Với các giải pháp tình thế của Bộ Y tế, nguồn cung ứng thuốc có cải thiện, song vẫn rất thiếu

Với các giải pháp tình thế của Bộ Y tế, nguồn cung ứng thuốc có cải thiện, song vẫn rất thiếu

Đấu thầu thuốc vẫn chậm

0:00 / 0:00
0:00
Dù có nhiều động thái từ Bộ Y tế, song thực tế cho thấy, công tác đấu thầu thuốc vẫn còn nhiều khó khăn.

Thuốc vẫn thiếu

Với tình trạng nhiều loại thuốc chưa được cung ứng cấp kịp thời, Bộ Y tế đã có giải pháp tình thế bằng việc liên tục gia hạn đăng ký nhiều loại thuốc đang lưu hành. Tuy nhiên, việc này dường như chỉ là muối bỏ biển, thuốc vẫn thiếu trầm trọng.

Thông tin từ Bộ Y tế, cơ quan này vừa có quyết định công bố gia hạn danh mục 760 thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến ngày 31/12/2024, nâng tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế được Bộ Y tế gia hạn đến nay lên con số hơn 10.000 sản phẩm.

Như vậy, tính đến thời điểm này, đây là đợt gia hạn thứ 3 của năm 2023 theo Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội.

Về khó khăn cố hữu liên quan tới công tác đấu thầu thuốc, ông Lê Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia lý giải, ngoài nguyên nhân khách quan do Covid-19, thì có tình trạng một số thuốc chậm cung ứng do có số đăng ký hết hạn vào ngày 31/12/2022, mới được gia hạn theo Nghị quyết số 80/2023/QH15, bắt đầu được đặt hàng sản xuất từ tháng 2/2023, nên cần có thêm thời gian thực hiện các thủ tục nhập hàng và giao hàng.

Cũng theo ông Dũng, một nguyên nhân khác là do gia hạn nhiều lần đóng/mở thầu, kéo dài quá trình lựa chọn nhà thầu, nên nhà thầu không dự trữ nhiều hàng vì sản phẩm thuốc có hạn sử dụng; một số cơ sở y tế quá chậm trễ trong việc thanh toán công nợ, nên nhà thầu dừng cung ứng thuốc.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, những mặt hàng độc quyền hay việc chỉ có một nhà sản xuất, một nhà cung ứng là một trong những trở ngại khi mời thầu. Có những thuốc đã mời thầu rất nhiều lần, nhưng các nhà thầu không đáp ứng được.

Thực tế cho thấy, khi chỉ có một nhà sản xuất sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền. “Khi mời thầu, các nhà sản xuất không được tham gia trực tiếp, mà phải thông qua các nhà thầu. Sau này, hy vọng được đàm phán trực tiếp với các hãng để rút ngắn các khâu trung gian”, ông Dũng cho biết.

Lý giải thêm về khó khăn do công tác đấu thầu, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, một số đơn vị có tình trạng tồn tại công nợ với nhà thầu, do chưa được Bảo hiểm Xã hội thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh một số năm trước đó; một số nhà cung cấp e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan tới giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp.

Ngoài ra, một số nhà thầu không tiếp tục tham dự thầu, không tiếp tục sẵn sàng giao hàng hoặc giao hàng với một số lượng rất hạn chế, chỉ đủ sử dụng trong một thời gian ngắn, gây nên tình trạng thiếu hụt thuốc sử dụng cho người bệnh.

Nhiều gói thầu phải thực hiện đấu thầu lần 2, lần 3 vẫn không có kết quả vì không có nhà thầu dự thầu do giá hàng hóa trên thị trường đã tăng so với giá kế hoạch được lập.

Liệu có gỡ khó triệt để?

Sau 3 đợt gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế theo Nghị quyết 80/2023/QH15, đến nay, có 10.353 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế được gia hạn. Điều này có nghĩa là toàn bộ giấy đăng ký lưu hành của 10.353 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan tới công tác đấu thầu thuốc, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BYT, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Cụ thể, Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định các đơn vị y tế phải lựa chọn nhà thầu cung ứng với giá trúng thầu không được cao hơn giá cao nhất đã được công bố. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này không phù hợp với quy luật thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc đấu thầu của các đơn vị gặp khó khăn khi không lựa chọn được nhà thầu phù hợp.

Tại Thông tư 06/2023/TT-BYT, Bộ Y tế sửa đổi quy định về giá trúng thầu. Cụ thể, đối với giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu theo nhóm tiêu chí kỹ thuật của các cơ sở y tế hoặc trúng thầu tập trung cấp địa phương trong vòng 12 tháng trước hoặc trúng thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá còn hiệu lực của thỏa thuận khung được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Trường hợp chưa được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế thì căn cứ quyết định trúng thầu hoặc thông báo trúng thầu hoặc thông tin công khai theo quy định Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu theo quy định. Như vậy, thông tư mới bỏ quy định về giá kế hoạch không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất đã được công bố.

Đối với quy định 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng, Bộ Y tế quy định trường hợp thuốc không đủ 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau, thì người đứng đầu đơn vị căn cứ vào ít nhất một báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, ngoài hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; ban hành các thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Tư lệnh ngành y tế cũng khẳng định, Bộ đã rà soát, dự thảo danh mục công bố gần 10.000 thuốc để thực hiện Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội; chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá.

Cụ thể, trong năm 2022, đã tổ chức thành công 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia: giảm giá 1.418 tỷ đồng so với giá kế hoạch (giảm gần 18%); đàm phán giá thành công 61/69 mặt hàng thuốc: giảm giá 1.995 tỷ đồng (giảm xấp xỉ 15%).

Bên cạnh đó, Bộ sẽ sửa đổi quy định về thu phí đăng ký thuốc và chế độ thù lao cho chuyên gia để thúc đẩy công tác thẩm định hồ sơ. Ngoài ra, Bộ thành lập 4 đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở y tế. Đồng thời, Bộ có văn bản yêu cầu các sở y tế, các bệnh viện Trung ương báo cáo về tình hình cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để đánh giá thực trạng cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế từ đó có giải pháp kịp thời.

Tin bài liên quan