Điểm cốt lõi để chợ trái phiếu hoạt động tốt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư cần được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và tình hình tài chính của tổ chức phát hành. Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Hoạt, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS). 

Bà có thể cập nhật bức tranh chung về tình hình hoạt động, khả năng đảm bảo nghĩa vụ trả lãi, gốc của các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thông qua tư vấn và môi giới của TCBS?

Đến thời điểm hiện tại, tất cả các trái phiếu riêng lẻ do TCBS tư vấn đều được thanh toán đúng hạn. Từ đầu năm 2023 đến nay, TCBS đã thực hiện thanh toán xấp xỉ 58.500 tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Các trái phiếu TCBS tư vấn phát hành chủ yếu là trái phiếu thuộc nhóm Vingroup (VIC, VHM, VRE...) và Masan Group (MSN, MML, MSR, NPM...). Hiện nay, các công ty này vẫn đang hoạt động kinh doanh và có tình hình tài chính ổn định. Tất cả các thông tin về trái phiếu như báo cáo cập nhật tình hình thị trường trái phiếu, thông báo kỳ tính lãi, ngày thanh toán, lãi suất áp dụng, các điều khoản điều kiện mua trước hạn của trái phiếu, thông báo ngày đăng ký cuối cùng thực hiện trả lãi theo kỳ của trái phiếu… đều được TCBS công bố công khai, minh bạch trên website của Công ty, đồng thời thông báo nhanh chóng đến khách hàng.

Trước những biến động lớn của thị trường trái phiếu thời gian qua, các bên liên quan đã có những giải pháp gì để ổn định thị trường và đảm bảo cho quyền lợi cho nhà đầu tư?

Các công ty chứng khoán hiện nay tiếp tục đồng hành cùng nhà đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt là hoạt động dịch vụ tư vấn phát hành và hỗ trợ để bảo vệ nhà đầu tư. Đối với TCBS, chúng tôi đã có nhiều video hướng dẫn nhà đầu tư nhận biết, đánh giá các tổ chức phát hành, đánh giá trái phiếu, giúp nhận diện khẩu vị rủi ro của mình, đánh giá chấm điểm của chính mình.

Một hành động nữa để nâng tầm hoạt động tư vấn phát hành là chúng tôi hợp tác với đơn vị xếp hạng để chủ động xếp hạng tín nhiệm đối với các tổ chức phát hành, góp phần giúp thị trường trái phiếu ngày càng minh bạch, an toàn, bền vững hơn.

Hiện quy mô thị trường đã đạt mức khá lớn, đứng trong Top 30 thị trường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế thì thị trường chứng khoán vẫn cần phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Năm 2023, Chính phủ đã ban hành một số quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp nhằm giải quyết những khó khăn tạm thời cho doanh nghiệp phát hành, đồng thời khôi phục niềm tin của thị trường. Chẳng hạn, Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép đàm phán lại kỳ hạn trái phiếu, trả nợ bằng tài sản khác, hoãn thực hiện các quy định về xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp, thời gian phân phối, xếp hạng tín nhiệm đến hết năm 2023.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản có thể tiếp tục vay ngân hàng thực hiện dự án, qua đó tạo cơ sở trả lãi và gốc trái phiếu. Đồng thời, cơ quan này ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN, ngưng thi hành một số điều tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN, qua đó tạm thời gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường khi cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà không cần chờ sau 1 năm.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN nhằm tạo hành lang pháp lý dài hạn hơn cho các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Về phía tổ chức phát hành, các doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, tình hình kinh doanh ổn định vẫn trả gốc và lãi đúng hạn, thậm chí mua lại trái phiếu trước hạn, đây là yếu tố quan trọng nhất cho việc ổn định tâm lý nhà đầu tư. Đối với những tổ chức gặp khó khăn về dòng tiền, Nghị định 08/2023/NĐ-CP mở ra hành lang pháp lý để đàm phán lại về các điều khoản, điều kiện trái phiếu, phổ biến nhất là kéo dài thời hạn trái phiếu.

Bà có nhận định về thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tập trung sắp khai trương tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)? TCBS có sự chuẩn bị như thế nào để phối hợp với các tổ chức phát hành đưa hàng hóa lên sàn?

Ảnh tác giả

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại HNX sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, bền vững hơn.

Bà Nguyễn Thị Hoạt, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS)

HNX đã triển khai xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đáp ứng yêu cầu của Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP, với kế hoạch vận hành trong tháng 7/2023. Tôi cho rằng, hệ thống này sẽ giúp tăng khả năng thanh khoản của trái phiếu phát hành riêng lẻ, đồng thời tăng tính minh bạch của trái phiếu và giảm “khoảng cách” từ tổ chức phát hành tới nhà đầu tư, qua đó giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

TCBS nhận định, đây là cơ hội để thị trường trái phiếu Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, bền vững hơn, để những doanh nghiệp công bố công khai, minh bạch thông tin, tình hình tài chính tốt tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả từ thị trường này.

TCBS đã gấp rút chuẩn bị nguồn lực để chuẩn bị sẵn sàng cho việc giao dịch tập trung trái phiếu, tích cực phối hợp với HNX, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Ngân hàng thanh toán trong việc kiểm thử hệ thống, đảm bảo đáp ứng đúng tiến độ đưa các trái phiếu lên giao dịch.

Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với các tổ chức phát hành chuẩn bị các hồ sơ cần thiết phục vụ cho việc đăng ký giao dịch tập trung; hỗ trợ soạn thảo mẫu biểu đăng ký, quy trình đăng ký và công bố thông tin.

Kể từ đầu tháng 7/2023, toàn bộ các khách hàng của TCBS có thể giao dịch online 100% một cách đơn giản và nhanh chóng.

Mảng tự doanh trái phiếu của TCBS có triển vọng ra sao khi hệ thống giao dịch trái phiếu tại HNX đi vào hoạt động?

Thời gian qua, lượng giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại TCBS trung bình trong 1 tháng là hơn 6.600 giao dịch, với tổng giá trị hơn 5.600 tỷ đồng.

TCBS luôn đặt yếu tố an toàn của nhà đầu tư trái phiếu lên hàng đầu nên Công ty đưa ra một quy trình chọn lọc kỹ càng và chỉ thực hiện tư vấn phát hành trái phiếu cho những tổ chức uy tín, minh bạch, có khả năng tài chính mạnh.

TCBS hy vọng, với định hướng phát triển thị trường trái phiếu ngày một minh bạch và bền vững, nhà đầu tư sẽ có thêm niềm tin vào thị trường, tạo cơ hội để Công ty tiếp cận những khách hàng mới, từ đó tăng cường được khả năng phân phối trái phiếu của mình.

Theo bà, “chợ” trái phiếu cần đảm bảo những yếu tố nào để hoạt động tốt, tạo ra một kênh cho nhà đầu tư giao dịch?

Yếu tố tiên quyết là tính minh bạch thông tin của thị trường. Nhà đầu tư cần được tiếp cận thông tin đầy đủ đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và tình hình tài chính của tổ chức phát hành. Việc này giúp nhà đầu tư có đủ dữ liệu trước khi quyết định đầu tư, từ đó giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Bà có nhận định gì về tiềm năng phát triển của kênh huy động vốn trái phiếu?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam những năm gần đây phát triển với tốc độ nhanh, từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế, theo xu hướng chung của thế giới. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường này, trong đó có việc ban hành Chiến lược tài chính đến năm 2030, với mục tiêu nâng quy mô dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 25% GDP vào năm 2030.

Tính đến cuối năm 2022, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 13% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường còn rất lớn.

TCBS có giải pháp gì để thích ứng với bối cảnh thị trường trái phiếu có những thay đổi lớn trong thời gian gần đây?

Giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đột ngột rơi vào tình trạng gần như đóng băng, một trong những nguyên nhân chính là do Nghị định 65/2022/NĐ-CP có những quy định mới theo hướng chặt chẽ khiến thị trường không kịp thích nghi, nhất là trong bối cảnh lãi suất tăng, tín dụng ngân hàng hạn chế, nhiều dự án đầu tư của tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản bị ách tắc về pháp lý. Thị trường trái phiếu phần nào được khơi thông sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP.

Để góp phần giúp thị trường trái phiếu phát triển bền vững trong tương lai, thứ nhất, chúng tôi tiếp tục chọn lọc và chỉ thực hiện tư vấn phát hành cho những tổ chức có uy tín, có khả năng tài chính mạnh.

Thứ hai, tháng 3 năm nay, TCBS đã ra mắt sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu đầu tư an toàn của khách hàng là sản phẩm trái phiếu iBond Protect được Ngân hàng Techcombank bảo lãnh thanh toán. Đồng thời, TCBS đang nghiên cứu kết hợp nhiều sản phẩm đa dạng hơn như trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm quyền chọn mua bất động sản/cổ phiếu.

Thứ ba, chúng tôi đang tích cực làm việc với cơ quan nhà nước để đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Thứ tư, TCBS luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tận dụng thế mạnh của đội ngũ chuyên gia phân tích để hỗ trợ khách hàng, bồi dưỡng thêm nhiều kiến thức đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng cộng đồng đầu tư tại Việt Nam. Khách hàng của TCBS luôn được gửi định kỳ các báo cáo phân tích, khuyến nghị đầu tư trên hệ thống TCInvest.

Tin bài liên quan