Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường trái phiếu bắt đầu xuất hiện sự “chuệch choạc” trong câu chuyện phát hành

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường trái phiếu bắt đầu xuất hiện sự “chuệch choạc” trong câu chuyện phát hành

Để trái phiếu không thành trái đắng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái phiếu liệu có nên được khuyến khích như một công cụ tiếp sức nguồn vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp địa ốc hay không trong bối cảnh các hành vi vi phạm đang dần lộ diện là vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo các thành viên thị trường, các chuyên gia và nhà quản lý.

Lo lắng với trái phiếu “lỗi”

Trong suốt hơn 1 tuần vừa qua, phóng viên Đầu tư Chứng khoán liên tục nhận được các cuộc gọi của bạn bè liên quan đến việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng, do công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Phần lớn người gọi bày tỏ lo lắng khi họ là nhà đầu tư cá nhân đã chi ra hàng tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng tham gia mua trái phiếu do Tân Hoàng Minh phát hành từ đợt tháng 7/2021 tới nay. Không ít nhân viên môi giới, người trực tiếp phân phối trái phiếu cho Tân Hoàng Minh tới tay các khách hàng cũng rơi vào tình trạng bối rối, bởi trong số các khách hàng có bạn bè và người thân.

Trong công văn gửi tới khách hàng sau khi có thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tân Hoàng Minh cho biết, doanh nghiệp đang tích cực làm việc với đơn vị tư vấn luật và các bên liên quan để rà soát lại toàn bộ hồ sơ phát hành trái phiếu của 9 đợt phát hành.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn sốt ruột, bởi so với vụ buộc thu hồi trái phiếu trước đó của VsetGroup, ngoài tổng giá trị trái phiếu lớn hơn nhiều lần, sự khác biệt giữa 2 vụ việc trái phiếu nằm ở nội dung các quyết định khi Tân Hoàng Minh mới chỉ bị “hủy trái phiếu”, còn VsetGroup ở mức chi tiết hơn là yêu cầu “thu hồi” trái phiếu đã phát hành và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.

Đây cũng là lý do sau đó trong nội dung công văn, đại diện Tân Hoàng Minh khẳng định: “Trong trường hợp một trong các đợt phát hành này phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn sẽ làm việc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan để hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã huy động từ khách hàng theo đúng quy định pháp luật”.

Theo đó, dự kiến tiến trình xử lý hoàn trả tiền đến khách hàng sẽ được thực hiện như sau. Thứ nhất, đối với các hợp đồng đến hạn thanh toán: số tiền đầu tư của khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất.

Thứ hai, đối với các hợp đồng chưa đến hạn thanh toán: Tân Hoàng Minh sẽ khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với doanh nghiệp phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả lại khách hàng theo hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng.

Kỳ hạn trung bình trái phiếu phát hành năm 2021 theo nhóm doanh nghiệp và Cơ cấu nhóm ngành phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021. Nguồn: HNX, FiinPro, MBS Research tổng hợp.

Kỳ hạn trung bình trái phiếu phát hành năm 2021 theo nhóm doanh nghiệp và Cơ cấu nhóm ngành phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021. Nguồn: HNX, FiinPro, MBS Research tổng hợp.

Tại VsetGroup, ngày 30/11/2021, doanh nghiệp bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định phạt tiền 600 triệu đồng do chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký và phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có).

Đến ngày 27/1/2022, VsetGroup có văn bản báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đã hoàn thành việc nộp phạt, thu hồi trái phiếu chào bán và thực hiện tất cả các nghĩa vụ đối với các nhà đầu tư.

Nhưng với trường hợp của Tân Hoàng Minh, vấn đề đáng lưu ý là khả năng hoàn tiền của Tập đoàn trong kỳ hạn yêu cầu ở mức độ nào. Nếu toàn bộ số tiền thu được từ 9 lô trái phiếu đã được đẩy vào dự án thì sẽ rất khó xử lý. Khi đó, nhiều khả năng các bên sẽ phải nhờ đến tòa án giải quyết.

Nhiều ý kiến cho rằng, Tân Hoàng Minh sẽ tích cực khắc phục hậu quả khi Tập đoàn cần tiếp tục đảm bảo thương hiệu cho các dự án đang triển khai, đặc biệt là dự án nghỉ dưỡng mới ra mắt ở Phú Quốc. Tuy nhiên, thời gian để khắc phục có thể không đáp ứng quy định.

Chưa kể, 9 lô trái phiếu phát hành của Tân Hoàng Minh còn có sự tham gia của nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng lớn với các vai trò là đơn vị tư vấn, đại lý đăng ký lưu ký trái phiếu, đại diện người sở hữu, ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo.

Sự chuệch choạc và yêu cầu chấn chỉnh

Trái phiếu là kênh huy động vốn chủ động, thậm chí sáng tạo của nhiều chủ đầu tư trong bối cảnh vốn tín dụng bất động sản bị kiểm soát chặt, dự án khó có thể ra mắt để đủ điều kiện bán sản phẩm hình thành trong tương lai nhằm thu hút vốn từ người mua nhà. Trước đây, đa dạng hóa dòng vốn kinh doanh, giảm lệ thuộc vào vốn tín dụng là điều cơ quan quản lý khuyến khích các chủ đầu tư địa ốc.

Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường trái phiếu bắt đầu xuất hiện sự “chuệch choạc” trong câu chuyện phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp địa ốc, nhóm luôn đứng đầu về số lượng cũng như giá trị phát hành trái phiếu trong nhiều năm. Yêu cầu “thu hồi” bắt buộc của Tân Hoàng Minh mới đây hay VsetGroup trước đó cũng hé lộ những “góc khuất” trong câu chuyện phát hành trái phiếu.

Báo Đầu tư Chứng khoán từng có bài viết phản ánh tình trạng trái phiếu của nhiều doanh nghiệp được chào bán tới các nhà đầu tư có dấu hiệu lách luật.

Không quá khó để thấy các thông tin chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trên các diễn đàn fanpage. Trong đó, không cần đến 2 tỷ đồng để đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư vào các gói trái phiếu như trái phiếu TTE của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh, trái phiếu API của Tập đoàn APEC, trái phiếu Pizza 4P’s của Golden Gates, trái phiếu của Tuấn Minh Group…

Ngoài mức lãi suất gửi tới nhà đầu tư hấp dẫn từ 11 - 12,9%/năm, các quảng cáo còn bổ sung thông tin, đơn vị tư vấn, đơn vị bảo lãnh, đơn vị kiểm toán đều là những công ty chứng khoán, ngân hàng cỡ lớn tại Việt Nam, nhằm thuyết phục nhà đầu tư “xuống tiền”.

Đáng lưu ý, có những thông tin chào bán trái phiếu được “lập lờ” quảng bá giống như gửi tiền vào ngân hàng. Ví dụ, “gửi kỳ hạn lãi suất hấp dẫn cùng các khuyến mại quà tặng”, nhưng thực tế người đang giới thiệu chương trình khuyến mại không phải là nhân viên ngân hàng, mà là nhân viên công ty chứng khoán và tiền của khách hàng sẽ dùng để mua trái phiếu các công ty bất động sản thành viên Tập đoàn X mà công ty chứng khoán nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn phân phối.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhà đầu tư thấy bóng dáng ngân hàng đứng đằng sau, nhầm tưởng trái phiếu được các ngân hàng bảo lãnh nên đặt nhầm lòng tin. Cá biệt, có một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng, chỉ đưa ra những tuyên bố chung chung. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết, nhà đầu tư trái phiếu dù chuyên nghiệp cũng khó có thể nắm bắt được tình hình tài chính của doanh nghiệp.

TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính cho rằng, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nền tảng phát triển ổn định, việc trước tiên cần làm là phải minh bạch, càng minh bạch thì rủi ro càng thấp. Thứ hai là luật lệ phải được thực hiện nghiêm túc, giúp giảm thiểu rủi ro cho thị trường, nhà đầu tư. Thứ ba là phải có thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp, để tăng tính thanh khoản cho trái phiếu.

Được biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng khung pháp lý cho sàn mua bán trái phiếu thứ cấp, kỳ vọng sẽ ra mắt cuối năm nay. Bên cạnh đó, cơ quan này xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp để siết lại chất lượng loại trái phiếu này.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 27.694 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phát hành riêng lẻ 22.185 tỷ đồng, tăng 51%; phát hành ra công chúng 5.509 tỷ đồng, tăng 31%.

Nhóm bất động sản vượt qua ngân hàng để vươn lên vị trí dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu với tổng giá trị 15.520 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 56%, trong đó tập trung vào kỳ hạn ngắn 1 - 3 năm (9.313 tỷ đồng).

Tin bài liên quan