Khu đất Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 được cho đã thuộc về Refico?. Ảnh: Lê Toàn

Khu đất Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 được cho đã thuộc về Refico?. Ảnh: Lê Toàn

Điểm danh đất vàng ở Thủ Đức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ai đang nắm giữ quỹ đất lớn tại Thủ Đức sẽ có khả năng “làm mưa, làm gió” thị trường bất động sản nội đô TP.HCM trong tương lai.

Điểm mặt chủ nhân

Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 từng là nỗi ám ảnh của người đi đường và nhất là cư dân dọc đường Song Hành Xa Lộ Hà Nội, đoạn từ ngã tư MK đến bờ sông Rạch Chiếc thuộc phường Trường Thọ, quận Thủ Đức vì khó bụi và nạn kẹt xe. Nhưng có vẻ như “phần thưởng cho những ngày gian khó” đã đến khi nhà máy xi măng được quyết định di dời và TP.HCM vừa chính thức công bố phường Trường Thọ là khu đô thị trung tâm của TP. Thủ Đức tương lai.

Giới đầu tư đang ráo riết săn đón, ngó nghiêng mảnh đất vàng vốn là nhà máy xi măng cũ và các khu kế cận, nhưng theo một nguồn tin giấu tên, dường như khu đất này đã có chủ khi Công ty Refico liên danh với các đối tác đã được chấp thuận cho nghiên cứu đề xuất dự án.

Ảnh tác giả

Với thị trường bất động sản, một khi có sự thay đổi lớn về chính sách phát triển một khu vực nào đó, chắc chắn giá sẽ tăng, còn tăng bao nhiêu, tăng như thế nào còn phải chờ lộ trình thành lập thành phố.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group

Có thể hiểu được sự nhiệt tình săn đón của các “tay to” khi khu đất này có diện tích 30 ha, dự kiến bao gồm khu đất cảng ICD Sotrans hơn 10ha của STG; khu đất nhà máy Công ty cổ phần Thép Thủ Đức VNSTEEL; khu đất 10,6 ha hiện là Trạm nghiền Thủ Đức chi nhánh Công ty cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 và khu đất 0,8 ha hiện là văn phòng và nhà xưởng của Công ty Vận tải Hà Tiên. Được biết, đến nay, liên danh Refico đã nhận được Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 khu đất thuộc phường Trường Thọ và liên danh này đang thuê tư vấn lập đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500.

Với quy mô lớn và địa thế đắc địa, đây sẽ là một “dự án vàng” của TP. Thủ Đức tương lai, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao khu đất có nguồn gốc đất công, theo quy định hiện hành phải qua thủ tục đấu giá này lại nhanh chóng lọt vào tay của liên doanh Refico?

Theo hồ sơ giới thiệu doanh nghiệp, Refico đã và đang đầu tư vào một loạt dự án ở TP.HCM và Hà Nội như The Nexus (phố Tôn Đức Thắng), Centre Point (Phú Nhuận), President Place (quận 1), River City (Thủ Đức), City Garden (quận Bình Thạnh), Water Mark (Hà Nội)… và đều là các lô đất có vị trí rất tốt.

Tập đoàn Him Lam cũng là cái tên được nhắc đến khi sở hữu tới 117 ha đất dọc theo mặt đường Đỗ Xuân Hợp, phường An Phú, quận 2 - khu vực quy hoạch TP. Thủ Đức. Theo khảo sát của giới phân tích thị trường, với vị trí đắc địa, so sánh với giá mặt bằng bất động sản của khu vực quận 2, khu đất vàng này có giá trị nhiều ngàn tỷ đồng. Được biết, Him Lam đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục triển khai dự án có tên gọi dự kiến là Khu đô thị Him Lam City.

Một doanh nghiệp khác đang sở hữu quỹ đất vàng lớn của TP. Thủ Đức tương lai là Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà TP.HCM với dự án Khu đô thị Laimian City ở quận 2, vốn được ví như một “thành phố thu nhỏ” bởi quy mô rộng tới 133 ha.

Tuy nhiên, nếu so sánh quỹ đất ở khu Đông chắc không ai qua được Novaland khi tại đại hội cổ đông thường niên 2020 mới đây, Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết, khu Đông chiếm đến 70% quỹ đất của doanh nghiệp này, các dự án nghỉ dưỡng của Novaland cũng đều nằm ở hướng Đông Thành phố. Riêng tại TP. Thủ Đức tương lai, Novaland sở hữu lô đất Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B gần cầu Phú Mỹ với quy mô hơn 178 ha chưa triển khai; dự án với tên gọi tạm thời là Vườn Dừa có diện tích lên đến 156 ha tại phường Long Trường.

Ngoài những doanh nghiệp có quỹ đất lớn kể trên, Hưng Thịnh, Khang Điền, Thủ Đức House, Đất Xanh, Nam Long… đều có mặt “chia phần” miếng bánh hấp dẫn tại TP. Thủ Đức tương lai.

Nước lên, thuyền lên

Đó là ý kiến của ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time khi nhận định về đà tăng giá bất động sản Thủ Đức. Thực ra, theo ông, giá bất động sản thời gian qua tăng trên toàn TP.HCM, chỉ là “biên độ tăng giá ở các quận của TP. Thủ Đức có phần nhanh hơn, điều này cũng hết sức bình thường với một khu vực được dồn lực phát triển”.

Ảnh tác giả

Việc xây dựng Thành phố phía Đông có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng và không chỉ với bất động sản, TP. Thủ Đức được thành lập với mục tiêu giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế của TP.HCM, tập trung vào kinh tế tri thức, công nghệ cao và tạo động lực cho toàn vùng Đông Nam Bộ.

Do vậy, khi TP. Thủ Đức được đầu tư xây dựng bài bản, có cơ chế chính sách phù hợp sẽ là tạo nên cơ hội lớn để thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh

Chẳng hạn, lâu nay, trục xa lộ Hà Nội luôn là nỗi ám ảnh về tình trạng kẹt xe từ các quận 9 và Thủ Đức vào trung tâm TP.HCM, trong đó “thủ phạm” chính được nhận diện là do lượng xe tải, xe container lưu thông vào cảng Trường Thọ, nhưng theo ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, việc di dời cảng Trường Thọ đã có chủ trương của UBND Thành phố. Thực ra, từ lâu chính quyền TP.HCM đã đề ra chiến lược phát triển khu Đông, đưa khu vực này trở thành điểm nhấn phát triển các dự án hạ tầng lớn như Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Vành đai 2, Mai Chí Thọ…

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ngoài hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, hiện có hàng loạt công trình giao thông trọng điểm khác đang lên kế hoạch thực hiện như cầu từ Thủ Đức nối với bán đảo Thanh Đa của quận Bình Thạnh, đường Vành đai 2, Vành đai 3 liên kết toàn vùng, hay cầu Cát Lái nối quận 2 và Nhơn Trạch (Đồng Nai), một cây cầu khác tại quận 9 nối với Đồng Nai cũng đã có trong kế hoạch.

“Điểm đáng chú ý nữa là Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM hiện có diện tích khoảng 643,7 ha, phần diện tích đất phường Linh Trung (quận Thủ Đức) là 120 ha, phần còn lại thuộc Dĩ An, Bình Dương, nhưng nếu quy hoạch thành khu đô thị sáng tạo phía Đông thì nó nằm trong cơ cấu của TP. Thủ Đức và là hạt nhân của khu vực này”, ông Châu chia sẻ thêm.

Trụ sở UBND quận Thủ Đức dự kiến thành trụ sở của UBND và HĐND TP. Thủ Đức

Công tác chuẩn bị cho việc lập TP. Thủ Đức được chính quyền TP.HCM đẩy mạnh với việc hoàn thành lấy ý kiến cử tri các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức về việc sáp nhập ba quận, lấy tên mới là TP. Thủ Đức với sự đồng tình cao. Ngày 12/10/2020, HĐND TP.HCM sẽ họp, có nghị quyết về nội dung trên.

Ngoài ra, Sở Nội vụ TP.HCM cũng vừa có tờ trình về phương án bố trí trụ sở làm việc. Theo đó, Sở Nội vụ đề xuất chọn trụ sở UBND quận 2 (số 168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) là nơi đặt trụ sở Thành ủy TP. Thủ Đức; trụ sở UBND quận 9 (số 2/304 Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, quận 9) sẽ là trụ sở cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể TP. Thủ Đức và trụ sở UBND quận Thủ Đức (số 43 Nguyễn Văn Bá, quận Thủ Đức) sẽ là trụ sở HĐND và UBND TP. Thủ Đức.

Các đại dự án đã thành hình tại TP. Thủ Đức tương lai

- Dự án Khu đô thị Vạn Phúc do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư có quy mô diện tích 198 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD.

- Khu đô thị Saigon Sports City Quận 2 của Keppel Land với quy mô 64 ha tại phường An Phú, quận 2

- Đại đô thị Sala Thủ Thiêm quận 2 của Công ty Đại Quang Minh, quy mô gần 100 ha

- Đại đô thị Vinhomes Grand Park của Tập đoàn Vingroup có tổng diện tích 271 ha tọa lạc tại phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ.

Tin bài liên quan