ĐHĐCĐ Tracodi (TCD): Mục tiêu trở thành nhà đầu tư hạ tầng giao thông và tổng thầu hàng đầu tại Việt Nam

ĐHĐCĐ Tracodi (TCD): Mục tiêu trở thành nhà đầu tư hạ tầng giao thông và tổng thầu hàng đầu tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 12/4, CTCP Đầu tư Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi, mã TCD) đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông năm 2023, thông qua toàn bộ các tờ trình, kế hoạch với đa số phiếu tán thành.

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với các chỉ tiêu chính gồm doanh thu thuần hợp nhất 3.317 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 333,9 tỷ đồng, cổ tức 15% bao gồm 7% cổ tức 2021 và 8% cổ tức 2022.

Cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng vốn bằng cách chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, dựa vào những yếu tố tích cực của thị trường và kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới của Công ty, HĐQT sẽ quyết định chào bán với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Với việc thông qua kế hoạch tăng vốn năm 2023 Tracodi, Ban lãnh đạo Tracodi đánh giá đây là một trong những điểm nhấn trong bức tranh tài chính của Tracodi trong năm 2023 với việc số tiền huy động từ tăng vốn sẽ được dùng để tái cơ cấu nợ vay, mua lại trái phiếu trước hạn, tập trung đầu tư máy móc thiết bị để tham gia các Công trình hạ tầng giao thông khi năm 2022 Công ty đã thực hiện thủ tục nâng cấp chứng chỉ năng lực xây dựng công trình công nghiệp; công nghiệp năng lượng tái tạo từ hạng II lên hạng I.

Ban lãnh đạo Tracodi đã chia sẻ rất nhiều thông tin cho các cổ đông thông qua phiên thảo luận trực tiếp với các cổ đông, qua đó làm rõ định hướng chiến lược trở thành nhà đầu tư hạ tầng giao thông và đơn vị tổng thầu hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng: dân dụng, công nghiệp và hạ tầng. Đây cũng là một trong những mục tiêu trong chiến lược phát triển 05 năm tới của Công ty.

Hỏi - đáp đáng chú ý tại đại hội:

Tại sao Công ty chia cổ tức bằng cổ phiếu?

HĐQT Công ty quyết định trình đại hội thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu qua đó giúp doanh nghiệp giữ lại được nguồn vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn, mở rộng kinh doanh, đầu tư vào mảng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển dài hơi của Tracodi.

Năm 2022, TCD chỉ đạt 65% kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất được ĐHCĐ thông qua, do chịu ảnh hưởng từ những biến động bất ngờ trên thị trường tài chính như lãi suất tăng cao, trái phiếu, bất động sản trầm lắng. Các dự án bất động sản năm 2022 đều chậm lại, sản lượng chưa đạt kỳ vọng. Dù vậy chúng tôi đã nỗ lực cố gắng để lợi nhuận sau thuế năm 2022 duy trì so với với 2021.

Từ đầu tháng 4, giá cổ phiếu TCD tăng rất mạnh so với thị trường chung, ban lãnh đạo Công ty có thể chia sẻ thêm thông tin về nội tại doanh nghiệp?

Như chúng tôi đã đề cập, nhìn chung hoạt động của TCD có những khó khăn nhất định, dù vậy Công ty có định hướng chiến lược và xuyên suốt để thực hiện theo chiến lược đã đặt ra, tập trung nhiều giải pháp, trong đó tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí, tập trung triển khai các dự án. Như quý vị cổ đông có thể thấy, năm 2022 kết thúc VN-Index mất mốc 1.000 điểm, cổ phiếu TCD sụt giảm nhiều. Gần đây với những tín hiệu hỗ trợ tích cực từ kinh tế vĩ mô như giảm lãi suất, điều chỉnh một số nội dung của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, tháo gỡ một số khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, giải pháp linh hoạt cho thị trường tài chính, ngân hàng…, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán nói chung và tình hình kinh doanh của Tracodi nói riêng.

Với sức mạnh nội tại của TCD, thông qua các chỉ số tài chính cơ bản như vốn điều lệ của Công ty hiện là 2.444 tỷ đồng, vốn chủ 3.600 tỷ đồng, đòn cân nợ dưới 1. Năm 2022, TCD dù chỉ thực hiện được 65% kế hoạch lợi nhuận, thu nhập trên mỗi cổ phần hiện đạt 1.500 đồng. Thị giá của TCD ở mức 8.300 đồng, PE là 5-5,5. Nếu so với PE trung bình của VN-Index là 11-13 hiện nay, thị giá TCD vẫn thấp so với thị trường. Giá trị sổ sách của TCD tính đến quý I/2023 là 14.400 đồng/CP.

TTCK có rất nhiều yếu tố tác động bao gồm cả yếu tố tâm lý, với sức mạnh nội tại doanh nghiệp như đã đề cập trên và tình hình kinh doanh ổn định như đã đề cập trong các báo cáo, chúng tôi cũng không biết, tại sao giá cổ phiếu diễn biến như vậy. Nhiều cổ đông đặt câu hỏi tại sao giá cổ phiếu giảm tới 70% mà công ty chưa có động thái gì, không mua cổ phiếu để đỡ giá. Với phương châm được xuyên suốt từ lúc niêm yết tới nay Ban lãnh đạo Công ty xác định xây dựng doanh nghiệp với tình hình kinh doanh ổn định, tạo ra giá trị cho các cổ đông khi đó giá trị cổ phiếu của Công ty sẽ được nhận định một cách đúng nhất. Do đó , chúng tôi chỉ biết tập trung vào sản xuất kinh doanh.

Công nợ của nhiều công ty xây lắp rất lớn, ăn mòn hết lợi nhuận. TCD có giải pháp gì để quản trị rủi ro này?

Các công trình, dự án chúng tôi đang quản lý thi công tổng thầu đa phần nằm trong hệ sinh thái Bamboo Capital, gồm bất động sản, năng lượng tái tạo. Bên ngoài là các dự án đầu tư công như gói thầu đường lăn sân bay Phan Thiết, hay gói thầu san lấp cho nhà máy của doanh nghiệp nước ngoài FDI tại Long An, các chủ đầu tư thanh toán tốt. Sản lượng chưa đạt kế hoạch nhưng công nợ chúng tôi có thể kiểm soát được. TCD có may mắn hơn các doanh nghiệp phải chọn dự án không kiểm soát được chủ đầu tư.

Chúng tôi đã tính định hướng chiến lược xa hơn, không chỉ tập trung ở các dự án trong nội bộ tập đoàn mà hướng đến nhiều dự án bên ngoài nhưng tiêu chí quan trọng để lựa chọn dự án là các chủ đầu tư có năng lực tài chính và Tracodi có thể kiểm soát được công nợ.

Đề nghị ban lãnh đạo cho biết giá trị backlog tính đến thời điểm hiện tại

Giá trị backlog đến thời điểm hiện tại là 14.000 tỷ đồng, giá trị nghiệm thu lũy kế là 4.600 tỷ đồng. Giá trị backlog còn lại là 9.200 tỷ đồng, trong đó bất động sản là 6.400 tỷ đồng, sola farm còn 397 tỷ đồng, điện gió 1.800 tỷ đồng, hạ tầng giao thông còn 300 tỷ đồng.

Các dự án đầu tư hạ tầng mà TCD theo đuổi lâu nay?

Có 3 dự án được tập trung triển khai. Thứ nhất, dự án tuyến cao tốc Gò Dầu – Xa Mát (Tây Ninh), TCD đã phối hợp hoàn thành báo cáo tiền khả thi, UBND tỉnh đã tiến hành thẩm tra, hiện UBND tỉnh và các bộ ban ngành đang nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2023, theo lộ trình, dự án sẽ được phê duyệt chủ đầu tư vào tháng 6/2023, lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 5/2024, thi công dự án từ 2024-2026.

Thứ hai là dự án tuyến Đức Hòa - Đức Huệ (Long An), TCD đang tiếp cận để được đánh giá đầu tư, báo cáo UBND tỉnh.

Thứ ba là dự án tỉnh lộ 935 Sóc Trăng, TCD đề xuất đầu tư theo mô hình PPP, chiều dài 22km. Hiện Công ty đang nghiên cứu tiền khả thi, đánh giá nội bộ trước khi trình địa phương. Nếu theo tiến độ, dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 4/2024, thi công giai đoạn 2024-2027.

Biến động giá nguyên vật liệu có tác động ra sao đến TCD, cập nhật tiến độ M&A một số mỏ đá, giá bán đá Antraco và việc mở rộng trữ lượng mỏ?

Cát đá, xi măng biến động tăng do Chính phủ đang tập trung giải ngân vốn đầu tư hạ tầng giao thông nên nguyên vật liệu đang khan hiếm, trong quý I các nguyên vật liệu này tăng 10% so với cùng kỳ, riêng với mặt hàng thép, do các dự án chậm tiến độ, tạm dừng nhiều nên giá thép giảm hơn 14% so với cùng kỳ.

Giá đá Antraco hiện tại tăng 10% so với cùng kỳ. Liên doanh đã triển khai việc xin mở rộng trữ lượng và khai thác, đã thực hiện khảo sát thăm dò -30m, đang tích cực thực hiện theo quy định hiện hành.

Với việc M&A mỏ đá, Công ty đã tiến hành khảo sát, thương thảo với một số mỏ đá có tiềm năng. Dù vậy, do những khó khăn về tài chính trong năm 2022 nên Công ty chưa thực hiện được. Đây vẫn là mục tiêu chiến lược của Công ty trong thời gian tới, khi năng lực tài chính được cải thiện.

Quý I do rơi vào tháng cận Tết có ảnh hưởng đến thanh quyết toán hồ sơ, doanh thu của Công ty đạt hơn 300 tỷ đồng, hoàn thành10% kế hoạch, lợi nhuận đạt hơn 60 tỷ đồng, bằng 25% so với kế hoạch đề ra. Đóng góp trong cơ cấu lợi nhuận, ngoài lãi từ sản xuất kinh doanh, TCD còn hạch toán khoản lãi từ hợp tác đầu tư.

Tin bài liên quan