ĐHCĐ thường niên 2022 Chứng khoán TP.HCM (HSC): Tăng vốn thêm hơn 2.286 tỷ đồng, sắp thay đổi chính sách phí giao dịch

ĐHCĐ thường niên 2022 Chứng khoán TP.HCM (HSC): Tăng vốn thêm hơn 2.286 tỷ đồng, sắp thay đổi chính sách phí giao dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) HSC có kế hoạch tăng vốn thêm 2.286 tỷ đồng từ phát hành cho cổ đông hiện hữu, nguồn vốn huy động được giải ngân chủ yếu cho hoạt động cho vay margin và tự doanh, tạo lập thị trường. 

Đây là chia sẻ của ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC - mã chứng khoán HCM) diễn ra chiều 8/8.

Tới hôm nay mới có thể tổ chức ĐHCĐ sau 2 lần trì hoãn trước đó, có thể nói, HSC là công ty chứng khoán tổ chức ĐHCĐ nằm trong nhóm muộn nhất trên thị trường.

Theo tờ trình, năm 2022, HSC có kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu 228,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 50% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tỷ lệ thực hiện quyền 2:1, giá phát hành 10.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với thị giá hiện nay là 27.300 đồng/cp.

Nguồn vốn huy động được dự kiến 2.286 tỷ đồng, trong đó bổ sung cho hoạt động cho vay ký quỹ là 1.786 tỷ đồng, tự doanh 500 tỷ đồng.

HSC cũng có kế hoạch phát hành 16 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ quản lý công ty, giá phát hành 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ được chuyển nhượng tối đa 40% sau 1 năm; tối đa 30% sau 2 năm, và 30% sau 3 năm.

Về kế hoạch kinh doanh, HSC đặt mục tiêu doanh thu 3.593 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế 1.502 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.202 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với thực hiện năm 2021.

Các mảng đóng góp chính là môi giới 1.051 tỷ đồng, giảm 24%, còn mảng lãi từ cho vay ký quỹ 1.540 tỷ đồng, tăng 31% và tự doanh 884 tỷ đồng, tăng 22%. Bên cạnh đó còn có mảng tư vấn tài chính 87 tỷ đồng, tăng 87% và doanh thu khác 30 tỷ đồng.

Các con số kế hoạch này dựa trên giả định giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường là 5.554 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân là 22.217 tỷ đồng/ngày, giảm 17% so với bình quân năm 2021. Trong đó, giá trị giao dịch của nhà đầu tư trong nước chiếm 93%, còn nhà đầu tư nước ngoài là 7%.

Cụ thể với mảng môi giới, HSC đặt mục tiêu 5% thị phần trong tổng giao dịch các nhà đầu tư trong nước, 8% thị phần môi giới phái sinh; giữ thị phần 23% khách hàng tổ chức trong tổng giao dịch các nhà đầu tư nước ngoài năm 2022.

Với mảng cho vay ký quỹ, HSC dự báo tiếp tục tăng trưởng, với nguồn vốn mới phát hành cổ phiếu cho cổ đông cuối năm 2021, năng lực cho vay của HSC được nâng cao và chủ động hơn trong hoạt động huy động vốn từ các nguồn khác. HSC kiên định áp dụng chính sách quản trị rủi ro theo hướng thận trọng.

Ông giang cho biết, danh mục cho vay hiện chỉ gồm 60 mã lớn nhất trên thị trường, thanh khoản cao, tiềm năng tốt.

Mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2021 do đại dịch Covid -19, sang năm 2022, trên cơ sở danh mục các thương vụ đang thực hiện và dự kiến hoàn tất năm 2022, HSC đặt mục tiêu tăng trưởng 87% so với 2021.

Với mảng tự doanh và kinh doanh nguồn vốn, mô hình tự doanh của HSC chủ yếu là tập trung vào các hoạt động tạo lập thị trường, phòng ngừa rủi ro và hỗ trợ giao dịch cho khách hàng. Năm 2022, khối tự doanh sẽ gia tăng quy mô phát hành chứng quyền có đảm bảo. Phối hợp khối tư vấn tài chính doanh nghiệp để thực hiện các thương vụ tái cấu trúc và bảo lãnh phát hành giá trị lớn.

Năm 2022, tổng tài sản HSC dự kiến đạt 25.000 tỷ đồng, nhích nhẹ 3%, chủ yếu khoản cho vay ký quỹ và tài sản tài chính. Dự kiến HSC mở rộng quy mô kho trái phiếu từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng qua đó tạo kho dự trữ thứ cấp để linh hoạt bổ sung vốn lưu động khi cần thiết.

HSC cũng đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vay trong và ngoài nước với chi phí hợp lý. Tổng khoản vay nước ngoài dự kiến 250 triệu USD. Công ty cũng lên kế hoạch phát hành trái phiếu để tăng tính chủ động trong sử dụng vốn và đa dạng hoá cơ cấu nguồn vốn.

Về cổ tức năm 2021, HSC đã tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1 là 5%, đợt 2 là 2,5% tiền mặt và 25%/VĐL bằng cổ phiếu.

Thảo luận tại Đại hội

Đại diện vốn cổ đông nhà nước HFIC chia sẻ các ý kiến tại đại hội: Để ĐHCĐ có cơ sở thông qua thì các tờ trình ngân sách hoạt động HĐQT, Ban kiểm soát 2022 có lập dự toán cụ thể - hiện chưa được nêu trong tài liệu.

Việc phân phối lợi nhuận, do HFIC là cổ đông Nhà nước thì căn cứ Nghị định 140 - đề nghị xem xét phần lợi nhuận còn lại trong phương án phân phối lợi nhuận, chia cổ tức đợt 2 thì đề nghị chia hết bằng tiền mặt.

Về phương án tăng vốn, theo quy định Nghị định thì HFIC phải thoái vốn, không đầu tư thêm, nên không đồng thuận phương án tăng vốn.

Với dự thảo điều lệ, quy chế hoạt động thì có một số nội dung chưa đủ cơ sở thông qua, cụ thể “Thông qua ý kiến HĐQT bằng văn bản”, qua rà soát Luật Doanh nghiệp thì không quy định nội dung này.

Trả lời thắc mắc trên, ông Johan Nyvene, Chủ tịch HĐQT HSC cho biết: Mục ngân sách hoạt động HĐQT, Ban kiểm soát thì xin uỷ quyền HĐQT để thảo luận bàn bạc và đưa ra ngân sách chi tiết, chú ý là ngân sách chứ không phải quỹ trích ra như mọi năm.

Về chia cổ tức, để tiến hành ĐHCĐ lần này, HĐQT HSC và Ban Tổng giám đốc đã cố gắng hết sức, bao gồm cả phần vốn góp mà HFIC góp vào mà vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Tuy nhiên, với mong muốn tốt nhất là để bảo toàn lợi ích kinh tế của phần góp vốn HFIC và thiện chí đối với cổ đông lớn, thì HĐQT HSC đã mạo muội, bao gồm cả số cổ phần HFIC góp vừa qua (số vốn vừa qua góp vào vẫn bị treo vào tài khoản góp vốn và HSC chưa sử dụng). Sau khi cân nhắc và phải huỷ cuộc họp ĐHCĐ 2 lần trước vì con số đó chưa được thể hiện chính xác, thì tới nay đã tự tin hơn để tiến hành ĐHCĐ 2022, dù số góp vốn của HFIC chưa được công nhận một cách hợp pháp.

Nhưng như đề xuất của đại diện vốn cổ đông HFIC về việc chia hết bằng tiền mặt của phần lợi nhuận còn lại, thì có thể nói, HSC sẽ trở thành CTCK nhỏ hơn các CTCK hàng đầu khác hiện nay, bởi 2 năm qua, họ đã tăng vốn 2-3 đợt. CTCK lớn nhất hiện nay có vốn hơn 14.000 tỷ đồng, còn HSC kể cả số vốn góp của HFIC mà chưa được sử dụng chỉ mới chưa bằng 1/2 CTCK lớn nhất. Số cổ tức nếu chia hết, không khác nào xin giảm vốn.

Việc không đồng ý tăng vốn, cổ đông của HSC sẽ biểu quyết và dựa trên tỷ lệ thông qua để tiến hành.

Ông Phạm Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng ban Kiểm soát HSC chia sẻ thêm: HĐQT HSC rất vất vả để tổ chức được ĐHCĐ hôm nay (có 52 cuộc họp HĐQT trong năm 2021). Tất cả các CTCK đều tăng vốn lớn, vốn đó bắt buộc phải có để cạnh tranh. Đơn giản, margin được quyết định bởi quy mô vốn công ty, không tăng vốn thì không có khả năng cạnh tranh.

Cổ đông hỏi: Chia cổ tức bằng cổ phiếu thì cổ đông có bị ảnh hưởng không, trong khi thị giá công ty chưa phục hồi?

Đại diện HSC: Chia cổ tức bằng cổ phiếu (tiền từ túi này sang túi kia, thay vì tiền mặt chia ra ngoài) thì công ty giữ lại, còn cổ đông có thêm cổ phiếu và có thể bán ra cổ phiếu đó. Ngoài ra, phát hành cho cổ đông hiện hữu thì vốn mới sẽ vào bảng cân đối tài sản công ty.

Lợi ích cổ đông hiện hữu không giảm sút, vì cổ tức bằng cổ phiếu thì cổ đông có thể bán ra để thu tiền về, hoặc không muốn tiếp tục góp vốn thì có thể bán cổ phiếu.

Về thị giá, thì hầu hết các công ty trên thị trường đều bị ảnh hưởng bởi thị trường chung, đương nhiên cổ phiếu HCM bị ảnh hưởng phần lớn do Công ty đã tăng vốn chậm chạp, trì trệ và không có kết quả nhanh, để dùng nguồn vốn đó đưa vào hoạt động kinh doanh. Trong khi nếu xét về kết quả kinh doanh 2021, lợi nhuận gấp đôi năm trước.

Cổ đông: Công ty căn cứ cơ sở nào để sử dụng nguồn vốn từ đợt phát hành cổ phiếu để mang lại hiệu quả?

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc HSC: Căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn (HSC có thể dự báo được) và căn cứ vào phân bổ nhu cầu này để tối đa hoá lợi ích, đảm bảo an toàn cho hoạt động thường xuyên. Nhu cầu lớn nhất vẫn là cho vay ký quỹ, đi kèm với giao dịch cổ phiếu. HSC có đủ cơ sở khách hàng và quan hệ khách hàng tốt để tự tin có thể tăng gấp đôi nhu cầu margin kể cả thị trường giảm sút.

HSC hiện đang sử dụng tỷ lệ 1 vốn 2 nợ, và đang muốn tăng thêm vay ngân hàng. Khi dùng đòn bẩy, thì tỷ suất lợi nhuận/vốn sẽ cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, phân bổ vốn vào tự doanh, HSC là đơn vị phát hành chứng quyền đảm bảo (CW) lớn nhất nhì trên thị trường, cần vốn lớn, và mảng này có tỷ suất lợi nhuận khoảng 30% trên vốn cổ đông. Nếu phát hành và kinh doanh tốt thì mảng này có tỷ suất tốt (nhờ kỹ thuật giao dịch của HSC tốt và ngày càng cải thiện).

Về bảo lãnh phát hành, các năm trước HSC không làm nhiều, nhưng sắp tới, dự kiến trong kế hoạch có một số bảo lãnh cả ngàn tỷ đồng. Kỳ vọng có được lợi nhuận tốt. Tỷ suất lợi nhuận/vốn đều đặt mục tiêu trên 20% thì tập trung làm.

Riêng với bảo lãnh phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), hiện thị trường đang thay đổi nhiều, có nhiều vấn đề liên quan đến an toàn của nhà đầu tư, phân biệt nhà đầu tư chuyên nghiệp và chưa chuyên nghiệp…, các quy định về TPDN hiện nay làm HSC thận trọng hơn. HSC dứt khoát sẽ làm các sản phẩm về lãi suất và TPDN, nhưng phải khác với thực tiễn bùng nổ trong 2 năm qua, HSC quan niệm không bao giờ bán sản phẩm tài chính mà làm cho nhà đầu tư bị thiệt hại.

Thị trường trái phiếu và cổ phiếu hoàn toàn khác nhau, với thị trường trái phiếu HSC luôn nỗ lực cao nhất để bán cho nhà đầu tư những sản phẩm an toàn. Nên mới gọi là Fix income - những sản phẩm có thu nhập cố định, mình đầu tư vào sản phẩm cố định mà lại mất cả gốc thì không nên.

HSC cần cổ đông ủng hộ cho việc tăng vốn, phải tăng vốn thì mới đi vay được nhiều hơn, tuân thủ được các hạn mức cho vay và bảo lãnh phát hành.

Tăng vốn là sống còn đối với HSC, không phải là số lượng là con số mấy nghìn tỷ mà còn là cơ hội.

Cổ đông: Phí giao dịch một số CTCK thấp hơn HSC, Công ty có quan điểm gì?

CEO HSC: Chúng tôi có thấy việc HSC chậm thay đổi phí giao dịch, ngay trong tháng này sẽ thay đổi mức phí giao dịch sao cho đơn giản, dễ tính và cạnh tranh.

Về lâu dài, phí giao dịch trên thị trường dần dần về 0, HSC có kế hoạch thay đổi cách tính phí.

Kế hoạch 2022 đã bao gồm mức phí thay đổi, phí giảm đi, nhưng tổng lãi thu được sẽ tăng thêm. Một trong các yếu tố đó là chi phí vay ngân hàng sẽ giảm đáng kể, với mức phí giao dịch mới thì HSC có biện pháp để thu hút nhiều hơn tiền giao dịch của nhà đầu tư.

Tin bài liên quan