Đầu tư tuần qua: Đề xuất lập khu phi thuế quan; khởi công dự án điện gió gần 1.700 tỷ đồng

Đà Nẵng đề xuất lập khu phi thuế quan trên 150 ha; Đắk Nông: Khởi công Dự án điện gió gần 1.700 tỷ đồng… Đó là hai trong những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Đầu tư tuần qua: Đề xuất lập khu phi thuế quan; khởi công dự án điện gió gần 1.700 tỷ đồng

Bắt đầu Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công

Tháng 1/2023 chính là Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát động phong trào thi đua này vào ngày đầu tiên của năm mới 2023, khi dự Lễ khởi công xây dựng 12 Dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công tại Lễ khởi công 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công tại Lễ khởi công 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam

Có mặt tại sự kiện quan trọng đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vui mừng cho biết, trong năm 2022, không chỉ kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả đáng tự hào, mà nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng đã hoàn thành, như các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đường lăn cất hạ cánh sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất...

Đồng thời, nhiều dự án trọng điểm như đường ven biển, đường vành đai đô thị lớn, sân bay, đường sắt, đường thủy... đã được khẩn trương hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, trong đó có 12 dự án của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

“Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, sự đồng tình, ủng hộ của mỗi người dân. Mỗi mét vuông mặt bằng được giải phóng, mỗi ki-lô-mét đường được xây dựng và hoàn thành đều chứa đựng mồ hôi, công sức, nỗ lực và quyết tâm rất lớn của mỗi người dân, mỗi nhà thầu xây dựng, mỗi doanh nghiệp, và cả hệ thống chính trị”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cũng nhờ sự nỗ lực này, mà giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với số vốn đầu tư cao hơn tới 26% so với năm 2021 (tương đương 120.000 tỷ đồng), đã từng bước được cải thiện, tăng nhanh dần vào cuối năm.

Theo khẳng định của Bộ trưởng, nguồn lực quý giá này, tuy chỉ chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng là nguồn vốn “mồi”, dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, càng giải ngân được nhanh thì càng nhiều dự án hoàn thành, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Vì ý nghĩa quan trọng của vốn đầu tư công đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng đã đề nghị và kêu gọi các cấp, các ngành, các ban quản lý dự án… nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần trách nhiệm, tháo gỡ mọi khó khăn, tạo mọi điều kiện cần thiết để đẩy nhanh hơn nữa khối lượng thực hiện các dự án, công tác thanh quyết toán, quyết tâm hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra, phấn đấu giải ngân trên 95% số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 mà Chính phủ đã đề ra.

Theo Bộ trưởng, khởi công dự án chỉ là bước khởi đầu. Điều quan trọng là sau đó, phải nỗ lực phấn đấu, nhanh chóng triển khai xây dựng, để đảm bảo đúng tiến độ; đồng thời nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để giải ngân.

“Vì vậy, đề nghị mỗi nhà thầu, mỗi doanh nghiệp, mỗi người thợ và từng người dân cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm cao, sát cánh cùng các cơ quan quản lý để tổ chức thực hiện nhanh nhất, tốt nhất, chất lượng nhất công việc trên hiện trường, không kể ngày đêm, không kể ngày lễ, ngày tết, ngày nghỉ để hoàn thành khối lượng công việc đã ký kết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của Bộ trưởng, trong cả 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023, Kho bạc Nhà nước Trung ương và Kho bạc Nhà nước các cấp thuộc Bộ tài chính đã quyết định vẫn tổ chức thanh toán, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông - Vận tải cũng vẫn tổ chức làm 3 ca 4 kíp… Điều này thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của các cơ quan, đơn vị trong việc phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.

“Với tinh thần ‘quyết chiến quyết thắng’ này, tôi đề nghị chúng ta cùng nhau phát động thực hiện ‘Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công’, với tinh thần làm việc xuyên Tết, xuyên nghỉ lễ, không ngại khó, không ngại khổ”, Bộ trưởng phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ trưởng, “nguồn lực càng lớn thì trách nhiệm và áp lực càng cao”, vì vậy, cần nhanh chóng cùng nhau thực hiện các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ đã đề ra, qua đó góp phần thực hiện thành công hơn nữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và từng bước hiện thực hóa đột phá chiến lược về phát triển cơ sở hạ tầng.

“Không chỉ là trong tháng cao điểm thi đua, tôi mong rằng, tinh thần quyết liệt này sẽ tiếp tục được thể hiện xuyên suốt trên tất cả các công trường, trong cả năm 2023, năm mà tổng nguồn lực đầu tư công còn cao hơn cả năm 2022, lên tới trên 700.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thông tin cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2022, ước số vốn kế hoạch đã giải ngân đạt 435.700 tỷ đồng, bằng 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương cùng kỳ các năm 2016-2020 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (đạt 77,30%).

Mặc dù tỷ lệ giải ngân của năm 2022 đạt thấp hơn năm 2021 nhưng số vốn thực tế giải ngân đến nay cao hơn khoảng 79.100 tỷ đồng, tăng 22% so với số vốn giải ngân thực tế năm 2021.

Như vậy, chỉ còn 1 tháng nữa để tập trung giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Mục tiêu phấn đấu của Chính phủ là năm 2022, sẽ giải ngân được 95% vốn kế hoạch. Tháng 1/2023 vì thế sẽ là tháng cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công.

Nam Định tăng tốc tạo động lực mới cho phát triển kinh tế

Năm 2022, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế Nam Định tiếp tục ổn định và có bước phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế tăng cao, trong đó tổng sản phẩm GRDP tăng 9,07% cao nhất từ trước đến nay.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, xây dựng nông thôn mới, tiếp tục là điểm sáng dẫn đầu của cả nước, năm 2022 có 76 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng số xã, thị trấn nông thôn mới nâng cao lên 182 xã đạt 89,2%, vượt chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao theo Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt xã Giao Phong (huyện Giao Thủy) là xã đầu tiên đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, Nam Định có thêm 91 sản phẩm OCOP. Trong đó 14 sản phẩm đạt 4 sao, 77 sản phẩm đạt 3 sao.

Sản xuất công nghiệp tăng 14,3%. Lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 14,4% so với năm 2021. Thu ngân sách đạt 8.000 tỷ đồng bằng 121% dự toán. Tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 15%.

Hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận. Lập quy hoạch Dự án Khu công nghiệp Hồng Tiến, Trung Thành.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm được đồng loạt triển khai, hoàn thành tạo nên diện mạo mới, động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội như Tỉnh lộ 488C, Khu Trung tâm lễ hội khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, các dự án đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh cũng như các tỉnh lộ 488B, 485B…

Đã khởi công giai đoạn II đường trục nối vùng kinh tế biển với cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, Nhà máy Sản xuất bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nghĩa Hưng và tháng 12/2022 đã khởi công đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển. Thực hiện cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ, khởi công cầu Bến Mới...

Với TP. Nam Định, một số dự án trọng điểm được triển khai tích cực tạo đà cho năm 2023 và những năm tới như khởi công cầu qua sông Đào, đường trục phía Nam… lập Đề án mở rộng địa giới Thành phố và thành lập 3 phường.

Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, khảo sát, nghiên cứu vào đầu tư vào Nam Định. Năm 2022, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 32 dự án trong nước, 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 31.187 tỷ đồng và 38 triệu USD; cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho hơn 1.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện với vốn đăng ký 9.391 tỷ đồng. Đặc biệt, đã chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định… với tổng vốn đầu tư 98.900 tỷ đồng

Tích cực hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện Chương trình Phát triển đô thị TP. Nam Định và phát triển nhà ở tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Năm 2022, chỉ số đánh giá về chuyển đổi số Nam Định xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2020. Chỉ số Cải cách hành chính đứng thứ 40/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2020. Văn hóa, xã hội có bước phát triển. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bước vào năm 2023, Nam Định tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Công bố công khai và tổ chức thực hiện các nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng giai đoạn II đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cầu qua sông Đào, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển...

Triển khai hiệu quả Kế hoạch Cơ cấu ngành nông nghiệp, các tiêu chí xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đẩy nhanh các dự án đầu tư cấp nước sạch nông thôn. Triển khai kịp thời các chính sách, quy định của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Hoàn thiện hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận, Bảo Minh để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư sớm khởi công 2 dự án Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định…

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách ở mức cao nhất. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tập trung tổ chức thực hiện tốt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành Đề án mở rộng địa giới hành chính và thành lập 3 phường mới để tạo không gian phát triển cho Thành phố.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số liên thông 4 cấp. Tiếp tục nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh. Quan tâm phát triển văn hóa - xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Củng cố quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tư pháp và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.

Nhìn lại năm 2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc biểu dương những kết quả mà các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nỗ lực đạt được.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh một số trọng tâm, cơ bản có tính quyết định cho sự phát triển. Đó là tiếp tục gia tăng quy mô nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học và công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chất lượng cao. Chủ động đề ra các giải pháp tổng thể và những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, ngành, địa phương, đơn vị để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng mà Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua.

Triển khai hiệu quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững; gắn kết chặt chẽ với phát triển công nghiệp, dịch vụ , quá trình đô thị hóa “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Phấn đấu cơ bản hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, góp phần phát triển xanh, bền vững, đóng góp nhiều vào ngân sách tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, triển khai dự án, công trình trọng điểm, đột phá, tăng tốc tạo động lực mới cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hải Dương thu hút dự án FDI chất lượng, hiệu quả cao

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho biết, năm 2022, kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh khởi sắc hơn so với năm 2021, đạt 363,5 triệu USD, tăng 13,8%. Đặc biệt, nhờ kiểm soát được Covid-19, các nhà đầu tư tập trung phát triển sản xuất - kinh doanh, nên vốn đầu tư tăng thêm của các dự án tăng 52,4% so với năm 2021.

Cụ thể, có 17 dự án được cấp mới với tổng vốn đăng ký 59,5 triệu USD (7 dự án ngoài khu công nghiệp - KCN, tổng vốn 13,7 triệu USD và 10 dự án trong KCN, tổng vốn 45,7 triệu USD); 31 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 299,5 triệu USD (7 dự án ngoài KCN, tăng 23,4 triệu USD; 24 dự án trong KCN, tăng 276,1 triệu USD).

Một số dự án tăng vốn khá gồm: Dự án Nhôm định hình của Công ty TNHH LMS Vina (tăng 30 triệu USD); dự án của Công ty TNHH Hitachi Cable Việt Nam (tăng 39,3 triệu USD); Dự án Sản xuất máy may Fegasus (tăng 40,9 triệu USD); dự án của Công ty TNHH Hyundai Kefico (tăng 50 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của Dự án lên 400 triệu USD, quy mô sản xuất 160 triệu sản phẩm điện tử/năm)...

Dự án của Hyundai Kefico là dự án FDI tiêu biểu của tỉnh Hải Dương. Với lần tăng vốn này, Hyundai Kefico Việt Nam sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao; đổi mới công nghệ để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Công ty TNHH LMS Vina (Hàn Quốc) cũng là một trong những doanh nghiệp có dự án đăng ký điều chỉnh vốn tiêu biểu của tỉnh. Sau 3 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án của LMS Vina đến nay đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2022, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư thêm 240 tỷ đồng để xây dựng 1 xưởng sản xuất với quy mô 30.000 tấn sản phẩm/năm.

Theo đánh giá của ông Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, các doanh nghiệp Hàn Quốc là những nhà đầu tư có hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, thực hiện nghiêm túc, chấp hành tốt các quy định pháp luật của Việt Nam, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tăng thu cho ngân sách địa phương. Số liệu năm 2021 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn đạt 900 triệu USD, đóng góp 8,8% vào GRDP của Hải Dương

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, trong năm 2022, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng các sở, ngành đã chủ động tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư trao đổi, kiến nghị, đề xuất. Chính sự thiện chí đó của lãnh đạo tỉnh đã tạo được lòng tin với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp Hải Dương thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư.

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để xây dựng các tiêu chí ưu tiên thu hút các dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Đặc biệt, Hải Dương xác định tập trung thực hiện quy hoạch vùng công nghiệp động lực, phát triển các KCN chuyên biệt công nghệ cao, dịch vụ và sinh thái, tạo thành vùng công nghiệp trọng điểm đồng bằng sông Hồng để thu hút các dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các KCN: Đại An mở rộng (giai đoạn 2), Tân Trường mở rộng, Phúc Điền mở rộng, An Phát 1, Kim Thành, Gia Lộc và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư.

“Tỉnh sẽ tăng cường hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư. Xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu và thực tế của tỉnh, tập trung xúc tiến đầu tư các đối tác chiến lược. Chú trọng các ngành, dự án có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường và có tính lan tỏa cao. Từ đó, xây dựng các chính sách, chương trình xúc tiến riêng, đáp ứng tối đa yêu cầu của các nhà đầu tư nhằm thu hút những dự án thực sự có chất lượng và hiệu quả cao”, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 496 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn 9,246 tỷ USD, đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lũy kế tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 7,6 tỷ USD. Các dự án FDI thu hút trên 210.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp.

Quảng Nam gia hạn tiến độ giai đoạn 1 của dự án KCN Tam Anh - Hàn Quốc

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu vừa ký văn bản thống nhất chủ trương gia hạn tiến độ đầu tư hoàn thiện 100% hạ tầng đối với phạm vi 20ha còn lại giai đoạn 1 của Dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Anh - Hàn Quốc đến tháng 12/2023.

Đối với giai đoạn 2 của Dự án, tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3746/UBND-KTN ngày 10/6/2022.

Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn Công ty thực hiện đầy đủ các thủ tục có liên quan và giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét các vấn đề vượt thẩm quyền. Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Công ty TNHH C&N ViNa Tam Anh - Hàn Quốc khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục theo quy định và triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ được điều chỉnh.

Tháng 6/2022, tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh làm việc, yêu cầu Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh - Hàn Quốc (chủ đầu tư KCN Tam Anh - Hàn Quốc) đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thành 100% hạ tầng trên phạm vi diện tích đất đã giao (giai đoạn 1) Khu công nghiệp Tam Anh - Hàn Quốc theo đúng tiến độ trong quý IV/2022 và quy hoạch được duyệt, đảm bảo đáp ứng các điều kiện thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào KCN.

Ngoài ra đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào KCN đảm bảo tỷ lệ lấp đầy ít nhất 90% diện tích đất công nghiệp giai đoạn 1,50ha đất công nghiệp giai đoạn 1.

Ban Quản lý chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện của Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh - Hàn Quốc. Trong trường hợp Công ty không thực hiện đúng tiến độ cam kết (giai đoạn 1) thì yêu cầu điều chỉnh phạm vi dự án; giảm phần diện tích chưa được giao đất.

Đối với phần diện tích 16ha trong phạm vi giai đoạn 2 KCN Tam Anh - Hàn Quốc, Ban Quản lý chủ động làm việc với UBND huyện Núi Thành và Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh - Hàn Quốc đề xuất phần diện tích đất giao để đảm bảo mặt bằng bàn giao cho các nhà đầu tư thứ cấp đang thực hiện dự án và đấu nối nhánh đường số 2 đến đường Việt Hàn trước tháng 12/2022.

Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Anh – Hàn Quốc do Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh – Hàn Quốc làm chủ đầu tư với quy mô 200 ha. Dự án được Ban Quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 5/4/2013, điều chỉnh lần hai năm 2017.

Đà Nẵng đề xuất lập khu phi thuế quan trên 150 ha

UBND TP. Đà Nẵng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề nghị thẩm định và phê duyệt đề án “Thành lập Khu phi thuế quan TP. Đà Nẵng”.

Cụ thể, Tờ trình (số 185) do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt đề án trên.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, việc thành lập Khu phi thuế quan nhằm tạo các hoạt động kinh doanh cốt lõi mang tính cộng hưởng đột phá của một trung tâm thương mại, du lịch và dịch vụ quốc tế chất lượng cao, tăng cường năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, sớm đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Khu phi thuế quan sẽ là nơi hấp dẫn về chính sách và môi trường kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh, có khả năng xây dựng các khu phi thuế quan hiện đại có năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới gắn với cam kết đầu tư lâu dài và đảm bảo tiến độ đầu tư.

Đồng thời, khu phi thuế quan cũng khai thác tiềm năng, lợi thế về địa lý - kinh tế của TP. Đà Nẵng đối với khu vực và thế giới nhằm khuyến khích việc mua sắm tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ quốc tế chất lượng cao tại Việt Nam, khuyến khích và ưu tiên việc đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến với du khách quốc tế.

Nơi đây cũng sẽ thí điểm một số cơ chế quản lý kinh tế mới phù hợp với thông lệ quốc tế khi chưa có điều kiện thực hiện trên phạm vi cả nước.

Theo đề xuất của UBND TP. Đà Nẵng, Khu phi thuế quan TP. Đà Nẵng được định hướng thành lập tại vị trí cuối đường Bà Nà - Suối Mơ (thuộc phân khu Sườn Đồi của TP. Đà Nẵng), có tổng diện tích dự kiến hơn 151ha gồm 4 khu chức năng.

Trong đó, khu thương mại miễn thuế gồm cửa hàng giảm giá cao cấp; siêu thị miễn thuế và các dịch vụ bổ trợ như khu vui chơi giải trí trong nhà; khu mua sắm đồ gia dụng, dụng cụ thể dục thể thao; phố ẩm thực, phố vui chơi giải trí đêm, khu hội chợ, triển lãm...

Khu Logistics hub gồm kho ngoại quan, kho tập trung, khu quản lý hải quan, khu điều hành quản lý, bãi container...

Khu dịch vụ y tế bao gồm trung tâm y tế quốc tế; trung tâm chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; trung tâm chống lão hóa, điều trị lão khoa; trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và thử nghiệm thuốc; trung tâm triển lãm mua bán dược, hóa mỹ phẩm.

Khu dịch vụ giáo dục và dịch vụ bổ trợ khác, gồm trường đào tạo y tế quốc tế; trường đào tạo du lịch khách sạn; trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm, khu triển lãm, mua bán hàng công nghệ cao; khu triển lãm, mua bán hàng nông nghiệp công nghệ cao và thủ công mỹ nghệ.

Lộ trình thành lập Khu phi thuế quan TP. Đà Nẵng gồm 4 giai đoạn.

Giai đoạn 2022 – 2023, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu phi thuế quan TP. Đà Nẵng, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý và đầu tư Khu phi thuế quan thành phố Đà Nẵng.

Giai đoạn 2023 – 2024, UBND TP. Đà Nẵng chủ trì lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu phi thuế quan TP. Đà Nẵng. Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phát triển Khu phi thuế quan TP. Đà Nẵng.

Giai đoạn 2024 – 2027, phối hợp, đốc thúc nhà đầu tư chiến lược triển khai đầu tư một số công trình hạ tầng trọng điểm, các công năng chính của Khu phi quan TP. Đà Nẵng theo phương án quy hoạch được duyệt để sớm đưa vào hoạt động; thu hút đầu tư theo danh mục ngành nghề kinh doanh.

Giai đoạn sau 2027, hoàn thiện cơ chế quản lý, phối hợp quản lý của Khu phi thuế quan TP. Đà Nẵng; hoàn chỉnh các cơ sở hạ tầng chức năng nhằm khai thác, vận hành có hiệu quả Khu phi thuế quan…

Soi định hướng phát triển hệ thống cảng cạn đến năm 2030

Theo thông tin của Baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có Tờ trình số 14009/TTr – BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cần phải nói thêm rằng, cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế.

Một góc ICD Tân Cảng - Quế Võ (Bắc Ninh).

Một góc ICD Tân Cảng - Quế Võ (Bắc Ninh).

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, phát triển cảng cạn có định hướng theo quy hoạch thống nhất nhằm tổ chức vận tải hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa container một cách hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển, cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, hiện nay Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9/2021. Để triển khai cụ thể hóa quy hoạch tổng thể cảng biển cần tiếp tục triển khai các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành theo Luật quy hoạch, trong đó có Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng đồng bộ hệ thống cảng biển Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Được biết, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12/2017, trên cơ sở đó Bộ GTVT đã chỉ đạo lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vào tháng 6/2018.

Theo Bộ GTVT, tính đến cuối tháng 12/2022, nhóm cảng cạn, điểm thông quan nội địa (ICD) được quy hoạch cảng cạn nhưng chưa chuyển đổi, công bố đã hình thành và đi vào hoạt động bao gồm 16 cảng cạn, ICD (chiếm 23,9% số cảng cạn được quy hoạch), trong đó 10 cảng cạn đã được công bố chính thức và 6 ICD đã được quy hoạch thành cảng cạn.

Nhóm cảng cạn đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng hoăc chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng bao gồm 25 cảng (chiếm 37,3% số cảng cạn được quy hoạch), chủ yếu là các cảng cạn đã được quy hoạch trên địa bàn các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Hà Nội,...

Nhóm các cảng cạn chưa triển khai đầu tư gồm 26 cảng (chiếm 38,8% số cảng cạn được quy hoạch). Đối với các cảng cạn khu vực miền Trung, việc chậm triển khai đầu tư theo quy hoạch chủ yếu là do nhu cầu còn thấp, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Các cảng cạn quy hoạch gắn với đường sắt phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ các Dự án đường sắt mới theo quy hoạch chuyên ngành.

Tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông qua các cảng cạn và ICD đang hoạt động hiện nay khoảng 4,2 triệu TEU/năm (cảng cạn, cảng ICD ở miền Bắc thông qua khoảng 0,45 triệu TEU/năm, miền Nam khoảng 3,65 triệu TEU/năm), trong đó 90% hàng hóa thông qua các cảng thông quan nội địa (ICD), bao gồm 6 cảng ICD đã quy hoạch thành cảng cạn và cả cụm cảng ICD Trường Thọ, TP.HCM.

“Khối lượng hàng thông qua 10 cảng cạn đã công bố chỉ chiếm khoảng 10% do hầu hết trong số này đều mới được hình thành và đều nằm ở miền Bắc, ngoại trừ cảng cạn Tân Cảng Nhơn Trạch ở Đồng Nai”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, sau 4 năm thực hiện quy hoạch chi tiết cảng cạn được phê duyệt, đã có 10 cảng cạn trên cả nước được hình thành và đi vào hoạt động, góp phần tăng hiệu quả kết nối cảng biển với nguồn hàng rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hàng hóa, tăng hiệu suất xử lý hàng hóa tại cảng biển. Bên cạnh đó, tổ chức vận tải giữa cảng biển đến nguồn hàng xuất nhập khẩu từng bước được cải thiện thông qua sự hình thành các cảng cạn gắn với đường thủy nội địa, giảm lưu lượng vận tải đường bộ.

Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư mới và công bố đưa vào khai thác các cảng cạn còn chậm, sau 4 năm thực hiện, các cảng cạn được công bố đưa vào khai thác mới chỉ chiếm khoảng 15% tổng số cảng cạn được quy hoạch. Các ICD đã được quy hoạch cảng cạn chậm thực hiện các thủ tục chuyển đổi để được công bố, tuy nhiên hiện nay thiếu quy định và chế tài xử lý để thúc đẩy tiến trình này.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Bộ GTVT, là do một số cơ quan, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự hiểu đúng về cảng cạn dẫn đến việc xây dựng quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng cũng như tổ chức khai thác chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được vai trò và chức năng của cảng cạn. Một số doanh nghiệp đầu tư cảng cạn nhưng không đủ năng lực và kinh nghiệm khai thác dẫn đến cảng cạn hoạt động thiếu hiệu quả.

Tại Tờ trình số 14009, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tập trung phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng 25% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng 11,6 - 15,7 triệu TEU/năm.

Trong đó, tại miền Bắc gồm 42 cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 4,2 - 5,5 triệu TEU/năm; miền Trung - Tây Nguyên có 16 cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 0,66 - 0,95 triệu TEU/năm; miền Nam có 43 cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 6,8 - 9,3 triệu TEU/năm.

Định hướng đến năm 2050, Bộ GTVT sẽ phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.

Ước tính, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cảng cạn đến năm 2030 cần khoảng 15.900 – 18.700 tỷ đồng. Trong đó, sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng TP.HCM, Cái Mép - Thị Vải), các cảng cạn gắn với các hành lang vận tải qua biên giới. Ưu tiên đầu tư cảng cạn có vị trí kết nối được với hai phương thức vận tải, các vị trí gắn liền hoăc nằm gần các cụm khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ GTVT kiến Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành chính sách về giá, phí tại cảng cạn để nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác cảng cạn; hoàn thiện các quy định về hải quan để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa đa phương thức đến, rời cảng cạn.

Đồng thời rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan của pháp luật về đê điều nhằm tận dụng tối đa việc sử dụng tài nguyên đường bờ, bãi sông để phát triển kết cấu hạ tầng cảng cạn gắn với đường thủy nội địa kết nối đến các cảng biển, giảm tải cho hệ thống giao thông vận tải đường bộ.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề xuất xem xét áp dụng đầu tư phát triển cảng cạn theo theo hình thức PPP đối với các cảng cạn có quy mô lớn theo hướng Nhà nước tạo điều kiện về quỹ đất, đầu tư kết nối đường sắt với cảng cạn, hoàn chỉnh môi trường pháp lý và ban hành cơ chế, chính sách phát triển cảng cạn và tư nhân đầu tư hạ tầng, thiết bị và tổ chức quản lý, khai thác cảng cạn.

“Trong thời gian tới cần sớm thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng cảng cạn; gắn kết, lồng ghép giữa quy hoạch cảng cạn và quy hoạch trung tâm logistics trong quy hoạch các địa phương để đảm bảo tránh lãng phí về nguồn lực đầu tư, vừa đảm bảo hiệu quả khai thác tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu rõ.

Đắk Nông: Khởi công Dự án điện gió gần 1.700 tỷ đồng

Công ty Asia Energy vừa tổ chức Lễ động thổ Dự án Nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1 với công suất 50 MW tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

Công ty TNHH Asia Energy (thuộc Tập đoàn Super Energy) vừa tổ chức Lễ động thổ Dự án Nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1 tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

Khu vực triển khai Dự án nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1. Nguồn: Super Energy.

Khu vực triển khai Dự án nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1. Nguồn: Super Energy.

Theo đó, Dự án Nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1 được cấp UBND tỉnh Đắk Nông cấp chủ trương đầu tư tại Quyết định số 678, ngày 10/11/2020; công suất thiết kế 50 MW với 13 trụ tuabin gió; tổng kinh phí đầu tư 1.693,6 tỷ đồng.

Dự án có diện tích sử dụng đất là 22,7 ha; trong đó diện tích sử dụng đất có thời hạn là 16,9 ha; mục tiêu Dự án là sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Về tiến độ, Dự án sẽ tiến hành lắp đặt thiết bị vào tháng 10/2023 và đưa vào vận hành thương mại trong tháng 12/2024. Dự kiến, Dự án khi đi đưa vào vận hành cung cấp sản lượng điện trung bình 173.000 MWh/ năm.

Tại Lễ động thổ, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Dự án Nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1 khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động và cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu chủ đầu tư cần chủ động phối hợp tích cực với cơ quan liên quan để đảm bảo triển khai Dự án đúng quy định pháp luật; tập trung nguồn lực để triển khai Dự án hoàn thành đúng tiến độ (theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì tháng 11/2021 Dự án được đưa vào hoạt động – PV).

Được biết, Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) bắt đầu đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam với 2 mảng điện gió và điện mặt trời từ năm 2017.

Tính đến nay, Tập đoàn Super Energy đã đầu tư và đưa vào vận hành 9 Dự án điện mặt trời, với tổng công suất lắp đặt là 836,72 MWp, khả năng cung ứng lên lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 1,2 triệu kWh/năm.

Ngoài ra, tập đoàn này còn có 5 Dự án điện gió (trên bờ và ngoài khơi) đang trong giai đoạn phát triển với tổng công suất là 471 MW.

Một số Dự án đã vận hành thương mại ở khu vực miền Trung của Tập đoàn Super Energy như Dự án Trang trại phong điện HBRE Chư Prông (Gia Lai, 50 MWp); Dự án Nhà máy điện mặt trời Sinenergy Ninh Thuận 1 (50 MWp); Dự án Nhà máy điện mặt trời Phan Lâm (Bình Thuận, 36,72 MWp)…

Năm 2023, TP. HCM chỉ có 46 ha đất “sạch”, nhưng lại nằm rải rác để thu hút đầu tư

Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023.

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về tình hình thiếu quỹ đất hiện nay của Thành phố rất khó để thu hút đầu tư. Ông Giang Ngọc Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước cho biết, trong báo cáo cho thấy, năm 2023 TP.HCM chỉ có 46 ha đất cho thuê và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế, Khu công nghiệp Hiệp Phước đang có 80 ha đất đang cần tháo gỡ các vướng mắc. Nếu TP. HCM đẩy nhanh việc gỡ vướng thì trong 2 năm tới ,Thành phố sẽ có 320 ha đất để thu hút đầu tư.

“Thành phố muốn thu hút đầu tư trong năm 2023 thì vấn đề lớn nhất phải tháo gỡ là giá đất. Nếu không gỡ vướng được quy định giá đất, chúng tôi không có cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư và nhà đầu tư cũng không dám vào” ông Phương bày tỏ lo ngại.

Cũng nêu ý kiến về tình trạng thiếu quỹ đất, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. HCM, cho rằng điểm "nghẽn" lớn nhất hiện nay trong thu hút đầu tư tại TP. HCM là thiếu quỹ đất.

Ông dẫn chứng, TP.HCM có 46 ha đất cho thuê năm 2023, nhưng quỹ đất này nằm rải rác, manh mún ở nhiều quận, huyện chứ không phải một khu đất tập trung rộng 46 ha. Trong khi TP.HCM vẫn còn đất ở các khu công nghiệp chưa được tháo gỡ vướng mắc, đơn cử như Khu công nghiệp Hiệp Phước còn 320 ha; Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi còn hơn 100 ha.

Theo ông Đức, làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước qua Việt Nam đang diễn ra. Ông ví những nhà đầu tư này như những đại bàng, nhưng TP.HCM hiện tại chỉ có tổ của chim sẻ và không đủ cho đại bàng ở lại. Vì vậy, Thành phố không thể nào kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào đầu tư.

“Nếu chúng ta không xử lý được điểm nghẽn về đất thì khó có thể phát triển công nghiệp, không có đất thì không thể thu hút đầu tư” ông Đức nhấn mạnh.

Trước lo ngại của các nhà đầu tư, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Hepza thừa nhận, hiện nay, quỹ đất thu hút đầu tư tại TP. HCM rất hạn chế, thiếu quỹ đất lớn phục vụ cho nhà đầu tư có nhu cầu xây nhà máy lớn. Trong khi các khu công nghiệp hiện hữu đã dần lấp đầy hoặc đang gặp vướng mắc về xác định giá thuê đất đối với nhà nước.

Ông Hưng giải thích, hiện tại nhiều khu công nghiệp chưa ký được hợp đồng thuê đất với Nhà nước cho diện tích đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đang bồi thường, giải phóng mặt bằng nên quỹ đất còn lại vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Tin bài liên quan