Địa ốc 7 ngày: Băn khoăn về căn hộ 25 m2

Địa ốc 7 ngày: Băn khoăn về căn hộ 25 m2

(ĐTCK) Bộ Xây dựng đồng ý cho xây căn hộ 25 m2; Sốt đất lại xuất hiện ở Tây Bắc Đà Nẵng; Dân chung cư cũ Hà Nội vẫn “cố thủ” là các thông tin địa ốc đáng chú ý tuần qua.

1. Bộ Xây dựng đồng ý cho xây dựng và kinh doanh căn hộ 25 m2

Theo thông tin ghi nhận, Bộ Xây dựng vừa có công văn trả lời Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành về đề xuất cho phép thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại và các căn hộ có diện tích 20-30 m2.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết đang chuẩn bị ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư.

Trong thời gian chờ ban hành, đối với căn hộ chung cư thương mại thì có thể áp dụng tạm thời tiêu chuẩn diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25 m2 (tương đương quy định hiện hành về diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư nhà ở xã hội).

Địa ốc 7 ngày: Băn khoăn về căn hộ 25 m2  ảnh 1 Thiết kế một căn hộ 25 m2 Ảnh: Internet

Bộ này cho biết thêm, trước đó, Luật Xây dựng 2005 quy định nhà chung cư phải thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sàn mỗi căn hộ không thấp hơn 45 m2.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều địa phương, doanh nghiệp đã gửi văn bản đến Bộ Xây dựng, đề nghị cho phép đầu tư nhà ở thương mại với diện tích 30-40 m2. Bộ thừa nhận nhu cầu về căn hộ có diện tích nhỏ (dưới 45 m2) là rất lớn.

Khi sửa đổi năm 2014, Luật Nhà ở đã bỏ quy định giới hạn diện tích tối thiểu là 45 m2 đối với căn hộ chung cư thương mại. Căn hộ chung cư phải có thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, có diện tích sàn theo tiểu chuẩn, quy chuẩn xây dựng.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), từng đề xuất cho doanh nghiệp thí điểm đầu tư xây dựng căn hộ, nhà trọ, phòng trọ cho thuê với diện tích dưới 25m2, nhưng Bộ Xây dựng phản đối, khẳng định không phù hợp.

Trở lại với quyết định trên, trong khi các doanh nghiệp triển khai nhà giá rẻ "khấp khởi mừng thầm" thì các chuyên gia lại lo ngại xây dựng căn hộ chung cư 25m2 có thể làm gia tăng nguy cơ nhà ổ chuột giữa thành phố.

Trước những băn khoăn này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản VNREA cho biết, việc triển khai nhà 25m2 trong nội đô các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, chủ đầu tư muốn làm phải đảm bảo không phá vỡ quy hoạch tính trên dân số, đồng thời đảm bảo mỹ quan của các căn hộ chung cư 25m2.

2. Sốt đất lại xuất hiện ở Tây Bắc Đà Nẵng

Địa ốc 7 ngày: Băn khoăn về căn hộ 25 m2  ảnh 3

Khi cơn sốt phía Nam đang có dấu hiệu hạ nhiệt thì khu vực phía Tây Bắc Đà Nẵng lại đang nóng dần dần lên khi giới đầu tư đổ về săn đất trước thông tin Cảng Liên Chiểu và ga hàng hoá Kim Liên sắp được triển khai.

Ông Hoàng - một môi giới bất động sản cho biết vừa mới môi giới một lô đất cho một người dân từ dưới phố lên với giá 300 triệu đồng vào đầu năm 2017.

Theo ông Hoàng, trước đó, trung bình mỗi lô giao dịch chỉ khoảng 150 - 170 triệu đồng nhưng rao cả năm trời không có ai hỏi thăm thì đến cuối năm 2016, đầu năm 2017, bỗng nhiên đất tại khu vực này lại được nhiều người lạ quan tâm, đặt mua.

Tương tự ông Hoàng, anh Hiếu – giám đốc một doanh nghiệp tại Đà Nẵng cho biết cách đây khoảng 3 tháng, anh có mua 2 lô đất tại Hoà Liên 5 với giá 380 triệu đồng/lô thì hiện nay, hai lô đất này của anh đã được trả chênh lệch 50 triệu đồng.

Trong khi đó, với dự án Golden Hills, giá đất cũng đang tăng. Ông Bùi Xuân Định – Tổng giám đốc Trung Nam Land cho biết, tại dự án này, với tuyến lớn rộng 41m như Nguyễn Tất Thành nối dài, giá 1 lô đất dao động từ 1,1 - 1,3 tỷ đồng còn những tuyến đường nhỏ hơn thì giá 1 lô đất dao động khoảng 600 triệu đồng.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp, nhận định về “cơn sốt đất” đang hình thành tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng, các chuyên gia bất động sản cho rằng, làn sóng đầu tư địa ốc ăn theo các siêu dự án nghìn tỷ đã trở thành quy luật.

“Những dự án nghìn tỷ thường tạo ra lực hút lớn lôi kéo nhà đầu tư bất động sản, trong khi tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng đang có đến 2 dự án như vậy là Cảng Liên Chiểu và ga hàng hoá Kim Liên nên “sốt” đất cũng là lẽ thường", một chuyên gia nhấn mạnh

Giải thích rõ hơn về sức hút này, ông Đỗ Minh Dương – một chuyên gia bất động sản cho hay, giới đầu tư có lý do khi đổ xô chạy theo làn sóng đầu tư ăn theo các dự án nghìn tỷ vì cơ hội tại đây rất lớn.

Lý do là khi dự án hình thành sẽ tạo nên sức lan toả rất lớn, đủ sức thay đổi diện mạo khu vực và tạo nên sự cộng hưởng lớn về mặt thương mại, xã hội.

3. Hà Nội: Dân chung cư cũ vẫn “cố thủ”

Theo thông tin báo chí, tại hàng loạt chung cư, tập thể cũ (Hà Nội) được xếp hạng D - Cấp độ cực kỳ nguy hiểm phải di dời khẩn cấp thì người dân vẫn sinh hoạt và không chịu di dời. 

Địa ốc 7 ngày: Băn khoăn về căn hộ 25 m2  ảnh 4 

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện UBND phường Thành Công cho biết, UBND TP Hà Nội đã quỹ nhà tạm cư cho các hộ gia đình ở: Yên Hoà (Cầu Giấy) , Phú Thượng (Tây Hồ)…  nhưng đến thời điểm này ở khu tập thể G6A Thành Công mới chỉ có 5 hộ gia đình viết đơn xin tự nguyện đi tạm cư. 

Lý do được đưa ra là người dân không đồng thuận với việc phải tạm cư ở khu vực quá xa và cả về mức giá đền bù. Đơn cử như cùng một hệ số đền bù quy định của Thành phố nhưng người dân ở tầng cao, vị trí đẹp hơn lại đòi thoả thuận để có mức đền bù cao hơn.

Ngoài ra, ở khu tập thể G6 Thành Công, người dân còn băn khoăn về quá trình kiểm định, đánh giá toà nhà này thành mức D – mức cực kỳ nguy hiểm. Phường đã gửi yêu cầu của người dân lên UBND quận Ba Đình, UBND quận cũng có văn bản gửi Thành phố đề nghị kiểm định lại. “Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin về việc có kiểm định lại hay không”, đại diện UBND phường nói.

Một đại diện UBND phường Thanh Nhàn cho biết, đa số cư dân địa bàn đều đồng thuận và ủng hộ chủ trương cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, hiện một số người dân vẫn băn khoăn về hệ số tái định cư tại chỗ.

Trước đó, tại hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, toàn thành phố hiện có gần 1.500 khu chung cư cũ, chung cư độc lập được xây dựng từ những năm 1960 - 1970 đã quá niên hạn sử dụng, nhiều khu nhà đã ở tình trạng nguy hiểm nằm trên địa bàn quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm gây mất mỹ quan đô thị.

Trong hơn 10 năm qua, do còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, dẫn đến việc Hà Nội mới chỉ thực hiện cải tạo được 14/1.500 nhà chung cư cũ, đạt chưa đầy 1%. Có những khu nhà được liệt vào danh sách nguy hiểm phải khẩn cấp sửa chữa như G6 A-B Thành Công, C8 Giảng Võ, nhà A Ngọc Khánh…, vẫn rơi vào ngõ cụt do chưa nhận được sự đồng thuận.

Chuyển động địa ốc

Ngày 5/5, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tạm ngừng thi công đối với công trình xây dựng Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5. Công trình này xảy ra vụ tai nạn lao động hôm 4/5.

Cụ thể, vụ việc xảy ra do trong quá trình vận chuyển, vật tư thi công rơi từ tầng 12 xuống tầng 2, va chạm vào hệ giàn giáo trát ngoài nhà tầng 3, làm sập sàn giáo làm bị thương 3 người.

Ngày 6 và 7/5, ra mắt dự án RichStar. RichStar là dự án khu phức hợp đầu tiên của Novaland, nằm ngay trung tâm quận Tân Phú, TP HCM. Với loạt ưu điểm về vị trí và mô hình hiện đại, mức giá chỉ từ 2,1 tỷ đồng cho 3 phòng ngủ.

Địa ốc 7 ngày: Băn khoăn về căn hộ 25 m2  ảnh 5 

Không chỉ phát triển đầy đủ tổ hợp tiện ích cho cư dân (khu mua sắm, trường mầm non, khu thể thao…) RichStar còn đem đến những “ngôi nhà thông minh”, đáp ứng đúng nhu cầu của nhiều gia đình trẻ tại khu vực.

Tin bài liên quan