Dành 3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(ĐTCK) Trong giai đoạn từ nay đến 2020, sẽ có tổng cộng 15 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng kinh phí dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp 31% tổng số thu ngân sách (Ảnh Internet)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp 31% tổng số thu ngân sách (Ảnh Internet)

Ngày 6/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp tham vấn, lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2020.

Theo số liệu báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp 31% tổng số thu ngân sách và chiếm tỷ trọng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung; thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hàng năm.  

Hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tạo việc làm, nguồn thu ngân sách, thu nhập cho người lao động và an sinh xã hội. Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển cũng đồng nghĩa với việc các nguồn lực tổng thể của xã hội được huy động và sử dụng hiệu quả; từ đó đáp ứng mục tiêu ích nước, lợi nhà.  

Tuy nhiên, theo báo cáo, trong 5 năm qua, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nói chung vẫn chưa đáp ứng hết mong muốn của doanh nghiệp, nhiều chính sách mới dừng lại ở nội dung khuyến khích, thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành và nhiều địa phương chưa quan tâm thỏa đáng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Bản thân các doanh nghiệp cũng bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục như thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, thiếu thông tin và thiếu nguồn nhân lực…

Những thực tế đó gây ra tình trạng thiếu sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, với yêu cầu ngày càng cao hơn về chất lượng cũng như giá thành sản phẩm.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc xây dựng và thực thi chính sách cần có sự tham vấn, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan và địa phương để có sự đồng thuận và phát huy tác dụng, hiệu quả cao nhất.

Do vậy, việc xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển đối với doanh nghiệp, nhằm gia tăng quy mô đội ngũ doanh nghiệp trong 5 năm tới là rất đúng đắn, cần thiết. Các nội dung hỗ trợ cần tập trung vào những gì doanh nghiệp cần, đi vào thực chất và hết sức tránh hình thức hay manh mún.

Nhìn chung, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn được hỗ trợ về pháp lý, môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn vay và vay vốn, mặt bằng sản xuất, tư vấn phương án kinh doanh, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu bên cạnh mức thuế hợp lý.

Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là yêu cầu tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu và hoạt động khởi nghiệp một cách thực chất của Việt Nam trong thời gian tới. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tập trung thúc đẩy, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và tài chính theo hướng đồng bộ, kịp thời và đúng mục đích để doanh nghiệp tận dụng, thụ hưởng.

Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, khuyến khích trí sáng tạo, đổi mới để sản xuất ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị gia tăng cao cũng như có thể tồn tại với sách cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; trong đó nhấn mạnh mục tiêu xuất khẩu.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, trong giai đoạn từ nay đến 2020, sẽ có tổng cộng 15 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng kinh phí dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch mục tiêu đặt ra, giai đoạn 2016-2020, cả nước sẽ có thêm 450.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, đưa tổng số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm năm 2020 lên con số 750.000 doanh nghiệp. Trong số đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm tới 98% và sẽ đáp ứng 50% nhu cầu việc làm của xã hội.

Tin bài liên quan