Xu hướng xanh hóa đang nổi trội ở nhiều doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp

Xu hướng xanh hóa đang nổi trội ở nhiều doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp

Đầu tàu doanh nghiệp nhà nước “xanh hóa”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023 ghi nhận số liệu tích cực tại các doanh nghiệp lớn ngành nông nghiệp. Xu hướng xanh hóa, ưu tiên cho phát triển bền vững tiếp tục là định hướng lớn của các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác.

Kết quả kinh doanh tích cực

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực nổi bật nhất trong năm 2023 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã VRG). Tập đoàn được giao sản lượng khai thác cao su 425.000 tấn, tính đến ngày 17/12, VRG đã hoàn thành chỉ tiêu này và vượt kế hoạch trước 14 ngày.

Kết quả ước thực hiện sản xuất, kinh doanh năm 2023 của VRG tích cực. Tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 24.485 tỷ đồng (vượt 1% kế hoạch); lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 4.015 tỷ đồng (vượt 1,4% kế hoạch).

VRG đưa ra kế hoạch năm 2024, doanh thu và thu nhập khác đạt 24.999 tỷ đồng (cao hơn 2,1% so với năm 2023); lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng (cao hơn 2,2% so với năm 2023); lợi nhuận sau thuế 3.437 tỷ đồng (cao hơn 0,9% so với năm 2023).

Cụ thể các lĩnh vực: sản lượng cao su khai thác 445.200 tấn, thu mua 75.290 tấn và tiêu thụ 520.490 tấn; giá bán mủ bình quân khoảng 34,6 triệu đồng/tấn; thu hoạch gỗ cao su 6.430 ha, bằng 101,1% ước thực hiện năm 2023; sản lượng sản xuất gỗ các loại (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF) khoảng 1.247.012 m3, bằng 106 - 189% so với ước thực hiện năm 2023; sản lượng các sản phẩm công nghiệp khác (găng tay, băng tải, bóng thể thao, nệm, gối cao su) bằng 92 - 106% so với ước thực hiện năm 2023; khu công nghiệp phấn đấu cho thuê mới 245 ha, bằng 468% so với ước thực hiện năm 2023.

Tại Vinafor, ông Lê Quốc Khánh, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cho biết, năm 2023, tổng doanh thu Công ty mẹ ước đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ ước đạt 354 tỷ đồng, tương đương 105% kế hoạch năm. Tổng công ty đã và đang tiếp tục triển khai các dự án đầu tư - phát triển theo kế hoạch. Giá trị thực hiện dự kiến năm 2023 khoảng 172 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Trong công tác trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ và khai thác rừng, ước thực hiện đến cuối năm, các đơn vị thuộc Vinafor tạo mới được 2.890 ha rừng; khai thác được 2.634 ha. Tổng công ty đã chủ động trong việc nắm bắt diễn biến thị trường, kịp thời điều chỉnh các hoạt động, phương án kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế. Công tác xúc tiến thương mại đã được tăng cường thông qua việc trao đổi, làm việc với nhiều đối tác tại Nhật, châu Âu, châu Mỹ để đa dạng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và mở rộng thị trường của Tổng công ty, tìm kiếm các sản phẩm mới có tiềm năng liên quan đến lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp và chế biến gỗ.

Doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo là Vinafood 1 ước đạt doanh thu 22.003 tỷ đồng, bằng 141,5% kế hoạch năm. Ông Phan Xuân Quế, Tổng giám đốc Vinafood 1 cho biết, 2023 được coi là năm xảy ra nhiều biến động lớn về giá gạo xuất khẩu. Trong vòng 2 tuần sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng, giá lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long tăng vọt lên 2.000 - 3.000 đồng/kg khiến thị trường nhiều thời điểm hỗn loạn về giá, gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị kinh doanh lương thực khi các hợp đồng mua gạo đã ký không lấy được hàng do bên bán từ chối giao hàng. Trong tình hình đó, Vinafood 1 đã từng bước xử lý khó khăn; tận dụng cơ hội mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu gạo; hoạt động thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc biệt là mặt hàng sắn, bột mỳ... tiếp tục tăng trưởng về số lượng và mở rộng nhiều địa bàn. Nhờ đó, Tổng công ty đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu năm 2023.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

Đây là một trong những định hướng lớn của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC). Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch CMSC cho biết, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư khoảng 30 tỷ USD. Ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% trong số này và cần sự tham gia, góp sức chủ yếu từ khu vực ngoài Nhà nước.

“Ngân sách Nhà nước tập trung vào chương trình đầu tư giao thông công cộng thành phố lớn, đường cao tốc. Nguồn đầu tư ngoài nhà nước mang tính quyết định đảm bảo thành công trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, bao gồm các dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, hộ sản xuất, hộ gia đình, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và một phần hiệu quả năng lượng. CMSC khuyến khích 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc triển khai các giải pháp phát triển xanh”, ông Cảnh cho biết.

Theo định hướng của VRG trong Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn năm 2050, Tập đoàn phấn đấu giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050 so với năm 2023; xanh hóa chuỗi cung ứng với mục tiêu 60% diện tích cao su toàn Tập đoàn và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...); 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

VRG cũng đặt mục tiêu đến năm 2050, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối tối thiểu từ 50% tổng nhu cầu; tiết kiệm năng lượng khoảng 20 - 30% so với tổng nhu cầu; giảm thiểu chất thải bằng giải pháp tiết kiệm/tái sử dụng tối thiểu 35% lượng nước sử dụng, tận dụng/tái chế tối thiểu 40% chất thải rắn và bùn thải, giảm thiểu 20% chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất.

Về nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, VRG tập trung vào các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tài chính, thu hút và kêu gọi vốn đầu tư, bảo hiểm xanh, tham gia thị trường các-bon, hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường. Tập đoàn cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư từ vốn sản xuất - kinh doanh, các đơn vị cân đối và đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về tăng trưởng xanh.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu quan trọng. VIMC sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ kỹ thuật số trong quản lý, sử dụng vật tư, phụ tùng, giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu, tăng cường tính năng điều động tàu để nâng cao hiệu quả khai thác tàu.

Đối với lĩnh vực cảng biển, việc kết nối các cảng với khách hàng, chủ hàng, các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp thành viên của VIMC trên nền tảng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và nâng cao trải nghiệm về dịch vụ cho khách hàng. Doanh nghiệp cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động logistics để quản lý các hoạt động kết nối, khai thác kho bãi, đội xe, kiểm soát chi phí, nhiên liệu…, cập nhật thông tin thời gian thực tế cho khách hàng truy xuất vào bất cứ thời điểm nào.

Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đẩy mạnh quá trình sắp xếp, phân loại doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn tại doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần.

“Với những tập đoàn, tổng công ty SCIC có định hướng nắm giữ vốn lâu dài hoặc có tồn tại, vướng mắc cần giải quyết, Tổng công ty yêu cầu xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó chú trọng phát triển bền vững, hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Ví dụ như giải pháp về kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hài hoà giữa mục tiêu phát triển kinh tế với xã hội và đảm bảo an toàn môi trường”, ông Lê Thanh Tuấn, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết.

Thời gian tới, SCIC định hướng trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ. Để đạt được mục tiêu này, Tổng công ty sẽ chú trọng phối hợp với định chế tài chính, quỹ đầu tư trong nước và ngoài nước, các tập đoàn, tổng công ty thuộc hệ sinh thái để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư xanh thông qua công cụ như thành lập quỹ đầu tư chung, công ty đầu tư như bảo lãnh, phát hành trái phiếu xanh.

SCIC cũng định hướng thành lập các quỹ đầu tư để đầu tư vào ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm của nền kinh tế Việt Nam; huy động vốn trên thị trường quốc tế; thu hút quỹ đầu tư Chính phủ các nước quan tâm mua cổ phần tại doanh nghiệp trong danh mục của Tổng công ty. Từ đó, Tổng công ty tập trung vào các doanh nghiệp phát triển hiệu quả kinh tế và giải pháp bền vững môi trường.

Tin bài liên quan