Đánh thức tiềm năng du lịch ngoại thành Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Để đánh thức tiềm năng du lịch khu vực ngoại thành, Sở Du lịch Hà Nội liên tiếp tổ chức các đoàn khảo sát xây dựng các tuyến du lịch mới “Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long”, tập trung khai thác thế mạnh di sản văn hóa, làng nghề.

Hai tuyến du lịch mới giàu tiềm năng

Năm 2024, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với năm 2023. Do đó, Sở Du lịch Hà Nội ưu tiên hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa, đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức…

Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội liên tiếp tổ chức các đoàn khảo sát với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp lữ hành theo hai tuyến du lịch mới “Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long”, gồm Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức.

Điểm nhấn của tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên là làng Ngâu (huyện Thanh Trì), làng Phúc Am (huyện Thường Tín) và làng Cựu (huyện Phú Xuyên). Làng Ngâu nổi tiếng với nghề nấu rượu, đình chùa Ngâu có kiến trúc đẹp. Ngoài thưởng lãm cảnh quan, di tích, khách còn được đến thăm các gia đình nấu rượu, đặc sản OCOP 4 sao rượu hoa cúc. Làng Phúc Am là làng nghề mã nổi tiếng. Làng Cựu cổ nổi tiếng với hàng chục ngôi nhà cổ với kiến trúc châu Âu giữa làng quê mộc mạc, thanh bình.

Trong khi đó, điểm nhấn của tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức là các điểm di sản và làng nghề, gồm Đình Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), nghề tơ tằm, tơ sen (huyện Mỹ Đức).

Ở tuyến này, du khách sẽ được tìm hiểu kiến trúc, giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân. Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu đang là điểm đến thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Làng nghề tơ tằm, tơ sen Mỹ Đức cũng giàu tiềm năng đón khách quốc tế.

“Làn gió mới” cho du lịch Hà Nội

Ông Phan Huy Cường, Trưởng phòng Quy hoạch (Sở Du lịch Hà Nội) cho biết, việc khảo sát, xây dựng hai tuyến du lịch trên sẽ là cơ sở, tiền đề cho các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục hình thành thêm nhiều tour, tuyến du lịch khác kết nối các địa phương và các điểm du lịch để xây dựng sản phẩm mới, tăng trải nghiệm cho du khách. Hai tuyến du lịch mới được kỳ vọng sẽ mang đến “làn gió mới” cho hoạt động du lịch Thủ đô trong năm 2024.

Sau những chuyến khảo sát, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết, hai tuyến du lịch kết nối liên vùng nhằm đa dạng sản phẩm du lịch liên kết các địa phương với nhau, tạo thêm sản phẩm du lịch mới và thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ở từng địa phương. Tuy nhiên, ông Thắng nhận định, mặc dù lợi ích của việc xây dựng hai tuyến du lịch mới rất lớn, nhưng các điểm du lịch còn rời rạc, chưa liên kết với nhau, chưa tạo được mạng lưới mang tính hệ thống du lịch. Giao thông kết nối các điểm tham quan với nhau chưa thực sự thuận lợi.

Để hai tuyến du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long” hấp dẫn du khách, bà Trần Huyền Thanh, Giám đốc Công ty Du lịch Sen Rừng mong muốn các huyện cung cấp cho doanh nghiệp sơ đồ tổng thể các làng nghề trên địa bàn huyện để doanh nghiệp khảo sát kỹ hơn, phục vụ thiết kế sản phẩm, tour du lịch. Bên cạnh đó, nếu các điểm du lịch không bán vé tham quan, thì cần phải có cách thức bán được sản phẩm, đặc sản, quà lưu niệm của địa phương để người dân có thu nhập từ hoạt động du lịch. Như vậy mới có thể phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Đồng tình với nhận định của các doanh nghiệp, ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Mai Việt Travel cho rằng, hai tuyến du trên là khả thi. “Hiện chúng tôi có những đoàn du khách Pháp sắp đến Hà Nội. Chúng tôi sẽ đưa đến làng Quảng Phú Cầu, vì ở đây, khách được xem nhiều công đoạn làm tăm hương rất hấp dẫn. Bản thân sản phẩm tăm hương đã có câu chuyện đặc biệt gắn với văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, ở đây có nhiều món ăn hấp dẫn như bánh đúc, bánh khúc mặn, cháo gõ. Tuy nhiên, cần làm gọn gàng đường làng ngõ xóm cho sạch sẽ, đầu tư nhà hàng, cơ sở phục vụ khách ăn uống”, ông Tráng chia sẻ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho rằng, các huyện cần chọn phân khúc khách hàng để xây dựng sản phẩm phù hợp và có quy hoạch sản phẩm du lịch đúng đối tượng, nhu cầu thị trường.

Tin bài liên quan