Diễn biến của giá dầu theo chiều hướng nào vẫn là vấn đề khó đoán định.

Diễn biến của giá dầu theo chiều hướng nào vẫn là vấn đề khó đoán định.

Dấu hỏi cho thị trường dầu mỏ 2019

(ĐTCK) 2018 là một năm đầy biến động đối với giá dầu, có thời điểm giá loại năng lượng này đạt đỉnh cao nhất 4 năm, nhưng có khi lập kỷ lục mức giảm mạnh nhất trong ngày. Đáng chú ý, theo các chuyên gia, 2019 nhiều khả năng sẽ là một năm nhiều biến động hơn nữa của thị trường dầu mỏ, bởi các yếu tố sau.

OPEC rạn nứt

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, bao gồm Nga đã phải trải qua một “bài kiểm tra” vào cuối năm 2018 khi nhóm họp tại Vienna để thảo luận về việc giảm sản lượng.

Diễn biến cuộc họp cho thấy sự thiếu thống nhất giữa các thành viên, khi Iran từ chối cam kết cắt giảm đầu ra, đồng thời yêu cầu được trở thành trường hợp ngoại lệ với quy định sản lượng, do quốc gia này đang chịu các lệnh cấm vận từ Mỹ. Căng thẳng giữa bộ trưởng dầu mỏ các quốc gia thành viên OPEC cũng có dấu hiệu gia tăng bởi vấn đề sản lượng.

Cuối cùng, thỏa thuận cắt giảm sản lượng cũng được thiết lập một lần nữa, nhưng chủ yếu nhờ sự can thiệp từ phía Nga. Theo đó, OPEC đồng ý giảm sản lượng khoảng 2,5% so với mức sản xuất vào tháng 10/2019. Iran được loại trừ bởi sản lượng đã giảm do các lệnh cấm vận.

Thỏa thuận này là rất mong manh, bởi Mỹ sẽ tiến hành đánh giá lại các lệnh cấm vận vào tháng 4/2019 và diễn biến sau đó ẩn chứa nhiều điều khó lường. 

Sản lượng dầu của Mỹ đạt kỷ lục

Tại Mỹ, sản lượng dầu đá phiến được sản xuất đã đạt mức 11,4 triệu thùng/ngày năm 2018. Theo các chuyên gia, con số này sẽ còn cao hơn nữa trong năm 2019, khi hệ thống các đường ống dẫn dầu mới hoàn thành và được đưa vào sử dụng, giúp việc vận chuyển và xuất khẩu dầu đá phiến từ các vùng sản xuất tới bến cảng trở nên dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển thuận tiện sẽ càng giảm giá thành của dầu đá phiến. Với diễn biến này, không loại trừ khả năng thị trường dầu mỏ sẽ lại chao đảo một lần nữa. 

Nhu cầu tiêu thụ giảm sút

Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đã hồi phục và tăng trưởng mạnh trở lại trong vài năm qua, nhưng một số dấu hiệu cho thấy, tăng trưởng nhu cầu sử dụng loại năng lượng này sẽ chậm lại trong năm 2019. Theo đó, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu trên toàn cầu xuống còn 1,36 triệu thùng/ngày trong năm tới, giảm 50.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. 

Các lệnh cấm vận khó lường

Sau khi áp đặt các lệnh cấm vận lên ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các thành viên thị trường bất ngờ khi thông báo, có 8 quốc gia ngoại lệ sẽ tiếp tục được nhập khẩu dầu mỏ từ Iran trong 180 ngày sau khi các lệnh cấm vận được áp dụng từ ngày 5/11/2018. Với diễn biến này, giá dầu ngay lập tức giảm bởi có ít nhất 1 triệu thùng dầu/ngày của Iran vẫn sẽ được cung cấp ra thị trường, điều nằm ngoài dự báo trước đó.

Tới tháng 4/2019, Mỹ sẽ xem xét lại các trường hợp ngoại trừ kể trên và có khả năng gỡ bỏ quy định này. Thực tế, để tránh bất ổn, các quốc gia được loại trừ không tiến hành các hợp đồng mua bán dầu mỏ với Iran nữa. Theo số liệu của TankerTrackers.com, sản lượng dầu xuất khẩu của Iran đã chạm mức 1,15 triệu thùng/ngày trong tháng 11, mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua và nhiều khả năng sẽ còn giảm tiếp trong năm 2019.

Đáng chú ý, việc Giám đốc tài chính Huawei, bà Meng Wanzhou bị bắt gần đây với nguyên nhân là vi phạm các lệnh cấm vận, thực hiện các giao dịch với Iran đã phần nào tạo áp lực lên các quốc gia và doanh nghiệp nhập khẩu dầu mỏ từ đất nước này. Bởi nó cho thấy, Mỹ có thể thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc khi các lệnh cấm vận bị vi phạm.

Các diễn biến kể trên đều có khả năng tác động tới diễn biến của giá dầu và theo chiều nào vẫn là điều khó đoán định. Do đó, các thành viên thị trường không còn cách nào khác ngoài việc phải bám sát mọi diễn biến của các yếu tố kể trên.

Tin bài liên quan