Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Đừng chỉ nhìn vào lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào lãi suất hay coi lãi suất là yếu tố quyết định đầu tư.

Trái phiếu doanh nghiệp không còn là một kênh đầu tư mới. VPS cùng một số tổ chức khác đã triển khai việc bán trái phiếu doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân từ vài năm trước. Dựa trên kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư cá nhân, chúng tôi rút ra một số lưu ý cơ bản khi đầu tư vào kênh này:

Đầu tiên, nhà đầu tư cần biết ai thực sự sẽ là người trả tiền (gốc và lãi) cho mình. Đa số nhà đầu tư sẽ tập trung vào doanh nghiệp phát hành như là người trả tiền cho mình. Cách nhìn này rất tự nhiên và không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, nhà đầu tư cần có cách nhìn thực tế và trực quan hơn và không phải mọi trường hợp doanh nghiệp phát hành mới là người trả tiền thực sự cho nhà đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó giám đốc Phát triển sản phẩm và hỗ trợ kinh doanh, Công ty Chứng khoán VPS

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó giám đốc Phát triển sản phẩm và hỗ trợ kinh doanh, Công ty Chứng khoán VPS

Lấy hai ví dụ, trái phiếu có bảo lãnh bởi ngân hàng và trái phiếu có cam kết thanh khoản/mua lại của công ty chứng khoán. Ở ví dụ thứ nhất, nếu doanh nghiệp phát hành vi phạm nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư thì ngân hàng bảo lãnh sẽ đứng ra trả thay. Khi đó, chính họ, mà không phải doanh nghiệp phát hành sẽ là người trả tiền cho nhà đầu tư.

Ở ví dụ thứ hai, nhà đầu tư thường không đầu tư trọn vẹn thời hạn trái phiếu, mà sẽ theo kỳ hạn ngắn hơn. Khi kết thúc kỳ hạn đầu tư, nhà đầu tư sẽ nhận lại gốc và lợi tức đầu tư từ tổ chức cam kết thanh khoản/mua lại.

Tức là, chính tổ chức đó mới là người trả tiền cho nhà đầu tư. Do vậy, trước khi đầu tư, nhà đầu tư cần định vị rõ ai sẽ là bên trả tiền cho mình và cần tìm hiểu kỹ về bên đó.

Thứ hai, nhà đầu tư cần biết biện pháp bảo đảm cho trái phiếu là gì. Rõ ràng, biện pháp bảo đảm là nút chặn cuối cùng nếu người trả tiền cho nhà đầu tư vi phạm nghĩa vụ trả tiền.

Do đó, nếu còn lo ngại về khả năng của người sẽ thực sự trả tiền cho mình, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ đầu tư vào trái phiếu có tài sản bảo đảm.

Dù vậy, đây không phải là vấn đề đơn giản vì bảo đảm cho trái phiếu là một vấn đề kỹ thuật và đòi hỏi sự hiểu biết về pháp lý. Khi tìm hiểu về vấn đề này, nhà đầu tư cần tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Tài sản bảo đảm thực sự là gì? Tương quan giá trị tài sản bảo đảm với giá trị phát hành và biện pháp bảo đảm đã đầy đủ tính pháp lý chưa?

Thứ ba, nhà đầu tư cần xác định ai sẽ bảo vệ mình nếu có chuyện xảy ra. Chúng ta đều thấy sự thất thế của nhà đầu tư nhỏ lẻ (dù là nhà đầu tư tài chính hay tài sản hữu hình như bất động sản) so với doanh nghiệp phát hành/chủ đầu tư.

Lý do là nhà đầu tư cá nhân thường có tiếng nói yếu thế hơn, ít kinh nghiệm và hiểu biết hơn so với doanh nghiệp phát hành. Do vậy, nhà đầu tư cần những tổ chức có uy tín, kinh nghiệm và độc lập để bảo vệ mình.

Trên thực tế, những tổ chức này có thể là đại diện người sở hữu trái phiếu và đại diện bảo đảm.

Họ sẽ hành động vì quyền lợi của nhà đầu tư, đại diện cho nhà đầu tư để giám sát doanh nghiệp phát hành và các bên khác, bảo đảm việc tuân thủ cam kết và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành và đại diện cho tiếng nói của nhà đầu tư khi làm việc với doanh nghiệp phát hành.

Tin bài liên quan