Để xuất khẩu trái cây gia nhập nhóm hàng tỷ USD: Doanh nghiệp không thể đi một mình

0:00 / 0:00
0:00
Chanh leo, chuối, dứa, dừa đang vươn lên trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, nhưng để giữ vững vị thế, ngành trái cây Việt cần chiến lược bài bản và liên kết bền chặt hơn.
Trái cây Việt cần chiến lược bài bản và liên kết bền chặt hơn để gia nhập nhóm hàng tỷ USD.

Trái cây Việt cần chiến lược bài bản và liên kết bền chặt hơn để gia nhập nhóm hàng tỷ USD.

Nỗ lực vươn lên nhóm hàng tỷ USD

Sau thành công của sầu riêng, ngành nông nghiệp Việt tiếp tục đặt kỳ vọng vào nhóm trái cây đầy tiềm năng, gồm chanh leo, dừa, dứa và chuối - những mặt hàng có năng lực cạnh tranh ngày càng cao nhờ sản lượng lớn, khả năng chế biến sâu và nhu cầu thị trường quốc tế đang gia tăng mạnh mẽ.

Hiện tại, tổng diện tích canh tác của 4 loại trái cây này đạt 420.000 ha, với sản lượng hơn 6,3 triệu tấn. Tuy nhiên, ngoại trừ dừa đã vượt mốc 1,1 tỷ USD xuất khẩu năm 2024, chuối mới đạt 378 triệu USD, chanh leo 222 triệu USD và dứa dưới 50 triệu USD. Điều này cho thấy, dư địa tăng trưởng còn rất lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, điểm chung của nhóm trái cây này là đều có lợi thế tuyệt đối hoặc tương đối, song đang đối mặt với nhiều rào cản như giống kém chất lượng, thiếu khả năng kháng sâu bệnh, vùng nguyên liệu manh mún, chuỗi liên kết lỏng lẻo, chế biến sâu còn hạn chế, chưa có thương hiệu quốc gia…

“Muốn chạm ngưỡng tỷ đô trong vòng 2-3 năm tới, cả Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân cần cùng bắt tay hành động quyết liệt”, ông Nam nhấn mạnh.

Một ví dụ điển hình là chanh leo. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods Group, từ con số 0 cách đây 10 năm, đến nay, ngành hàng này đạt doanh thu đáng kể, với mảng chế biến như chanh leo cô đặc và puree cán mốc 300 triệu USD, còn xuất khẩu quả tươi có thể vượt 500 triệu USD trong năm nay.

Giống chanh dây tím do Việt Nam phát triển có ưu thế lớn về hương vị, khác biệt với giống vàng chua tại Nam Mỹ. Thị trường châu Âu hiện tiêu thụ 5.000 - 7.000 tấn quả tươi mỗi năm, trong khi thị trường Trung Quốc nếu mở cửa sẽ tạo cú hích lớn trong mùa đông khi quốc gia này không thể tự trồng.

Trong khi đó, ngành chuối đang được tái định vị theo hướng dẫn đầu toàn cầu.

Unifarm, doanh nghiệp do ông Phạm Quốc Liêm làm Chủ tịch, đang theo đuổi một chiến lược phát triển bằng công nghệ cao và duy trì một bộ tiêu chuẩn duy nhất, xuyên suốt từ giống đến thu hoạch và truy xuất nguồn gốc.

Điểm đặc biệt trong mô hình của Unifarm là không chạy theo tiêu chuẩn thị trường riêng lẻ như VietGAP, GlobalGAP, mà thống nhất một quy trình chất lượng khắt khe, duy nhất cho toàn chuỗi. Từ giống, kỹ thuật trồng, xử lý sau thu hoạch đến hậu cần, mọi khâu đều được kiểm soát chặt chẽ.

Xây dựng chuỗi giải pháp tháo gỡ

Để hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng, các chính sách mới đang mở ra hành lang pháp lý cần thiết, giúp tháo gỡ rào cản lâu nay của ngành trái cây Việt. Nghị định 88/2025/NĐ-CP và Nghị định 145/2025/NĐ-CP là hai công cụ quan trọng, định hình lại vai trò của các địa phương trong quản lý vùng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư, liên kết và phát triển giống.

Với dừa, việc thị trường Mỹ và Trung Quốc mở cửa đang mở ra cơ hội lớn, nhưng cũng tạo áp lực cạnh tranh khốc liệt từ các nước mạnh như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines.

Theo bà Trần Lệ Hoa, Phó ban Khoa học xã hội (Hiệp hội Dừa Việt Nam), dừa tươi Việt Nam có giống tốt, nhưng trồng manh mún, không đồng đều, dẫn đến doanh nghiệp khó thu mua tập trung. Công nghệ sơ chế chủ yếu bằng tay, kho bãi thiếu quy chuẩn, vận chuyển phụ thuộc vào xe máy hoặc ghe thô sơ, khiến giá thành đội lên, làm giảm sức cạnh tranh.

Bà Hoa đề xuất, cần bảo hộ giống, xây dựng bản đồ dừa Việt Nam, minh bạch chuỗi trồng, chăm sóc, thu hoạch, tạo sàn thông tin điện tử cho nhà đầu tư và nhà mua hàng. Đồng thời, Nhà nước cần công nhận vùng trồng tập trung là “dự án trồng dừa”, qua đó tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho nông dân và doanh nghiệp.

Tương tự, với chanh leo, ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, Nhà nước cần có quy hoạch vùng trồng rõ ràng, tránh trồng ồ ạt theo phong trào; siết chặt quản lý giống giả, giống kém chất lượng; cập nhật quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ các thị trường khó tính; kiểm soát các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, ngành dứa cũng đang có cơ hội lớn khi quy mô thị trường toàn cầu đạt 29 tỷ USD năm 2024, tăng trưởng kép 6,3%/năm. Các thị trường tiêu thụ chính như châu Âu và Bắc Mỹ chiếm tới 50% nhu cầu, mở ra dư địa xuất khẩu rất lớn.

Dù vậy, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để ngành dứa Việt cán mốc tỷ USD, cần nhanh chóng mở rộng vùng nguyên liệu, cải tiến giống, đầu tư hệ thống thủy lợi và công nghệ sau thu hoạch. Đồng thời, cần “cởi trói” đất đai bằng các chính sách cho thuê, đấu giá, cổ phần hóa đất công, giải phóng nguồn lực để doanh nghiệp trong ngành có thể đầu tư bài bản, lâu dài”.

Có thể thấy, tiềm năng của trái cây Việt là điều không cần bàn cãi, nhưng để bứt phá lên tầm cao mới, doanh nghiệp không thể đi một mình. Chìa khóa thành công nằm ở sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và nông dân, với chiến lược tổng thể, đầu tư bài bản và tư duy xuất khẩu hiện đại, thay vì manh mún, tự phát như hiện nay.

Tin bài liên quan