Nông nghiệp đang là lĩnh vực còn nhiều dư địa tăng trưởng

Nông nghiệp đang là lĩnh vực còn nhiều dư địa tăng trưởng

Đạt mục tiêu tăng trưởng: Khó nhưng còn dư địa

(ĐTCK) Việc tìm ra các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 đã trở thành chủ đề làm nóng nghị trường trong phiên thảo luận buổi chiều ngày 9/6. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% tuy khó nhưng hoàn toàn có cơ sở để phấn đấu đạt được, với điều kiện triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp”.

Đưa giải pháp cụ thể cho từng bộ ngành

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam có nhu cầu phát triển nhanh, tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực, đồng thời việc thúc đẩy tăng trưởng sẽ tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển trong các giai đoạn sau, cũng như tạo sự ổn định cho các chỉ tiêu kinh tế lớn như nợ công, ngân sách, tạo việc làm, chi trả xã hội, bảo vệ môi trường…

Bên cạnh đó, Chính phủ xác định rõ các cơ sở để đạt được mục tiêu và khẳng định không đánh đổi môi trường hay bất ổn kinh tế vĩ mô để lấy tăng trưởng.

Việc tính toán đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến thuận lợi hơn, nông nghiệp phục hồi mạnh, có thể đạt mức tăng trưởng 3,05%; công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu theo xu hướng tích cực, dự kiến tăng trưởng lần lượt 13% và 10% trong năm nay.

Bên cạnh đó, lĩnh vực tiêu dùng có khả năng tăng 10%, dịch vụ 7,79%. Nhiều dự án đầu tư từ ngân sách và giải ngân FDI đang được đẩy nhanh tiến độ. Một số dự án lớn đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng sẽ đóng góp thêm vào tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.

Để thực hiện mục tiêu đầy thách thức này, giải pháp căn bản là khơi dậy mọi tiềm năng, tận dụng tất cả cơ hội để phát triển. Theo đó, về kế hoạch khai thác thêm 1 triệu tấn dầu, Bộ trưởng cho biết, năm 2016, Việt Nam đã khai thác 15,2 triệu tấn dầu, kế hoạch đầu năm dựa trên khả năng khai thác và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều rộng kết hợp chiều sâu, chú ý đến chất lượng tăng trưởng, không đặt vấn đề khai thác quá mức.

“Chúng ta đã xây dựng kế hoạch khai thác 12,8 triệu tấn dầu cho cả năm 2017. Tuy nhiên, trước tình hình giá dầu phục hồi tốt và khả năng có thể khai thác được thêm, Chính phủ quyết định tận dụng cơ hội khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Điều này hỗ trợ phát triển, không khiến tăng trưởng quá mức hay cạn kiệt nguồn tài nguyên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể, xây dựng Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 2/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp này, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là có cơ sở.

Tìm kiếm dư địa tăng trưởng

Thảo luận để tìm kiếm giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017, Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho biết, nếu không có nhân tố mới, nền kinh tế Việt Nam dự kiến chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 6,2% trong năm nay. Để đạt được mục tiêu như Quốc hội đề ra, việc cần làm là tìm ra dư địa để phát triển.

Do đó, bên cạnh 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đề cập, bà Lê Thu Hà kiến nghị thêm 3 giải pháp.

Thứ nhất, cần tăng tổng cầu của nền kinh tế, cụ thể là tăng khối lượng tiền tệ so với kế hoạch đề ra, tương ứng với tăng thêm 2% tổng dư nợ tín dụng so với kế hoạch là 18 - 20% trong năm 2017, bao gồm cả tín dụng đầu tư và tiêu dùng vào những lĩnh vực có tốc độ tăng nhanh nhất. Việc dư nợ tín dụng tăng thêm 2% sẽ không gây thêm lạm phát tiền tệ bởi lạm phát cơ bản đến nay vẫn diễn biến thuận lợi.

Thủ tục hành chính phức tạp, rối rắm là điểm nghẽn bất cập, nếu tháo được sẽ tạo sức bật cho tăng trưởng

- Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai)

Cụ thể, quý I/2017, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,66% so với bình quân năm 2016. Theo phân tích của bà Hà, trong tình huống năm 2017, CPI tăng cao hơn bình quân 4% so với năm 2016 nhưng vẫn dưới 5%.

Yếu tố này chỉ có tác động kích thích tăng trưởng, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, đi kèm theo đó, không nên tăng giá điện, giá cả các loại dịch vụ công khác như y tế, giáo dục từ nay đến cuối năm.

Giải pháp thứ hai là kích thích tăng tiêu dùng dân cư và đầu tư tư nhân thông qua các biện pháp mở rộng tín dụng tiêu dùng, tháo gỡ các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho công trình xây dựng, đầu tư tư nhân.

Đồng thời, có biện pháp giải ngân nhanh đầu tư công trong năm 2017 bao gồm các dự án BOT, BT, các dự án hạ tầng giao thông. Nếu hết quý III/2017 có thể giải ngân được 70% vốn đầu tư trong năm thì sẽ tạo tác động rất lớn tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì vậy cần giải ngân nhanh.

Cuối cùng, thủ tục hành chính đang là một nút thắt lớn kìm hãm tăng trưởng kinh tế, cần tháo gỡ nút thắt này.

“Thủ tục hành chính phức tạp, rối rắm là điểm nghẽn bất cập, nếu tháo được sẽ tạo sức bật cho tăng trưởng. Hiện nay, các dự án đều phải chờ đợi phê duyệt thủ tục, ý kiến từ các bộ, ngành liên quan, tốn rất nhiều thời gian”, bà Hà nói.

Một giải pháp khác được đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) đề ra là cần huy động nguồn lực trong dân để sản xuất, kinh doanh, có cơ chế ưu đãi đặc biệt thu hút kiều hối. Trong đó, việc huy động nguồn tiền, vàng trong dân đã được đề cập tới từ lâu nhưng vẫn chưa thể triển khai do còn nhiều quan điểm trái chiều. Cùng với đó, việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để doanh nghiệp, người dân yên tâm khởi nghiệp, sản xuất - kinh doanh là yếu tố không thể thiếu. 

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 được tính toán dựa trên yếu tố nền nông nghiệp có sự phục hồi mạnh, sau những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, thời tiết trong năm 2016. Tuy nhiên, cũng bởi vậy, câu chuyện về nông sản “được mùa, mất giá” lại trở thành chủ đề nhức nhối.

Đại biểu Đoàn Văn Diệp (Lâm Đồng) nhận định, để đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững, cần tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị hàng nông sản. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, sản lượng xuất khẩu ngày càng cao nhưng mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề, thường gặp tình trạng được mùa mất giá hay được giá mất mùa do biến đổi khí hậu, sâu bệnh hoành hành. Chẳng hạn, tại Lâm Đồng thời gian qua, có đến 11.000/14.000 ha cây điều không thu hoạch được do dịch bệnh.

Về vấn đề này, các đại biểu nhất trí, giải pháp để tránh tình trạng phải “giải cứu” nông sản đó là khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vướng mắc lớn hiện nay để thực hiện chiến lược ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp là khó khăn khi tiếp cận vốn.

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, để đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp cần nguồn vốn 6 - 15 tỷ đồng/ha. Con số này quá lớn đối với các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và cả các doanh nghiệp nhỏ khi chỉ có thể thế chấp tài sản trên đất để vay vốn ngân hàng, do đất nông nghiệp phần lớn là đất thuê lâu năm.

 “Chính phủ đã có gói hỗ trợ tín dụng nông nghiệp nhưng việc tiếp cận chương trình này không hề dễ, bởi quy định doanh nghiệp phải có 3 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và đang làm nông nghiệp công nghiệp cao. Cùng với đó, trở ngại của phần lớn doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao là không có tài sản thế chấp. Tôi đề nghị cần sớm hoàn thiện thủ tục đánh giá tài sản đất thế chấp”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Thực tế, 65% dân số Việt Nam đang sinh sống tại nông thôn, do đó, việc đẩy mạnh tái cơ cấu, đầu tư cho nông nghiệp không chỉ cải thiện được năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn nâng cao đời sống của phần lớn dân cư. Theo đó, cần xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, là thế mạnh của Việt Nam để có sự quan tâm đúng mực.

Tin bài liên quan