Điểm danh các trái chủ của Credit Suisse có nguy cơ mất trắng 17,3 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều trái chủ của Credit Suisse đang không vui vì thương vụ UBS tiếp quản Credit Suisse sẽ dẫn đến việc 17,3 tỷ USD của họ có nguy cơ bị mất trắng.
Điểm danh các trái chủ của Credit Suisse có nguy cơ mất trắng 17,3 tỷ USD

Thị trường trái phiếu AT1 toàn cầu trị giá 275 tỷ USD cũng có thể bị ảnh hưởng sau vụ UBS mua lại Credit Suisse.

Chứng khoán bổ sung hạng 1 (AT1) là loại trái phiếu đặc biệt được tạo ra sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 nhằm hạn chế việc dùng gói cứu trợ kinh tế để cứu các doanh nghiệp. Trái phiếu AT1 hoạt động như một chứng khoán lai giữa trái phiếu và cổ phiếu. Lúc ổn định, AT1 mang lại cho trái chủ khoản lợi nhuận lớn hơn trái phiếu thông thường.

Trước khi sáp nhập vào UBS, Credit Suisse đã phát hành 13 gói trái phiếu AT1 với tổng trị giá 17,3 tỷ USD, con số này tương đương hơn 20% tổng số nợ của họ. Tuy nhiên,nhiều trái chủ của Credit Suisse đang không vui bởi vì thương vụ UBS tiếp quản Credit Suisse sẽ dẫn đến việc 17,3 tỷ USD của họ có nguy cơ bị mất trắng. Thậm chí, một số trái chủ còn đang cân nhắc khởi kiện. Điều khiến các trái chủ Credit Suisse phẫn nộ không phải ở việc mất trắng khoản đầu tư, mà ở chỗ các cổ đông ngân hàng vẫn sẽ nhận 3,2 tỷ USD.

Việc này đi ngược thông lệ của trái phiếu AT1. Khi doanh nghiệp phát hành sụp đổ, thứ tự chịu thiệt hại phải là cổ đông, sau đó mới lần lượt đến trái chủ AT1 và trái chủ cấp cao. Chỉ khi nhóm trước đã mất trắng thì các nhóm sau mới được tính đến. Bản thân Credit Suisse cũng từng khẳng định thông lệ này với các nhà đầu tư. Chính từ đây, không khí lo sợ các trường hợp tương tự sẽ tái diễn lan rộng trong giới tài chính châu Âu. Khoản đầu tư lẽ ra an toàn của họ nay có thể mất giá trị.

Ông Louis-Vincent Gave - đồng sáng lập công ty nghiên cứu Gavekal nhận định: "Credit Suisse không phải người đầu tiên chết ngày hôm nay. Những điều khoản sáp nhập Credit Suisse rất có thể sẽ giết chết thị trường trái phiếu AT1".

Những trái chủ lớn là ai

Những khoản thua lỗ nặng nề này đang gây thêm những bất ổn cho thị trường vốn đã chịu nhiều rung lắc bởi cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng gần đây. Các nhà quản lý tài chính lớn như Pacific Investment Management Co. và Invesco Ltd. nằm trong số những trái chủ lớn nhất của Credit Suisse. Họ lần lượt sở hữu khoảng 807 triệu USD và 370 triệu USD. Tập đoàn quản lý tài sản BlackRock nắm giữ khoảng 113 triệu USD vào cuối tháng 2, nhưng sau đó đã giảm số trái phiếu nắm giữ trong những tuần gần đây. Một số quỹ khác do Lazard Freres Gestion và GAM Investments quản lý cũng bị ảnh hưởng.

Khu vực Trung Đông đã có mối quan hệ thân thiết với ngân hàng Credit Suisse. Vào năm 2013, Qatar đã chuyển hơn 4,5 tỷ USD nợ đặc biệt thành trái phiếu AT1. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ quốc gia vùng Vịnh này có còn sở hữu trái phiếu nào trong số đó hay không.

Theo báo cáo của Semafor, suốt nhiều năm liền, các giám đốc cấp cao của ngân hàng Credit Suisse đã được trả một phần lương bằng trái phiếu AT1 nhưng không có con số cụ thể. Ngoài những đối tượng kể trên, ai sở hữu số trái phiếu khổng lồ còn lại thì vẫn là một bí ẩn.

May mắn thay là các ngân hàng khác có lẽ sẽ không phải trái chủ của Credit Suisse, bởi họ sẽ bị phạt nặng nếu sở hữu các công cụ tài chính của ngân hàng khác. Ví dụ như tại Nhật Bản, việc đầu tư vào trái phiếu AT1 của ngân hàng khác sẽ có tỷ lệ rủi ro là 1.250%. Điều này có nghĩa là các ngân hàng phải có 1,25 đồng vốn chủ sở hữu cho mỗi đồng trái phiếu AT1 mà họ có trong danh mục đầu tư.

Các nhà đầu tư cá nhân cũng không có nhiều khả năng hữu loại trái phiếu này, bởi ở nhiều nơi, các nhà đầu tư không được phép mua trái phiếu AT1 vì tính phức tạp của chúng.

Điều này dẫn đến khả năng giới siêu giàu là người có thể nắm giữ trái phiếu AT1. Theo Financial Times, những người giàu có cũng như các công ty gia đình quy mô vừa và nhỏ ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore đã mua rất nhiều loại trái phiếu này. Ngân hàng JPMorgan Chase & Co. cũng đồng tình với quan điểm này. JPMorgan cho biết, họ không có dữ liệu về những trái chủ nắm giữ AT1, nhưng họ đoán sẽ là các nhà đầu tư tổ chức hoặc khách hàng của ngân hàng tư nhân.

Cũng như trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc phát hành, trái phiếu AT1 hấp dẫn ở chỗ chúng có lợi suất cao hơn so với tiền gửi thông thường. Một trái phiếu AT1 đặc biệt phổ biến của Credit Suisse được phát hành vào năm 2022 có mức lãi suất là 9,75%.

Suốt một thời gian dài, những người giàu có ở châu Á là “khách quý” tại bộ phận quản lý tài sản của Credit Suisse. Nhưng với sự cố vừa qua, những người giàu có này đang tự hỏi liệu tiền của họ có an toàn ở ngân hàng Thuỵ Sĩ hay không. Và giờ đây một số người có thể mất hàng tỷ USD.

Credit Suisse hiện đang ra sức kêu gọi nhân viên bình tĩnh. Tuy nhiên, khi công bố thỏa thuận mua Credit Suisse, CEO UBS Ralph Hamers cũng cho biết sẽ phải cắt giảm nhân sự, đặc biệt là mảng ngân hàng đầu tư. Một nguồn tin cho biết, con số này có thể gấp nhiều lần kế hoạch sa thải 9.000 lao động của Credit Suisse năm ngoái. Tổng cộng, hai ngân hàng có gần 125.000 nhân viên cuối năm ngoái. Khoảng 30% trong số đó là ở Thụy Sĩ.

Tin bài liên quan