Phố Wall có phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall có phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Dầu thô tiếp tục leo cao, giá vàng tăng vọt

(ĐTCK) Nhận nhiều thông tin hỗ trợ, giá dầu thô có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2015, trong khi giá vàng cũng tăng vọt, lên mức cao nhất 3 tuần. Trong khi đó, chứng khoán Âu, Mỹ lại trái chiều.

Phố Wall duy trì đà tăng thứ Tư khi đồng USD có phiên giảm thứ 4 liên tiếp do dự báo về khả năng Fed tăng lãi suất trong thời gian sắp tới đã giảm bớt. Ngoài ra, việc giá dầu thô liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới của năm cũng hỗ trợ cho chứng khoán tăng điểm.

Dù mức tăng không quá mạnh khi nhà đầu tư còn e ngại sau khi Ngân hàng thế giới hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, nhưng chừng đó cũng đủ giúp Dow Jones lần đầu tiên đóng cửa trên mức 18.000 điểm kể từ tháng 4, trong khi S&P 500 đang tiến gần hơn với đỉnh cao lịch sử.

Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Dow Jones tăng 66,77 điểm (+0,37%), lên 18.005,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,99 điểm (+0,33%), lên 2.119,12 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 12,89 điểm (+0,26%), lên 4.974,64 điểm.

Sau 2 phiên tăng điểm liên tiếp, chứng khoán châu Âu đã điều chỉnh trong phiên thứ Tư do tác động từ nhóm cổ phiếu tài chính sau thông tin không khả quan từ 2 ngân hàng tại Ý và Áo. Ngoài ra, việc Ngân hàng Thế giới tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng khiến giới đầu tư e ngại.

Kết thúc phiên 8/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 16,99 điểm (+0,27%), lên 6.301,52 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 70,65 điểm (-0,69%), xuống 10.217,03 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 27,13 điểm (-0,61%), xuống 4.448,73 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù đồng yên tăng mạnh, nhưng nhờ dữ liệu thương mại của Trung Quốc không tiêu cực, nên chứng khoán Nhật Bản tăng khá tốt trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại quay đầu giảm điểm và chứng khoán Hồng Kông cũng đóng cửa giảm nhẹ trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư thận trọng trước ngày nghi lễ, bất chấp nhóm cổ phiếu năng lượng vẫn duy trì đà tăng cùng với giá dầu.

Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 155,47 điểm (+0,93%), lên 16.830,92  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 30,36 điểm (-0,14%), xuống 21.297,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 8,89 điểm (-0,30%), xuống 2.927,16 điểm.

Việc đồng USD giảm mạnh liên tiếp, cùng với Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu đã tạo động lực cho giá vàng bứt phát trong phiên thứ Tư, lên mức cao nhất 3 tuần.

Kết thúc phiên 8/6, giá vàng giao ngay tăng 19,3 USD (+1,55%), lên 1.262,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 15,3 USD (+1,23%), lên 1.262,3 USD/ounce

Theo dữ liệu của Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 2,7 triệu thùng, thấp hơn mức dự báo 3,2 triệu thùng của giới chuyên gia. Tuy nhiên, đây đã là tuần thứ 3 liên tiếp kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm. Trong khi đó, nguồn cung bị ảnh hưởng do nội chiến tại Nigeria, nhất là sau khi phiến quân Niger Delta Avenger cho biết, từ chối đàm phán với chính phủ. Những thông tin trên, cùng với việc đồng USD giảm mạnh đã hỗ trợ cho giá dầu thô tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp trong phiên thứ Tư, vượt qua ngưỡng 51 USD/thùng. Trong đó, giá dầu thô Brent lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2015.

Kết thúc phiên 8/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,87 USD (+1,70%), lên 51,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,07 USD (+2,04%), lên 52,51 USD/thùng.

Tin bài liên quan