Không nhiều doanh nghiệp sản xuất đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”. Ảnh: Trọng Tín

Không nhiều doanh nghiệp sản xuất đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”. Ảnh: Trọng Tín

Khoảng lặng bất động sản công nghiệp phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc giãn cách xã hội và hạn chế đi lại trong nước tiếp tục gây khó khăn cho các chủ đầu tư đang tìm kiếm khách hàng thuê đất, nhà xưởng và nhà kho.

Sản xuất gặp khó

Hơn 2 tháng kể từ làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát với mức độ tác động nghiêm trọng hơn so với những đợt trước đó đã gây khó khăn rất lớn cho hoạt động sản xuất công nghiệp khu vực phía Nam. Nhiều địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ cho phép doanh nghiệp sản xuất hoạt động nếu đảm bảo được yêu cầu “3 tại chỗ ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” để ngăn ngừa dịch lây lan.

“Do không đáp ứng được các quy định về phòng chống dịch nên doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động. Suốt những ngày trước đó, từ sếp đến nhân viên phải chạy đôn chạy đáo để tìm nơi cung cấp suất ăn cho công nhân, nhưng không được. Công ty quy mô nhỏ với vài trăm nhân công, trước giờ chỉ mua thức ăn ngoài vào, nay phải thực hiện giãn cách toàn xã hội nên việc tìm chỗ cung ứng suất ăn an toàn 3 bữa mỗi ngày cho toàn bộ nhân viên còn ‘khó hơn lên trời’. Muốn tổ chức nhà bếp, tự nấu ăn cũng cũng không thể làm ngay”, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty May mặc Dony buồn rầu kể.

Không chỉ doanh nghiệp của ông Quang Anh, nhiều doanh nghiệp sản xuất khác cũng phải tạm ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch. Báo cáo từ Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết, tại khu công nghệ cao, có 70/85 doanh nghiệp đăng ký tiếp tục hoạt động theo quy định mới; các khu chế xuất Linh Trung 1 và Linh Trung 2 có tương ứng 13/32 doanh nghiệp và 10/30 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động; khu công nghiệp Hiệp Phước có 25/159 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động với tổng số 2.595 công nhân...

Việc hoạt động sản xuất bị ngưng trệ ở các khu công nghiệp phía Nam khiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua. “Đáng chú ý, các ‘điểm nóng’ như TP.HCM giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%”, trích báo cáo của Tổng cục Thống kê.

Ông John Campbell, Quản lý Bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam, cho rằng, do tác động của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn kể từ tháng 5/2020 và làm gián đoạn giai đoạn tăng trưởng kéo dài 6 tháng của ngành công nghiệp. Hơn nữa, đại dịch cũng ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng, dẫn đến thời gian giao hàng bị kéo dài.

Cho thuê khu công nghiệp cũng bị “vạ lây”

Việc giãn cách xã hội và hạn chế đi lại trong nước tiếp tục gây khó khăn cho các chủ đầu tư tìm kiếm khách hàng thuê đất khu công nghiệp, nhà xưởng và kho bãi. Các nhà đầu tư và khách thuê bất động sản công nghiệp tiềm năng cũng không thể trực tiếp đến tham quan và khảo sát các dự án ở các địa phương. Điều này tác động phần nào đến giá thuê tại các khu công nghiệp phía Nam.

Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty Kizuna - doanh nghiệp chuyên về nhà xưởng xây sẵn tại Long An cho biết, hiện nay, chỉ khoảng 50% số doanh nghiệp còn duy trì hoạt động sản xuất tại các khu nhà xưởng dịch vụ của Kizuna.

“Các doanh nghiệp sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể duy trì hoạt động trong giai đoạn này do thiếu hụt lực lượng lao động, các loại chi phí như chi phí vận chuyển, logictis, nhân công… tăng cao, bên cạnh đảm bảo các quy định phòng chống dịch lây lan”, bà Hiếu nói và thông tin thêm, để chia sẻ khó khăn với khách thuê, Kizuna đã giảm 15% chi phí thuê xưởng trong quý III/2021, không điều chỉnh giá thuê theo chỉ số tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021-2022…

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho biết, từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam có dấu hiệu chững lại, biểu hiện rõ nhất là mức giá thuê không tăng và ít doanh nghiệp thuê đất để xây mới hay mở rộng nhà máy, xưởng sản xuất.

“Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phía Nam để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn”, ông Bé nói và chia sẻ thêm, hiện nay, chi phí đền bù và giá thuê đất đều ở mức quá cao, buộc các chủ đầu tư phải cho thuê lại với mức giá cao hơn, dẫn đến việc khó khăn trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.

Tiềm năng vẫn sáng

Thực tế, hoạt động sản xuất gặp khó khăn đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động cho thuê khu công nghiệp, tuy nhiên, cả chủ đầu tư và khách thuê vẫn kỳ vọng bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì sản xuất. Đồng thời, việc triển khai tiêm chủng cộng đồng và những hứa hẹn về chương trình “hộ chiếu vắc-xin” đang tạo niềm tin cho các chủ sở hữu bất động sản công nghiệp cũng như các nhà đầu tư.

Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu chia sẻ, trước đây, Kizuna tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI mới, nhưng hiện chủ yếu hướng đến các doanh nghiệp FDI hiện hữu, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất có sẵn nhà máy có nhu cầu thay đổi địa điểm, thay đổi quy mô sản xuất phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí và thuận lợi trong khâu vận chuyển, đi lại trong khu vực TP.HCM.

Còn ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) cho rằng, nhìn từ công tác phân bổ tiêm vắc-xin tại Bắc Ninh, Bắc Giang… và hiện tại là TP.HCM, khả năng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát và các khu công nghiệp phía Nam cũng như cả nước sẽ thu hút mạnh hơn các dòng vốn đầu tư.

“Chỉ 2 hôm trước, Kinh Bắc nhận được thông tin nhà đầu tư thuê thêm đất trong khu công nghiệp để mở rộng sản xuất - kinh doanh, đồng thời đón nhận thêm các nhà đầu tư lớn khác. Các nhà đầu tư lớn tiếp tục đặt hàng, chẳng hạn ở Hải Phòng, LG mong muốn Kinh Bắc đẩy nhanh phát triển khu công nghiệp giai đoạn 3”, ông Tâm tiết lộ.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tìm đến Việt Nam nhờ những kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19, bên cạnh sự ổn định kinh tế - chính trị. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trên thị trường, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp diễn ra khá sôi động, có thể kể tới thương vụ Boustead Projects mua lại 49% cổ phần Công ty KTG Industrial tại Khu công nghiệp Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD.

ESR Cayman Limited, một tập đoàn về bất động sản hậu cần tập trung lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã công bố cùng hợp tác với CTCP Phát triển công nghiệp BW để thành lập liên doanh với mục tiêu sở hữu và cùng phát triển 240.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 (tỉnh Bình Dương). Sau cú bắt tay này, ESR Cayman Limited đã chính thức tham gia vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sau khi có mặt ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tin bài liên quan