Các chuyên gia cho rằng, không nên lấy nguồn vốn từ quỹ đất bởi quỹ đất luôn luôn là hữu hạn, trong khi nguồn tài chính, ý tưởng sáng tạo bất tận luôn là cơ hội mới tạo ra liên tục (ảnh: Thiện Minh)

Các chuyên gia cho rằng, không nên lấy nguồn vốn từ quỹ đất bởi quỹ đất luôn luôn là hữu hạn, trong khi nguồn tài chính, ý tưởng sáng tạo bất tận luôn là cơ hội mới tạo ra liên tục (ảnh: Thiện Minh)

Vốn đâu để TP.HCM xây dựng Thành phố Thủ Đức?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chúng ta đã nói nhiều về những thuận lợi khi Thành phố Thủ Đức thành lập, nhưng vấn đề cần quan tâm hiện nay là TP.HCM lấy vốn ở đâu để thực hiện dự án này?

Đây là vấn đề được GS. Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đưa ra tại tọa đàm “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa Thành phố Thủ Đức – Thành phố sáng tạo: Thuận lợi, thách thức và lộ trình” diễn ra trong tuần qua.

Là chuyên gia về tài chính tiền tệ, GS. Trần Ngọc Thơ nhấn mạnh đến nguồn lực tài chính cho đầu tư xây dựng Thành phố Thủ Đức, đồng thời đặt ra 3 vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, dự án này phải tính đến hành vi thay đổi vĩnh viễn của con người, của các tập đoàn tài chính, các tập đoàn đa quốc gia sau đại dịch Covid-19. Bởi nếu không tính đến yếu tố này có thể dẫn đến những đầu tư và quyết định sai lầm.

Lấy ví dụ từ trung tâm tài chính quốc tế Dubai của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất đang đứng trước nguy cơ phá sản, GS. Trần Ngọc Thơ cho biết, trung tâm này được xây dựng trên nền tảng các cửa hàng siêu thị bán lẻ khổng lồ, các nhà hàng cao cấp, các khách sạn 5 - 6 sao đồ sộ... nhưng khách hàng ngày càng vắng.

"Thành phố Thủ Đức được thành lập với kỳ vọng là một thành phố ban ngày sống động, ban đêm nhộn nhịp. Nhưng liệu rằng vốn đầu tư bỏ ra sau này có thể trở thành thành phố chết hay không?", giáo sư Thơ bày tỏ băn khoăn.

Vấn đề thứ hai được giáo sư Trần Ngọc Thơ đưa ra là TP.HCM lấy nguồn vốn từ đâu để đầu tư?

Theo ông Thơ, hiện nhiều ý kiến đề cập đến quỹ đất, nhưng tư duy như vậy có đúng hay không? Quỹ đất luôn luôn là hữu hạn, trong khi nguồn tài chính, ý tưởng sáng tạo bất tận luôn là cơ hội mới tạo ra liên tục, nhất là sau đại dịch Covid-19. Do đó, giao sư Trần Ngọc Thơ cho rằng, cách tư duy của chúng ta phải ngược lại, không nên như truyền thống.

“Chúng ta nên từ chính sách tạo môi trường đẳng cấp quốc tế cao nhất, luật phải là luật tư pháp độc lập, đồng tiền của chúng ta phải là đồng tiền chuyển đổi được hay ít nhất phải có khu kinh tế đặc biệt, khu tài chính đặc biệt, cho phép đồng vốn nước ngoài chuyển ra chuyển vào một cách tự do”, giáo sư Thơ nói và nhấn mạnh thêm, những điều này sẽ tạo nguồn tài chính, không phải chỉ nghĩ đến quỹ đất. Tóm lại, chúng ta cần môi trường và thể chế pháp lý để hút đầu tư về.

Vấn đề thứ ba được giáo sư Trần Ngọc Thơ đưa ra là nguồn vốn chảy ra chảy vào cho các trung tâm này phải được tự do hóa, tự do chuyển đổi thế nào, đánh thuế thế nào, được quản lý, bảo mật ra sao.

“Hàng loạt vấn đề chẳng những liên quan đến tài chính ngân hàng, mà còn liên quan đến an ninh quốc gia. Điều đó cho thấy vấn đề rất đa chiều và phức tạp. Do đó, dự án Thành phố Thủ Đức này phải được đặt trong tổng thể cả chiến lược quốc gia”, giáo sư Thơ nói.

Nhiều ý kiến bày tỏ những lo ngại khi ngân sách để lại cho TP.HCM rất ít, chỉ còn 18% so với mức rất cao trước đây 33% (ảnh: Thiện Minh).
Nhiều ý kiến bày tỏ những lo ngại khi ngân sách để lại cho TP.HCM rất ít, chỉ còn 18% so với mức rất cao trước đây 33% (ảnh: Thiện Minh).

Trong khi đó, cùng góc nhìn về tài chính, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM lại bày tỏ những lo ngại khi ngân sách để lại cho TP.HCM rất ít, chỉ còn 18% so với mức rất cao trước đây 33%.

“TP.HCM đã liên tục có những đề xuất Trung ương giảm mức độ điều tiết, tăng phần ngân sách để lại cho Thành phố. Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại cũng thấy rằng 1 - 2% ngân sách của TP.HCM bằng cả 1 tỉnh miền núi phía Bắc, nên cũng có cái khó của các cơ quan Trung ương”, ông Bảo nói.

Do đó, ông Bảo cho rằng, nếu cứ theo cách kiến nghị cũ xin tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại sẽ khó được giải quyết. Thay vào đó, có thể kiến nghị lớn hơn, có tính chất vĩ mô hơn, đề nghị thay đổi mô hình ngân sách của Việt Nam.

Chúng ta phải khai thác tối đa môi trường đầu tư, môi trường đất lành chim đậu, nơi mà dòng vốn quốc tế giao dịch nhộn nhịp, như vậy mới tạo được sự khác biệt cho TP.HCM so với các thành phố khác trên cả nước

Phó giám sư - tiến sỹ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

“Mô hình ngân sách của Việt Nam hiện nay là mô hình ngân sách tập trung, trong khi phần lớn quốc gia trên thế giới muốn phát triển hạ tầng, phát triển đô thị đã chuyển sang mô hình ngân sách phi tập trung”, ông Bảo nói và lý giải thêm, nên đề nghị cơ chế ngân sách không điều tiết theo tỷ lệ, mà khoán cho TP.HCM, sau khi hoàn thành nghĩa vụ ngân sách đó, TP.HCM được toàn quyền sử dụng khoản ngân sách còn lại để đầu tư cho Thành phố.

Cùng chung một băn khoăn, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đơn vị được Thành phố giao làm 3 việc lớn là lập chương trình phát triển đô thị thành phố phía Đông song hành chương trình phát triển đô thị TP.HCM đến năm 2025 tầm nhìn 2050; chuẩn bị nội dung đề án thành lập Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM; thực hiện đề án đề nghị công nhận khu vực phát triển đô thị tại 3 quận phía Đông thuộc TP.HCM đạt tiêu chí loại I.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là kinh phí thực hiện chương trình, kế hoạch quan trọng nhất là nguồn vốn thực hiện chương trình nằm ở đâu. Kế hoạch huy động vốn cụ thể từng giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030, các giải pháp nguồn vốn, chính sách, quản lý…

“Hiện Sở Xây dựng đang lập đề cương, nên cũng sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo lắng nghe ý kiến đóng góp cho nhiều vấn đề xung quanh, trong đó có tài chính”, ông Khiết thông tin.

Tin bài liên quan