Lao động ngành dệt may bị nợ bảo hiểm xã hội nhiều nhất.

Lao động ngành dệt may bị nợ bảo hiểm xã hội nhiều nhất.

Điểm mặt "chúa chổm" nợ đọng bảo hiểm

Vinaxuki, Cenco 11, Vit Garment, Sông Đà 8...nợ hàng chục tỷ đồng bảo hiểm.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP.Hà Nội, tính đến hết 31/12/2012 trên toàn địa bàn TP.Hà Nội đã có 1.456 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) với tổng số tiền nợ là 1040 tỷ đồng, và tính đến hết tháng 2/2013 thì đã có đến 2.079 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền nợ là hơn 1.500 tỷ đồng, làm ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của người lao động.

           

Một số "chúa chổm" bị đơn bị Bảo hiểm xã hội điểm danh có tên của Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki.

 

Doanh nghiệp này đã nợ đọng BHXH lên đến hơn 5 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hơn 320 người lao động của công ty này.

 

Công ty Cổ phần cầu 11 (Cienco 11) nợ hơn 13 tỷ đồng, tương ứng với 32 tháng nợ; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment nợ hơn 11 tỷ đồng, tương ứng với 48 tháng nợ. Công ty cổ phần sông Đà 8 nợ 11 tỷ đồng tương ứng với 40 tháng nợ ...

 

Những con số này đã cho thấy, xu hướng nợ đọng bảo hiểm ngày càng gia tăng cả về số đơn vị sử dụng lao động và cả tổng số nợ đọng.

 

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam , bước sang năm 2013, với tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến khó khăn, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH cũng diễn biến phức tạp trên khắp cả nước. Tại tất cả các tỉnh, thành phố, danh sách doanh nghiệp “chúa chổm” về nợ bảo hiểm đã kéo dài dằng dặc.

 

Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, lũy kế đến hết tháng 2/2013, các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế lên tới gần 10.400 tỷ đồng.

 

Trong đó, nợ BHXH chiếm gần 7.800 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế hơn 2.600 tỷ đồng. Dù các địa phương đã quyết liệt áp dụng biện pháp mạnh tay là kiện các doanh nghiệp có số nợ lớn ra tòa, nhưng tỷ lệ nợ không những không giảm, mà vẫn tiếp tục tăng cao.