Nhà đầu tư nên bắt đầu theo dõi, rà soát kết quả kinh doanh quý II/2009 của DN.

Nhà đầu tư nên bắt đầu theo dõi, rà soát kết quả kinh doanh quý II/2009 của DN.

Đầu tư sẽ chuyển từ tâm lý sang cơ bản

(ĐTCK) Diễn biến TTCK thời gian vừa qua cho thấy, đầu tư theo tâm lý đang ngày càng giảm đà hưng phấn. Thị trường đang điều chỉnh và xu hướng sẽ quay về đầu tư cơ bản và phân hóa theo các ngành…

Triển vọng cuối năm vẫn rất tích cực

Dễ nhận thấy là lực cầu của thị trường trong vài tuần qua chủ yếu theo tâm lý hơn là dựa vào thông tin cơ bản. Tuy nhiên, các thông tin hỗ trợ trước mắt còn rất ít, trong khi các câu hỏi về kinh tế vĩ mô và kết quả lợi nhuận quý II/2009 của DN ngày càng trở nên quan trọng. Các NĐT sẽ cẩn trọng và xem xét kỹ thông tin về tăng trưởng GDP, cán cân xuất nhập khẩu, chỉ số CPI, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, thâm hụt ngân sách (dự kiến 8% năm 2009), dự trữ ngoại tệ và kết quả kinh doanh quý II/2009 của DN.

Khi những yếu tố tâm lý giảm đi thì VN-Index cũng sẽ ít phụ thuộc vào Dow Jones. Trong trường hợp Dow Jones tăng mạnh, VN-Index cũng ít có khả năng tăng điểm tương ứng. Việc VN-Index điều chỉnh ngắn hạn đang diễn ra, nhưng triển vọng thị trường đến cuối năm vẫn là tích cực. Tuy nhiên, NĐT tránh quá kỳ vọng vào các đợt sóng ngắn trong các ngành. Trong thời gian qua, các đợt sóng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu trong một ngành liên tục diễn ra, được sự hỗ trợ của những thông tin thiên về tâm lý hơn là cơ bản. Kết quả là có nhiều đợt sóng trong các ngành, dẫn đến sự lên giá mạnh của các cổ phiếu trong những ngành đó, chẳng hạn như tài chính, chứng khoán, nhựa, cao su, thép, vận tải…. Thế nhưng, xu hướng là các đợt sóng này sẽ hết và chỉ những thông tin cơ bản, tích cực mới là động lực tạo sóng bền vững.

Nên chú ý đến ngành nào?

Trong các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng thì ngành ngân hàng được đánh giá sẽ tiếp tục phục hồi tốt, chủ yếu do chênh lệnh lãi suất đầu vào - đầu ra ngày càng tốt hơn khi lãi suất ổn định. Đồng thời, dư nợ tín dụng đang tăng (tháng 4 tăng hơn 11%), kéo theo sức cầu cho các dịch vụ ngân hàng đang tăng. Khi kinh tế phục hồi thì vòng quay của tiền trong lưu thông (qua ngân hàng) cũng lớn hơn, do đó các ngân hàng sẽ là lĩnh vực phục hồi trước tiên khi nền kinh tế ổn định và phát triển trở lại.

Cổ phiếu thủy sản cũng sẽ tăng trưởng tốt. Ngành thủy sản sẽ khởi sắc do kết hợp cả hai yếu tố: cầu thủy sản ở các nước phát triển phục hồi sớm, trong khi đầu vào ở Việt Nam lại giảm (trong thời gian vừa qua, nhiều nông dân không tiếp tục nuôi trồng thủy hải sản nữa). Một thực tế là rất nhiều DN thủy sản đang phải lùng mua nguyên liệu để chế biến, đồng thời tăng cường tự nuôi trồng. Trong năm 2009, DN thủy sản sẽ có lợi nhuận gia tăng đáng kể không chỉ từ chế biến mà còn từ nuôi trồng, kinh doanh thức ăn thủy sản. Ngành này sẽ chứng kiến sự “đổi ngôi”, do nhiều DN thủy sản sẽ bứt phá và vươn lên “top” đầu.

Tuy nhiên, các cổ phiếu ngành chứng khoán có thể chỉ tăng theo tâm lý và những đợt sóng lớn. Nguyên nhân là do các cổ phiếu này tăng theo kỳ vọng sớm của NĐT vào TTCK hơn là yếu tố cơ bản của DN. Bên cạnh đó, cổ phiếu bất động sản vẫn chưa thể phục hồi nhanh, nhưng sẽ phân hóa trong ngành. Bởi lĩnh vực này chưa hoàn toàn thoát khỏi sự đóng “băng” khi nền kinh tế mới chỉ bắt đầu thoát “đáy”.

Việc phát triển các công trình như cơ sở hạ tầng, thủy điện, thủy lợi… sử dụng chi tiêu của Nhà nước từ gói kích cầu sẽ giúp các công ty xây dựng được lợi lớn hơn. Qua đó, các công ty sẽ cải thiện đáng kể lợi nhuận trong nửa cuối năm và điều này sẽ thu hút được sự chú ý của NĐT. Song cũng chỉ có một số ít công ty kinh doanh bất động sản thương mại (cao ốc văn phòng, chung cư) uy tín và dự án tập trung ở thành phố lớn là TP. HCM, Hà Nội mới thu hút được NĐT.

Các ngành phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu, nhất là nguyên vật liệu nhập khẩu, như nhựa, hóa chất, thép… đến cuối năm nay cũng sẽ không có được thuận lợi như nửa đầu năm. Bởi các nguyên vật liệu nhập khẩu có giá ở mức thấp nhất cuối năm 2008, đầu năm 2009 và do đó, DN trong ngành này có được lợi nhuận gia tăng đáng kể thời gian qua, khi tích trữ nhiều nguyên vật liệu ở mức giá thấp và bán sản phẩm khi giá tăng. Tương tự là các ngành mà sản phẩm sử dụng phần lớn nguyên vật liệu này cũng khó khăn hơn so với nửa đầu năm.

Những ngành như vật liệu xây dựng, cao su, điện…, có giá đầu ra tăng nhanh hơn giá đầu vào đang có xu hướng gia tăng lợi nhuận. Khác với những ngành phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu trên, các ngành này tự khai thác, sản xuất trong nước, nên xu hướng tăng giá đầu ra trong khi đầu vào ít tăng sẽ làm gia tăng đáng kể lợi nhuận.

Có thể nói, kết quả kinh doanh quý II/2009 của các DN mới là thông tin có sức nặng đáng kể nhất với TTCK trong tương lai gần. NĐT nên bắt đầu theo dõi, rà soát kết quả kinh doanh quý II/2009 của DN và trọng tâm trong các ngành nêu trên để lọc ra cổ phiếu đầu tư. Đồng thời, nên tránh cuốn theo các thông tin có tính chất PR, tâm lý, do thị trường sẽ chuyển sang xu hướng tăng trưởng dựa vào cơ bản hơn là tâm lý.