Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm trước khi vận hành vào cuối năm nay

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm trước khi vận hành vào cuối năm nay

Đề xuất hàng loạt giải pháp huy động 25 tỷ USD đầu tư 200 km metro tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Để huy động được 25 tỷ USD đầu tư 200 km metro tại TP.HCM cùng với nguồn vốn ODA và vốn ngân sách, cần phát hành cả trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình…

Chiều 31/7, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) phối hợp tổ chức Tọa đàm “Kết luận 49 và Nghị quyết số 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TP.HCM”.

Buổi tọa đàm được tổ chức ngay sau khi TP.HCM triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Vậy làm thế nào để rút ngắn thủ tục, huy động được vốn tư nhân đầu tư hệ thống metro là thách thức mà đầu tàu kinh tế TP.HCM phải hóa giải trong thời gian tới.

Thông tin từ MAUR cho biết, TP.HCM đã quy hoạch 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt 1 ray với tổng chiều dài khoảng 220 km.

Đến nay, Thành phố mới đầu tư được 2 tuyến. Trong đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thực hiện từ năm 2007, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Còn tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành năm 2032. Các tuyến còn lại đang kêu gọi đầu tư.

Ông Hoàng Ngọc Tuân, Quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư của MAUR cho biết, các dự án hiện đang đầu tư hiện nay từ nguồn vốn vay ODA nên phát sinh nhiều thủ tục, tỷ suất đầu tư cao, phụ thuộc về thiết kế, kỹ thuật, công nghệ của đối tác cho vay...

Theo ông Tuân, Kết luận số 49 mà Bộ Chính trị mới ban hành đặt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035, nghĩa là Thành phố phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại (khoảng 200 km) trong 12 năm tới.

"Đây là thách thức rất lớn bởi trong suốt 20 năm qua, TP.HCM mới làm gần xong 19,7 km đường sắt đô thị. Nếu tiếp tục làm theo cách như hiện nay với thời gian chuẩn bị dự án kéo dài trung bình 4 - 5 năm, thêm thời gian thực hiện từ 7 - 8 năm thì không thể thực hiện được" ông Tuân đánh giá.

Vì vậy, MAUR đề xuất nhiều cách làm mới. Về quy hoạch, MAUR đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng chiều dài các tuyến metro từ 220 km hiện nay lên khoảng 400 - 500 km, chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ nay đến 2035 và giai đoạn 2 sau năm 2035. Khi quy hoạch phải xác định ngay ranh giới, vị trí và thiết kế đô thị theo mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD), với bán kính 500 - 1.000 m xung quanh nhà ga.

Ngay sau khi phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án cần thu hồi đất ngay để đảm bảo có quỹ đất đấu giá và tránh tình trạng đầu cơ đất đang diễn ra tràn lan. Như vậy mới có thể đảm bảo mục tiêu đến 2028 thu hồi được toàn bộ mặt bằng sạch để thi công.

“Còn cách làm như hiện nay kéo dài ít nhất 10 năm. Nếu áp dụng Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM thực hiện thu hồi đất sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thì cũng mất 4 - 5 năm” ông Tuân nêu thực trạng.

Về nguồn vốn, để thu xếp được 25 tỷ USD nếu dựa váo ngân sách Nhà nước hoặc vốn ODA như hiện nay thì không khả thi. Vì vậy, MAUR đề xuất huy động vốn từ 5 nguồn: ngân sách nhà nước dùng để giải phóng mặt bằng; vốn thu được từ đấu giá quỹ đất dọc tuyến đường; vay vốn trong nước; vay vốn nước ngoài và phát hành trái phiếu.

Theo tính toán của MAUR, một nhà ga làm theo mô hình TOD bán kính nhỏ nhất 500 m thì mỗi nhà ga kết hợp với làm khu đô thị với diện tích khoảng 80 ha. Một tuyến metro sẽ có hàng ngàn ha đất, nếu mỗi ha tạo ra được giá trị thặng dư 50 tỷ đồng thì đã có 50.000 tỷ từ đấu giá quỹ đất cho mỗi tuyến metro.

Về thủ tục MAUR đưa ra ý kiến, có thể bỏ qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nếu thực hiện tốt phần quy hoạch; phân quyền, phân cấp tự chủ hơn cho địa phương hoặc có thể gom toàn bộ các tuyến lại thành 1 - 2 dự án để trình Quốc hội một lần rồi thực hiện theo từng dự án thành phần...

"Hầu hết các đề xuất chúng tôi nêu ra đều chưa có trong quy định của pháp luật. Nhưng, chúng ta phải làm khác đi như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói mới đây, nếu cứ làm như cũ thì 100 năm nữa TP.HCM mới hoàn thiện được mạng lưới metro" ông Hoàng Ngọc Tuân nhấn mạnh.

Đề xuất về giải pháp huy động vốn để xây dựng các tuyến metro, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho rằng, đầu tư metro phụ thuộc vào vốn vay ODA là không ổn, dù lãi suất thấp nhưng các chi phí khác khá cao, nếu tính chung lại có thể còn cao hơn cả vốn vay thương mại.

Theo bà Trang, cùng với giải pháp đấu giá đất dọc đường metro, TP.HCM có thể huy động vốn từ phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình, thời gian tới lãi suất có thể sẽ hạ nhiệt nên phát hành trái phiếu quốc tế sẽ thuận lợi hơn.

“Nếu huy động được các nguồn vốn khác nhau từ trái phiếu, đấu giá quỹ đất thì sẽ có một lượng vốn lớn để đầu tư 200 km metro để hoàn thành vào năm 2035” bà Trang nhấn mạnh.

Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt ra mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035.

Theo Nghị quyết 98, TP.HCM được phép thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) ở các nhà ga metro, nút giao Vành đai 3. Khi triển khai mô hình này sẽ là đòn bẩy thúc đẩy việc đầu tư 200 km metro trong vòng 12 năm tới.

Tin bài liên quan