Thị trường dầu mỏ bị ám ảnh bởi dầu đá phiến

Thị trường dầu mỏ bị ám ảnh bởi dầu đá phiến

(ĐTCK) Thị trường dầu mỏ đang bị ám ảnh với câu hỏi: khi nào chu kỳ bùng nổ dầu đá phiến tại Mỹ thực sự chậm lại. Bởi hiện tại, ngay cả khi giá dầu WTI đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng, tốc độ khai thác dầu đá phiến vẫn không có dấu hiệu đi xuống.

Các công ty dầu khí độc lập đang thăm dò mỏ dầu đá phiến với mức độ đáng kinh ngạc và coi đây như một “van giá trị”, sẵn sàng tăng sản lượng dầu khi giá tăng và thắt chặt lại khi giá hạ.

Điều đáng ngại là mức giá để điều chỉnh thắt chặt sản lượng đã xuống thấp hơn so với suy nghĩ của các thành viên thị trường, do chi phí sản xuất dầu đá phiến đã trở nên rẻ hơn rất nhiều, theo Công ty Andy Hall of Astenbeck Capital Management.

Trên thực tế, sự phục hồi của ngành công nghiệp dầu đá phiến đầu năm 2017 có sự hỗ trợ rất nhiều từ quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với đồng minh Nga. Sau giai đoạn suy giảm năm 2016, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng trưởng trở lại trong năm nay.

Dữ liệu sản lượng dầu mỏ mới nhất của chính phủ Mỹ dự báo sẽ chạm ngưỡng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày vào năm 2018, nhờ một số mỏ dầu mới được đưa vào triển khai hoạt động, điển hình tại khu vực Tây Texas hay Oklahoma.

Giới phân tích cho rằng, sau giai đoạn hồi sinh của giá dầu từ ngưỡng dưới 30 USD/thùng hồi đầu năm 2016 lên 55 USD tháng 1/2017, giá dầu lại đang chứng kiến sự sụt giảm bất ngờ khi hiện chỉ dao động quanh ngưỡng 44 USD/thùng. Ở mức giá này, hoạt động của các nhà sản xuất dầu mỏ sẽ trở nên khó khăn hơn khi không mang lại nhiều lợi nhuận.

Tuy nhiên, ngay cả trong hoàn cảnh đó, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ khó có thể sụt giảm ít nhất cho đến năm 2018. Một tín hiệu rất đáng chú ý khác là số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2017.

Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch đã thực hiện một đánh giá về mức độ nhạy cảm của sản lượng dầu đá phiến khi giá dầu biến động.

Theo đó, ước tính mỗi USD dao động có thể làm tăng thêm hoặc giảm đi 100.000 thùng dầu/ngày trong nguồn cung dầu mỏ của Mỹ năm 2018. Như vậy, trong ngưỡng biến động 20 USD, thị trường sẽ chứng kiến sản lượng dầu của Mỹ thay đổi 2 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Ngân hàng Citigroup chia sẻ quan điểm rằng, những biến động về giá sẽ có ít hiệu ứng đối với nguồn cung dầu mỏ của Mỹ trong năm nay, song kể từ năm tới, sản lượng có thể biến động từ mức 9,6 triệu thùng/ngày nếu giá dầu là 40 USD/thùng và tăng lên 12,1 triệu thùng/ngày nếu giá dầu chạm mức 70 USD/thùng. Tuy nhiên, đó sẽ là câu chuyện của năm 2018.

Nhiều nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ đã tận dụng rất tốt thời điểm giá dầu tăng hồi tháng 12 năm ngoái, sau khi OPEC đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng để chạy đua chiếm lĩnh thị phần. Tập đoàn khai thác dầu đá phiến Occidental Petroleum tuyên bố họ có thể tăng sản lượng thêm 5 - 8% khi giá dầu ở ngưỡng 50 USD/thùng và giữ sản lượng ổn định khi giá dầu duy trì quanh ngưỡng 40 USD/thùng.

Đánh giá về môi trường giá dầu hiện nay, Giám đốc điều hành của tập đoàn này, ông Vicki Hollub khẳng định: “Chúng tôi sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản giá dầu thấp quanh ngưỡng 40 USD/thùng giai đoạn từ nay đến cuối năm”.

Trong bối cảnh này, nhiều nhà phân tích cho rằng, sự vận động tiếp theo trên toàn thị trường sẽ phụ thuộc một phần vào các quyết định sắp tới của OPEC, dẫn đầu là Ả Rập Xê út. Tổ chức này và các đồng minh mới đây đã quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới năm 2018 và thậm chí có thể cắt giảm thêm nữa nếu tình hình giá dầu chưa được cải thiện.

Nếu Ả Rập Xê út và các thành viên khác muốn kéo giá “vàng đen” lên bằng cách hạn chế nguồn cung, họ sẽ đối mặt với rủi ro khác khi tạo cho chính các đối thủ dầu đá phiến một cơ hội mới để tồn tại. Liệu OPEC có thể tìm được đáp án cho bài toán hóc búa này?

Tin bài liên quan