Đấu giá quyền sử dụng đất: Mức đặt cọc bao nhiêu là phù hợp?

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Luật Đấu giá tài sản quy định, trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.
Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu tại phiên họp.

Sửa đổi Luật Đấu giá tài sản cần nâng mức đặt cọc đấu giá quyền sử dụng đất, hạn chế tối đa việc để một số cá nhân, tổ chức thu lợi bất chính.

Đó là ý kiến được một số đại biểu cùng nêu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban này, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, sáng 26/9.

Thừa ủy quyền Chính phủ, trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Đấu giá tài sản đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 1 điều mới quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Theo đó, một số điểm mới đáng chú ý của dự thảo luật được ông Long đề cập, trong đó có bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án.

Cụ thể là thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường; cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền hoặc theo số lượng khối tài sản và giá khởi điểm cao nhất…

Dự thảo quy định, trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Cho rằng đấu giá quyền sử dụng là nội dung rất quan trọng nhưng đang bộc lộ rất nhiều phức tạp, như thông đồng thổi giá, dìm giá, dẫn đến làm lợi bất chính cho một số cá nhân, tổ chức, ông Mai Văn Hải, Ủy viên Ủy ban Kinh tế đề nghị sửa luật lần này cần quy định cụ thể để hạn chế tính trạng trên.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam cho rằng, mức đặt cọc của các hàng hóa khác nhau cần quy định khác nhau.

Những tài sản có ảnh hưởng lớn như tài chính, đất đai thì mức cọc phải từ 20- 30% để tránh việc bỏ cọc sau khi đã đẩy giá lên tạo ra tín hiệu sai lệch cho thị trường. Nên tiền đặt cọc phải tương xứng, ví dụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm trả giá lên đến 1 tỷ đồng/m2, nhưng khi bỏ cọc thì ảnh hưởng đến thị trường rất đáng kể, ông Nam phát biểu.

Cùng lo ngại về đấu giá đất đai, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm cũng lấy ví dụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, đất bị thổi giá lên đến chục lần, làm cho nền tảng giá bị thay đổi, dẫn đến nguy cơ bong bóng, đổ vỡ của cả thị trường.

Ông Lâm cũng nêu tiêu cực khác trong đấu giá là một số phần tử bất hảo khống chế, kìm giá để chỉ có chính họ mua được tài sản đó sát giá sàn, thậm chí còn dìm xuống dưới giá trị của tài sản.

Những hạn chế nêu trên, theo ông Lâm đều có nguyên nhân là quy định chưa chặt chẽ, song không thể giải quyết bằng biện pháp hành chính được. Nếu để ngăn chặn bằng biện pháp kinh tế thì phải đặt cọc ở mức độ để họ không thể trả giá cao bất thường.

Tỷ lệ tối đa không thể là 20%, nếu để tỷ lệ này thì có thể một nhóm vẫn có thể phối hợp thao túng, vẫn sẵn sàng thổi giá trong cuộc đấu giá để thổi giá thị trường nhằm bán các khu đất khác, ông Lâm lo ngại.

Vẫn theo đại biểu Lâm thì thực tế trên đã xảy ra rồi nên không thể là tối đa 20%, tỷ lệ này chưa giải quyết được vấn đề. Bên cạnh đó cũng cần quy định là mức giá tối đa gấp bao nhiêu lần đặt cọc, vì một số người xác định sẽ bỏ cọc nên có thể thổi lên rất cao.

Cạnh đó, để chống thao túng trong đấu giá, ông Lâm tán thành với một số ý kiến khác là cần đấu giá qua mạng. Đấu thầu qua mạng khá hiệu quả rồi, đấu giá tại sao không qua mạng, không lộ mặt thì ai biết ai mà câu kết mà dìm giá hay thổi giá, ông Lâm phát biểu.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết, hiện tại ở Bắc Giang tuần nào cũng có 5-6 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất (một năm khoảng 8.000 lô đất được đấu giá) theo hình thức bỏ phiếu kín một vòng. Nhưng nếu lô đất nào đó chỉ có một người trả giá thì lại không trúng, lại phải đấu giá lại, ông Thịnh nêu khó khăn và đề nghị chỉ có một người trả giá cũng phải công nhận kết quả trúng đấu giá.

Hồi âm ý kiến đại biểu về mức cọc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc rất kỹ nhưng cũng không thể nâng lên quá cao. Vì mức thông thường chỉ từ 5 - 20%, nếu nâng lên quá cao thì sẽ là hàng rào kỹ thuật loại bỏ người muốn mua.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023 tới.

Tin bài liên quan