Cần có giải pháp đồng bộ để khai thác tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam.

Cần có giải pháp đồng bộ để khai thác tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam.

Để khách quốc tế đến nhiều, tiêu nhiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ lệ khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam mới đạt khoảng 25 - 30%, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 70%. Làm thế nào để thu hút du khách quốc tế nhiều hơn, bền vững hơn là câu hỏi các nhà quản lý, người làm du lịch trăn trở.

Hiểu rõ thị hiếu của du khách, đẩy mạnh truyền thông

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là con số khá khiêm tốn so với 19 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam trong năm 2019 (thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện). Hai tháng đầu năm, ngành du lịch đã đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, bằng 22% kế hoạch năm.

Việc thu hút khách du lịch quốc tế luôn được ngành du lịch quan tâm, là bởi tỷ lệ chi trả cao, mức đóng góp vào phát triển kinh tế tốt hơn khách trong nước. Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam phân tích, một khách du lịch quốc tế có mức chi trả cao gấp 11 lần khách nội địa. Khách càng ở lâu, mức chi trả càng nhiều. Ước tính, khách ở lại Việt Nam 7 ngày sẽ có mức chi cao gấp đôi so với khách ở dưới một tuần.

Năm 2019, Việt Nam đón 19 triệu lượt khách quốc tế với tỷ lệ trung bình một khách chi tiêu 1.200 USD/ngày, với thời gian lưu trú 9,1 - 9,2 ngày/người. Mặc dù đóng vai trò quan trọng, nhưng khách quốc tế đến Việt Nam và tiếp tục quay trở lại chưa nhiều.

Tại tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” do Báo Đầu tư tổ chức giữa tuần qua, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, trung bình khách quốc tế quay trở lại Việt Nam đạt 25-30% trong khi Thái Lan tỷ lệ này là 70%. Để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, cần phải có giải pháp đồng bộ trong đó chú trọng xây dựng những sản phẩm phù hợp xu hướng. Ngoài ra, để cho khách trở lại bền vững, với khả năng chi trả cao, cần phải quản lý tốt điểm đến.

Chúng ta đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, nhưng du lịch nghỉ dưỡng sẽ giữ chân khách lâu hơn và đến nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Lê Hương, Thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Vietravel

Cùng chung quan điểm này, bà Nguyễn Thị Lê Hương, thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng, sản phẩm du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách trở lại nhiều lần.

“Tôi cho rằng, cần truyền thông nhiều hơn nữa để du khách quốc tế biết đến Việt Nam như là một điểm đến nghỉ dưỡng tuyệt vời. Nếu như Bali, Hawai nổi tiếng là các hòn đảo hấp dẫn, Dubai là thủ phủ shopping của người châu Á thì Việt Nam là điểm đến của nghỉ dưỡng. Chúng ta đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, nhưng du lịch nghỉ dưỡng sẽ giữ chân khách lâu hơn và đến nhiều hơn”, bà Hương kiến nghị.

Phân tích về nguồn khách, lãnh đạo Vietravel cho hay, năm 2019, có 80% khách quốc tế đến Việt Nam từ thị trường châu Á, trong đó riêng thị trường Trung Quốc đóng góp 30% tổng lượng khách. Sự trở lại của khách Trung Quốc thời gian gần đây là tín hiệu tích cực cho sự hồi phục của ngành du lịch Việt Nam. Ngành du lịch tự tin có thể hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu lượt khách trong năm nay và thậm chí có thể vượt mục tiêu đề ra.

Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến hình ảnh du lịch Việt đến bạn bè quốc tế cũng là nội dung được nhiều chuyên gia hiến kế, như làm video ngắn giới thiệu về trải nghiệm văn hóa, du lịch Việt Nam trên các chuyến bay đưa khách quốc tế đến Việt Nam, mở văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, thời gian tới, Việt Nam sẽ mở văn phòng xúc tiến du lịch tại Anh, tạo tiền đề quan trọng để mở văn phòng ở các thị trường khác. Việt Nam dành nguồn lực truyền thông hiệu quả để thu hút khách chất lượng.

“Cần nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, điểm đến có giá trị, không nên truyền thông là điểm đến có giá rẻ. Việt Nam đang dần làm tốt điều này với sự đóng góp của các Youtuber, Tiktoker”, TS. Nuno đưa ra lời khuyên.

Một yếu tố nữa cần chú ý là bám sát xu hướng du lịch của khách quốc tế để xây dựng các tour, tuyến phù hợp, hấp dẫn họ. Ông Dương Minh Đức, Phó giám đốc Kinh doanh tiếp thị, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho rằng, sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch một mình, theo nhóm phát triển nhanh, du khách ngày càng cá nhân hóa trải nghiệm của mình với nhóm nhỏ. Để đáp ứng xu hướng này, các công ty du lịch cần thiết kế tour trải nghiệm riêng cho nhóm nhỏ.

Cũng theo ông Đức, Saigontourist đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp lớn, trong đó có hợp tác với Vietnam Airlines để đưa ra chính sách giá tốt nhất với khách hàng; liên kết với các địa phương để hình thành tour tuyến liên kết. Ngoài ra, còn có các tour tuyến liên vùng, để khai thác thế mạnh đặc trưng về văn hoá con người xã hội từng địa phương nhằm hút khách tốt hơn.

Tạo bước đột phá về chính sách

Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng là các vấn đề được nhà quản lý, người làm du lịch kiến nghị để hút khách du lịch.

Từ góc nhìn chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, chính sách phát triển ngành du lịch cần tư duy trên diện rộng, không chỉ là sự di chuyển của con người, mà còn phải phát triển các hạ tầng liên quan, gồm hạ tầng phần cứng và phần mềm để khách đến có thể nghỉ ngơi, vui chơi dài hơn, chi tiêu lớn hơn.

Trong đó, chính sách phát triển du lịch không chỉ nằm ở Luật Du lịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú, mà còn liên quan đến nhiều chính sách khác, chẳng hạn như Luật Đất đai…

Kiến nghị giải pháp hút khách, ông Phan Đức Hiếu cho rằng du lịch Việt cần tạo đột phá với bản sắc riêng, làm thứ mà thế giới chưa có để Việt Nam có thể là điểm đến cho các nước học hỏi và “không nên chỉ đi theo sau các nước”.

Ông cũng kiến nghị việc thực thi các chính sách, giải pháp trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cần quyết liệt, kịp thời hơn.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất, tạo động lực để thu hút khách quốc tế nhất hiện nay là chính sách thị thực (visa). Theo Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, từ 14/3/2023, Bộ Công an đã đăng tải trên cổng thông tin điện tử lấy ý kiến rộng rãi về dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bước đột phá của dự án sửa đổi này là chính sách thị thực, miễn thị thực đơn phương và chính sách thị thực điện tử. Cụ thể, dự thảo đề xuất mở rộng tối đa các nước được làm thị thực điện tử và nâng thời hạn lưu trú từ 30 - 90 ngày với thị thực điện tử. Người có thị thực điện tử có thể dùng để xuất nhập cảnh nhiều lần.

Ngoài ra, dự thảo Luật kéo dài thời gian tạm trú với người được hưởng miễn thị thực đơn phương từ 15 ngày lên 30 ngày. Dự kiến dự thảo Luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp diễn ra vào tháng 5/2023. Thông tin trên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp du lịch tham dự tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế”.

Tin bài liên quan