Nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM ngưng trệ kéo dài vì dịch, ảnh hưởng tới kế hoạch bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Trọng Tín

Nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM ngưng trệ kéo dài vì dịch, ảnh hưởng tới kế hoạch bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Trọng Tín

Địa ốc phía Nam ngóng ngày mở cửa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn lực của nhiều doanh nghiệp địa ốc đã cạn kiệt sau hơn 4 tháng chống chọi với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Bởi vậy, việc TP.HCM dự kiến mở cửa từng bước kinh tế từ cuối tháng 9 này được nhiều doanh nghiệp ngóng chờ.

Dự án chậm tiến độ, kinh doanh èo uột

Trong vòng quay của dịch bệnh, không chỉ doanh nghiệp địa ốc quy mô nhỏ và vừa, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng phải thay đổi chiến thuật kinh doanh, gần như rút vào hoạt động cầm chừng để vượt qua khó khăn, duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM, trong bối cảnh khó đoán định hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu hướng đến mục tiêu trong 6 tháng và 12 tháng tới, chứ chưa tính đến bước xa hơn.

Vị này cho biết, hiện trụ sở công ty vẫn nằm trong “vùng đỏ” nên nhân viên chưa thể đi làm bình thường trở lại, các kế hoạch bán hàng trực tiếp vì thế cũng chưa thể triển khai. Thời gian đầu của đợt dịch thứ tư, công ty cũng mở bán trực tuyến nhưng không mấy hiệu quả.

“Trong tháng 6 và 7 còn có khách hàng tương tác, đặt cọc, nhưng từ tháng 8 trở đi hầu như không còn khách giữ chỗ, do đặc thù của bất động sản nên khách hàng muốn thấy tận mắt dự án trước khi xuống tiền”, vị này cho hay.

Hoạt động bán hàng đã khó, việc triển khai thi công các dự án để đảm bảo tiến độ đề ra càng khó khăn hơn trong mùa dịch. Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Trung ương, Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam (VREC) kiến nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo điều kiện cho hoạt động thi công công trình trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và xây dựng cũng là yếu tố quan trọng trong dây chuyền kinh tế cần được tập trung hơn sau dịch.

Để các dự án được thi công trở lại một cách bình thường là không đơn giản, khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân công, thiếu nguồn cung vật tư, thiết bị, giá cả tăng cao...

Theo VREC, thời gian qua, các doanh nghiệp địa ốc không thể triển khai thi công do thiếu giấy phép đi đường, việc áp dụng “3 tại chỗ” ở các công trường xây dựng cũng khó khăn hơn so với tại nhà máy sản xuất, khiến đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu..., dẫn đến ách tắc các công trình xây dựng, kéo theo các công ty phụ thuộc trong hệ sinh thái của công trình cũng bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, bên cạnh các kế hoạch kinh doanh bán hàng phải tạm ngừng, việc triển khai thi công xây dựng các dự án bất động sản mới cũng bị đình trệ do phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ bàn giao sản phẩm cho khách hàng.

Để dẫn chứng, bà Hương cho hay, dự án Khu đô thị Vạn Phúc City quy mô 198 ha tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) trong năm nay chỉ có thể đảm bảo được khoảng 70% tiến độ trong 12 hạng mục công trình xây dựng trọng điểm tại dự án được triển khai theo kế hoạch.

Băn khoăn trước “giờ G”

Tất bật trong những cuộc họp kéo dài từ sáng đến tối để bàn kế hoạch mở cửa Công ty sau ngày 30/9/2021, ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần SeaHoldings bày tỏ sự “sốt ruột từng giờ từng phút” khi chia sẻ kế hoạch trở lại thị trường sau khi TP.HCM và các tỉnh giáp ranh mở cửa từng phần.

Rơi vào tình cảnh “kinh khủng chưa từng có”, như cách mà ông Phương nói, là 4 tháng TP.HCM giãn cách xã hội, cũng là quãng thời gian ông và SeaHoldings chịu rất nhiều áp lực trước gánh nặng chi phí mà chưa có giải pháp khả dĩ.

“Ngay khi lãnh đạo Thành phố khẳng định sẽ từng bước mở lại kinh tế sau ngày 30/9/2021, chúng tôi đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch phục hồi”, ông Phương nói và cho biết, từ tháng 6/201, SeaHoldings đã tận dụng thời gian nghỉ dịch để tập trung tái cấu trúc và hiện ở bước hoàn thiện cuối cùng.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị, nhưng chia sẻ với phóng viên, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn bày tỏ sự băn khoăn bởi chưa biết sắp tới TP.HCM sẽ chống dịch theo chiến lược nào, lĩnh vực nào được mở trước, lộ trình ra sao, khi mà chưa tới 1 tuần nữa là tới “giờ G”.

“Chính quyền Thành phố cần công bố lộ trình mở cửa rõ ràng để doanh nghiệp có cơ sở xây dựng kế hoạch sau dịch, bởi sức ảnh hưởng sau mỗi lần dịch bùng phát đều khác nhau, nếu không có lộ trình cụ thể thì mọi công sức chuẩn bị đều có thể đổ sông đổ bể”, tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM lo lắng.

Tuy chưa công bố lộ trình mở cửa, nhưng với các dự án đang xây dựng trên địa bàn Thành phố, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau ngày 30/9/2021, các công trình thi công xây dựng sẽ được hoạt động trở lại nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn. Theo đó, chủ đầu tư, nhà thầu phải tổ chức đo thân nhiệt, khai báo y tế, có biện pháp thi công hợp lý để đảm bảo khoảng cách, phải có nơi ăn uống, nghỉ ngơi đảm bảo an toàn... Ngoài ra, người lao động khi đến làm việc tại công trình phải tuân thủ 5K, sức khỏe tốt, không thuộc đối tượng cách ly y tế.

Nói là vậy, nhưng để các dự án được thi công trở lại một cách bình thường là không đơn giản, khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân công, thiếu nguồn cung vật tư, thiết bị, giá cả tăng cao... Bởi thế, việc TP.HCM đưa ra phương án mở cửa trở lại một cách cụ thể, kèm theo hướng dẫn chi tiết các biện pháp đảm bảo an toàn để doanh nghiệp có thể chuẩn bị tốt hơn là vô cùng quan trọng.

Theo ông Hoàng Văn Lanh, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nguyễn Hoàng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng phục hồi nhanh, cần có chính sách phân luồng hợp lý trong vận tải, tạo thuận lợi trong khâu lưu chuyển vật tư, thiết bị thi công giữa các công trình, giữa các địa phương khi vẫn còn khu vực phải phong tỏa. Đáng lưu tâm hơn là vấn đề dịch chuyển lao động giữa các vùng miền, địa phương trong điều kiện phải test nhanh Covid-19, cách ly phòng dịch hay di chuyển tới địa phương khác.

“Dự báo nguồn cung nhân lực lao động sẽ rất căng thẳng sau dịch, khi mà tới nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể trong khâu dịch chuyển lao động giữa các khu vực để vừa đảm bảo nguồn cung lao động, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch. Với các dự án đang thi công, việc thiếu hụt nhân công sẽ là thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ hoàn thiện công trình”, ông Lanh nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch VREC cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản đã sẵn sàng hoạt động trở lại với sự chuẩn bị cả về nhân sự lẫn biện pháp an toàn trong điều kiện mới. Do đó, doanh nghiệp cần được trao quyền nhiều hơn để có thể chủ động trong vấn đề tiếp cận vắc-xin cũng như các hoạt động kinh tế mới.

Tin bài liên quan