại thực phẩm đứng thứ ba về tiêu thụ nước.

“Các công ty kem hàng đầu đang thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro này; Ví dụ, Unilever đang áp dụng tiêu chuẩn của Liên minh Bảo tồn nước (Alliance for Water Stewardship - AWS) để tái chế và tái sử dụng nước trong nhà máy sản xuất kem của mình ở Türkiye”, Báo cáo cho biết.

Tình trạng nóng lên toàn cầu cũng tác động đến quá trình sản xuất các nguyên liệu làm kem khác. Ví dụ, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, cây vani đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao nhất do nhiệt độ gia tăng vốn ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu. Tương tự, sản xuất ca cao toàn cầu đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, theo Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế, nhiệt độ gia tăng ở các nước nhiệt đới cận xích đạo có thể ảnh hưởng đáng kể đến điều kiện phù hợp để sản xuất ca cao của các quốc gia sản xuất ca cao chính trong những năm tới.

“Để giảm thiểu những rủi ro này, các công ty chế biến ca cao hàng đầu, như Barry Callebaut, đã đa dạng hóa nguồn cung cấp và phát triển các hoạt động nông nghiệp bền vững, tập trung vào phục hồi hệ sinh thái, tăng cường đa dạng sinh học và thúc đẩy nông lâm kết hợp”, HSBC cho biết.

Theo quan điểm của HSBC, nhà đầu tư nên tiếp tục xem xét kỹ lưỡng cam kết của các công ty trong ngành kem. Những cải tiến trong tương lai nên tập trung vào khâu nguyên liệu thô, đặc biệt là khâu sản xuất sữa thô, cũng như quy trình trồng vani và ca cao. Những khía cạnh khác cũng có khả năng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư là giảm năng lượng trong giai đoạn làm lạnh, khắc phục rò rỉ ga lạnh, dán nhãn mác chính xác các thành phần, thực hành quảng cáo trung thực và các tác động xã hội đối với người lao động trong chuỗi cung ứng.

“Chúng tôi nghĩ rằng theo thời gian, ý kiến đóng góp của nhà đầu tư có thể giúp món kem ngon hơn theo hướng bền vững”, Báo cáo nhận định.

Tin bài liên quan