ĐHCĐ Hoa Sen (HSG): "Sẽ bán hết tài sản không cần thiết, không sản xuất và tập trung vào phân phối"

ĐHCĐ Hoa Sen (HSG): "Sẽ bán hết tài sản không cần thiết, không sản xuất và tập trung vào phân phối"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 21/3, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG – sàn HOSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên Niên độ tài chính 2021 - 2022.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết, năm 2022, Công ty đã đề ra những trọng tâm như: Tiếp tục duy trì hoạt động cạnh tranh cốt lõi; Triển khai mở rộng chuỗi Hoa Sen Home và siêu thị vật liệu xây dựng; Chuyên môn hoá để nâng cao giá trị tập đoàn, cổ đông.

Ông Trần Quốc Trí, Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, năm 2022 còn nhiều khó khăn. Công ty đặt kế hoạch sản lượng 2 triệu tấn và doanh thu 46.399 tỷ đồng. Trong đó, riêng lợi nhuận sau thuế Tập đoàn đặt kế hoạch với ba kịch bản, kịch bản 1 là 1.500 tỷ đồng, kịch bản 2 là 2.000 tỷ đồng và kịch bản 3 là 2.500 tỷ đồng. Được biết, lợi nhuận sau thuế sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào.

Ngoài ra, tính tới tháng 11/2021, thị phần của tôn mạ của tập đoàn đạt 36% và chiếm vị thế đầu ngành; thị phần ống thép đạt 15,8%, lọt top những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.

Về phương pháp phân phối cổ tức Niên độ tài chính 2020 - 2021 là 20% bằng cổ phiếu và ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm thực hiện.

Một nội dung đáng chú ý, Công ty dự kiến phát hành ESOP với tỷ lệ tối đa 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm và thực hiện trong năm 2022.

Tái cấu trúc nhằm thúc đẩy chuyên môn hoá các lĩnh vực, tối ưu hoá nguồn lực, tăng hiệu quả kinh doanh theo từng mảng sản xuất:

Đối với mảng sản xuất kinh doanh nhựa chuyển đổi 1 công ty TNHH MTV thuộc Tập đoàn thành CTCP Nhựa Hoa Sen để tiếp tục nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng nhựa và thành lập mới 1 công ty là CTCP Phân phối Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và Hoa Sen Hose. Dự kiến 2 công ty trên đủ điều kiện theo quy định pháp luật, công ty sẽ tiến hành IPO và niêm yết trên sàn HOSE.

Phần thảo luận

Công ty có kế hoạch mở rộng nhà máy khi nhà máy cũ đang tới công suất tối đa?

Ông Vũ cho biết, Công ty đang có bước ngoặt chiến lược để thay đổi chiến lược. Trong đó, hình thành hệ thống Hoa Sen Hose trong 5 - 10 năm tới, nếu triển khai tốt hệ thống sẽ đóng góp tốt vào cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.

Trong đầu tư của xã hội, đầu tư vào nhà ở là một số tiền lớn. Hệ thống Hoa Sen Hose cung cấp toàn bộ hệ thống cho việc này, vì vậy doanh số 1 - 5 tỷ USD là chuyện bình thường.

Hệ thống Hoa Sen Hose sẽ là bước ngoặt lớn cho Tập đoàn. Ngoài ra, Tập đoàn không tập trung vào sản xuất, hiện Công ty đang vị trí top đầu ngành tôn mạ ở Đông Nam Á và đứng vị trí top ở khu vực châu Á.

Với ngành Tôn đứng đầu, ống thép đứng thứ 2 và ống Nhựa đứng thứ 3, nhưng Công ty không đầu tư vào sản xuất nữa, tập trung nguồn lực vào cái nào tạo ra giá trị lớn nhất, tiềm năng nhất… Khi phát triển hệ thống phân phối, doanh số từ hệ thống phân phối có thể đóng góp từ 40.000 - 50.000 tỷ đồng.

Về vấn đề tại sao Hoa Sen không sản xuất, ông Vũ cho biết, là do Công ty hướng tới mảng đang có lợi thế, hệ thống phân phối có hơn 600 cửa hàng trên cả nước, có dữ liệu khách hàng, có năng lực cạnh tranh…

Tóm lại, Công ty có hệ thống phân phối, nguồn lực tài chính, có khách hàng, có thương hiệu… để có thể phát triển Hoa Sen Home thành hệ thống phân phối số 1 tại Việt Nam, trong đó, chủ yếu nâng cấp năng lực, công nghệ…

"Sẽ không sản xuất, tài sản không cần thiết sẽ thực hiện bán hết để lấy tiền mặt, không sản xuất và tập trung phát triển Hoa Sen Home. Công ty không chia lợi nhuận, tập trung nguồn lực để phát triển cho tập đoàn, nếu chia hết lợi nhuận khi gặp khó khăn Công ty sẽ chịu áp lực lớn", ông Vũ chia sẻ.

Đồng thời, ông Vũ cho biết thêm: Khi thành công với chuỗi Hoa Sen Home, P/E của hệ thống phân phối sẽ là 25 lần, không còn 4 - 5 lần như hiện nay khi công ty hoạt động trong lĩnh vực thép. Nếu điều hành tốt, Hoa Sen Hose sẽ gấp nhiều lần so với Hoa Sen ở thời điểm hiện tại.

Tại sao lại phát triển nhựa?

Ông Vũ cho biết, Công ty đứng vị trí thứ 3 và sau Nhựa Bình Minh, nhựa Tiền Phong. Hiện tại, nhóm cổ phiếu nhựa giao dịch trên 50.000 đồng/cổ phiếu, vì vậy Công ty sẽ tách ra khỏi mảng thép để tăng định giá.

Giá cả đang tăng cao và giá nguyên liệu cũng tăng cao dẫn tới nhu cầu suy giảm, tại sao Công ty lại đẩy mạnh mở chuỗi Hoa Sen Home?

Ông Vũ cho biết, hai năm qua nền kinh tế gặp khó khăn và năm nay tiếp tục lại thêm xung đột Nga – Ukraine đẩy giá nguyên liệu tăng cao.

Khi đại dịch bắt đầu, Công ty đã giảm tốc độ mở Hoa Sen Home. Trong năm 2022, 2023, Công ty dự kiến sẽ mở rộng, tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Trong giai đoạn này tập trung vào quản trị, đào tạo nhân viên bán hàng, giám đốc bán hàng, xây dựng chính sách đầu vào, đầu ra, công nghệ, tối ưu hoá hệ thống logistics và hệ thống phân phối.

Ngoài ra, Công ty tập trung 5 mặt hàng chính có doanh số lớn để phát triển để khách hàng biết Hoa Sen bán vật liệu xây dựng.

"Chậm việc mở rộng mà tập trung vào hoàn thiện và tối ưu hoá, tuy nhiên, Công ty phải chuẩn bị kế hoạch mở rộng, mở cái sau phải lớn hơn cái trước. Trong vòng 2 năm tới, đội ngũ điều hành, nhân viên kinh doanh phải am hiểu, nghe được hơi thở của thị trường mỗi giờ, mỗi ngày để ra quyết định kinh doanh", ông Vũ nói và nhấn mạnh thêm: "Hai năm tới chưa phải giai đoạn công ty thu hoạch mà là giai đoạn củng cố để tạo nền phát triển dài hạn".

Tin bài liên quan