Lễ hội được diễn ra trên quần thể cụm di tích Mai Hắc Đế tại huyện Nam Đàn

Lễ hội được diễn ra trên quần thể cụm di tích Mai Hắc Đế tại huyện Nam Đàn

Đầu xuân trẩy hội Vua Mai

Trong sắc xuân và tiết Rằm tháng Giêng, khách thập phương lại nô nức hướng về vùng đất thánh Nam Đàn (Nghệ An), tham gia Lễ hội Đền Vua Mai để tưởng nhớ công đức Vua Mai Thúc Loan cùng các tướng lĩnh của ông, nhằm ôn lại khí thế hào hùng  của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc, xây dựng nước Vạn An độc lập.

Dù đã lùi xa trên 13 thế kỷ, song những dấu tích của cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu gắn với tên tuổi của vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan - vị vua đầu tiên trên đất Nghệ An, không những không phai mờ theo thời gian, mà ngày càng được bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị tinh thần trong lịch sử  chống ngoại xâm của dân tộc. Lễ hội này cũng được coi là hoạt động mở đầu cho năm du lịch của Nghệ An.

Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa  năm 713, chọn vùng đất Sa Nam làm căn cứ. Nơi đây, có Rú Đụn kín đáo và hiểm trở, cùng dòng Lam bao bọc chở che. Ông đã cho xây thành Vạn An để chứa vũ khí, lương thực chuẩn bị cho cuộc trinh chiến lâu dài. Khi binh hùng tướng mạnh, nhân dân một lòng ủng hộ, Mai Thúc Loan đã hùng cứ được một vùng đất rộng lớn. Ban đầu, dùng vùng đất Hoan Châu làm căn cứ, sau đó mở rộng thế lực ra các châu huyện, rồi tiến công đánh chiếm thành phủ Tống Bình, giải phóng vùng đất Nam Việt. Mai Thúc Loan đã xưng đế (tức vua Mai Hắc Đế), chọn thành Vạn An (Nam Đàn, Nghệ An) làm quốc đô.

Dưới sự trị vì của Mai Hắc Đế, nước ta đã giành được độc lập, tự chủ trong gần 10 năm (713 - 722). Khởi nghĩa Hoan Châu của Mai Thúc Loan là một trong những cuộc khởi nghĩa vào loại lớn nhất của thời kỳ chống Bắc thuộc, là một trong những mốc son quan trọng trên con đường đấu tranh giành độc lập  dân tộc. Công ơn của Mai Thúc Loan và nghĩa quân đến ngàn đời sau vẫn luôn được biết đến như những chiến công hiển hách nhất của dân tộc. Cũng từ chiến công đó, mà tạo nên lễ hội có một không hai ở Nghệ An: Lễ hội Đền Vua Mai mang đậm nét văn hóa truyền thống gắn liền với những truyền thuyết, sự tích lịch sử về Mai Hắc Đế và nghĩa quân.

Lễ hội được diễn ra trên quần thể cụm di tích Mai Hắc Đế tại huyện Nam Đàn, gồm đền thờ ở thị trấn Nam Đàn, khu lăng mộ thuộc xã Vân Diên và mộ thân mẫu của ông ở xã Nam Thái. Đây cũng là dịp để kho tàng văn hóa dân gian xứ Nghệ bộc lộ rõ nét tính đa dạng, phong phú về thể loại với nội dung lành mạnh chất phác và hồn hậu, nhưng không làm giảm đi tinh thần thượng võ của một địa phương nằm kề sông nước.

Lễ hội Đền vua Mai không chỉ là nơi đề cao và tôn thờ những phẩm chất tốt đẹp của con người, mà còn thể hiện khả năng thẩm mỹ của cộng đồng. Tư duy thẩm mỹ đó được thể hiện ở nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động trong Lễ hội, từ không gian tổ chức đến nghệ thuật trang trí đền thờ, sân khấu, cờ hoa…

Thông qua Lễ hội Đền vua Mai, các loại hình văn hóa dân gian xứ Nghệ nói chung, Nam Đàn nói riêng càng có thêm điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển liên tục. Cùng với thời gian các hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn được củng cố, hoàn thiện như hội vật, hội đua thuyền, đánh đu, leo cột mỡ, đi cầu kiều đánh cờ người, hát chầu văn, hát ví, diễn tuồng, chèo… Từ Lễ hội, một số loại hình văn học dân gian ở Nam Đàn như hát phường vải, ca dao, hò vè và kể chuyện dân gian… đã đến được với cộng đồng và quảng bá tới du khách gần xa.

Ông Phạm Xuân Quang, Phó bí thư thường trực Huyện ủy huyện Nam Đàn cho biết: “Đây là lễ hội được tổ chức hằng năm. Năm nay, sẽ được tổ chức trong 3 ngày (12/2 - 14/2/2014), để tưởng nhớ công đức Vua Mai cùng các tướng lĩnh của ông và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc xây dựng nước Vạn An độc lập. Đồng thời, giáo dục truyền thống tốt đẹp về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, của cha ông cho nhân dân nhất là thế hệ trẻ để tăng thêm niềm tự hào, lòng yêu đất nước gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Theo ông, đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu cụm di tích Vua Mai để thu hút các nhà đầu tư, khách thập phương đến tìm hiểu, thưởng ngoạn các giá trị văn hóa thông qua các di tích Đền, Miếu mộ Vua Mai nhằm phát huy văn hóa truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc và địa phương, từ đó phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Lễ hội Đền Vua Mai hằng năm đã thu hút hàng vạn người tham gia, không chỉ người dân ở miền quê Nam Đàn, Nghệ An, mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác trên khắp cả nước. Tất thảy mọi người về tham dự Lễ hội để tìm sự thanh thản, yên tịnh trong tâm hồn, hòa nhập vào không gian sôi động, lành mạnh của các trò chơi dân dã và gửi gắm niềm tin, hy vọng cho một năm mới an lành, thành đạt.

Tin bài liên quan