ĐHCĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR): Cổ đông thắc mắc về việc hạ tỷ lệ cổ tức

ĐHCĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR): Cổ đông thắc mắc về việc hạ tỷ lệ cổ tức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 17/6, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán GVR - sàn HOSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, năm 2022 là năm bản lề của kế hoạch năm 5 năm.

Trong năm 2022, Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu 29.707 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 6.480 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,8% và 4,3% so với thực hiện trong năm 2021.

Kế hoạch phát triển, GVR thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025, sắp xếp mô hình tổ chức sản xuất, xây dựng phương án quản lý tổ chức sản xuất theo hướng tinh gọn, hiệu quả ở các đơn vị thành viên phù hợp đặc thù từng vùng miền và trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.

Đặc biệt, tiếp tục rà soát, tính toán và cân đối các nguồn thu khác từ hoạt động thoái vốn ngoài ngành như tiếp tục thoái vốn cổ phiếu VRG; bán cổ phiếu thưởng của SIP…; tăng cường nguồn thu từ trả đất về địa phương, nguồn thu từ lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hợp tác kinh doanh...

Được biết, tính tới 31/12/2021, VRG có 4 cổ đông lớn gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sở hữu 15,09% vốn điều lệ; Công ty TNHH TB.Group Việt Nam sở hữu 7,54% vốn điều lệ; CTCP Cao su Tây Ninh sở hữu 6,82% vốn điều lệ; Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai sở hữu 5,53% vốn điều lệ và còn lại 65,02% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Thêm nữa, VRG là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Cộng Hoà, Chí Linh, Hải Dương. Trong đó, giai đoạn 1 với diện tích 204 ha với hơn 150 ha đất thương phẩm; giai đoạn 2 dự kiến diện tích trên 350 ha.

Cũng trong năm 2022, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (dự án Nam Tân Uyên / An Điền mở rộng tại tỉnh Bình Dương, dự án Hiệp Thạnh tại tỉnh Tây Ninh…).

Một số nhiệm vụ chính của GVR trong năm 2022 gồm: Hoàn thành việc trình và phê duyệt tăng vốn điều lệ cho các công ty TNHH MTV cao su để đáp ứng yêu cầu phát triển;

Hoàn thành Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn sau cổ phần hóa, trên cơ sở đó khẩn trương thực hiện các nội dung tái cơ cấu đơn vị thành viên, tái cơ cấu Tập đoàn như Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Trong đó, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành; sáp nhập doanh nghiệp; chuyển đổi loại hình doanh nghiệp gắn với việc thoái vốn đầu tư; phát triển các khu công nghiệp trên đất cao su bao gồm các dự án mở mới và các dự án mở rộng, hình thức đầu tư có thể là Tập đoàn, các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư trực tiếp trên đất cao su chuyển đổi hoặc tiếp tục thành lập doanh nghiệp để huy động thêm vốn ngoài Tập đoàn (trong điều kiện không cân đối đủ nguồn lực đối ứng) để thực hiện các dự án đầu tư.

Xét về cổ tức, năm 2021 Công ty thông qua kế hoạch cổ tức 4,1%. Bước sang năm 2022, mức cổ tức dự kiến là 5% vốn điều lệ.

Về kế hoạch đầu tư, Công ty thông qua kế hoạch đầu tư trong năm 2022 với giá trị 2.360,2 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ bản 1.278,2 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn 1.082 tỷ đồng.

Phần Thảo luận:

Ông Phạm Văn Thành, thành viên HĐQT trả lời câu hỏi cổ đông về hoạt động kinh doanh:

Tại sao kế hoạch lợi nhuận đi ngang năm 2022?

Thực sự hoạt động cốt lõi gồm 5 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực chiếm lĩnh cao nhất là cao su, các lĩnh vực khác chiếm không đáng kể. So với năm 2021, lĩnh vực cao khó khăn, năm nay sản lượng cao su có thể tăng 6-8%. Khó khăn, tất cả các chi phí đều tăng như tiền lương, giá phân bón, phát điện, giá logistics tăng… Chính vì vậy lợi nhuận đi ngang. Thêm nữa, Công ty dự kiến phát triển lĩnh vực Khu công nghiệp nhưng do thủ tục pháp lý, cơ chế đất đai, Công ty chưa đưa vào kế hoạch.

Được biết, tiền lương chiếm khoảng 40% tổng giá thành.

Khi nào thì thoái vốn xong các đơn vị?

Kế hoạch thoái vốn năm 2022 đã trình, nếu cấp thẩm quyền phê duyệt sẽ tiến hành thuê đơn vị tư vấn, thẩm định giá. Nếu thủ tục xong mà thị trường không tốt cũng khó thoái, công ty sẽ lên kế hoạch thoái vốn ở thời điểm hợp lý để hoàn thành kế hoạch.

Nếu thoái vốn thành công, dự kiến năm 2022 chỉ đóng góp 500-600 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm dưới 10% tổng lợi nhuận hợp nhất; lợi nhuận lĩnh vực cao su cũng tương tự năm 2021…

Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 đang gặp khó pháp lý như thế nào?

Nam Tân Uyên cơ bản đã tháo gỡ được khó khăn, dự kiến quý III/2022 sẽ có quyết định giao đất thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên giai đoạn 2.

Ước tính lợi nhuận trước thuế quý II/2022?

Tập đoàn dự kiến lợi nhuận quý II tương đương cùng kỳ, lợi nhuận chủ yếu quý III và quý IV hàng năm.

Khó khăn chuyển đổi từ đất cao su sang đất khu công nghiệp?

Đây là khó khăn của Tập đoàn, đến nay theo Luật Đầu tư, luật đất đai…, Khu công nghiệp không phải thông qua đấu giá đất. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn thận trọng khi đưa đất phát triển Khu công nghiệp.

Tại sao công ty hạ tỷ lệ cổ tức so với kế hoạch?

Tập đoàn đã giảm từ kế hoạch 6% về còn 4,1%, Tập đoàn đã trích quỹ đầu tư phát triển để chuẩn bị đầu tư một dự án Khu công nghiệp ở Tây Ninh.

Tin bài liên quan