
Đây là chia sẻ của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn chiến lược vốn hóa doanh nghiệp proptech, trong khuôn khổ sự kiện Meey Group - Hành trình vượt biển lớn cùng ARC vừa mới tổ chức tại Hà Nội.
"Luồng gió mới” từ thể chế
Sau khi Bộ Chính trị ban hành “Bộ tứ trụ cột” gồm Nghị quyết 57, 59, 66, 68, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết để cụ thể hóa những yêu cầu về việc hoàn thiện thể chế, đặc biệt là xóa bỏ các rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lớn mạnh.
Với lĩnh vực công nghệ, Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng phát triển doanh nghiệp công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo là trụ cột để Việt Nam chuyển mình trong kỷ nguyên số.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2025, các bộ, ngành liên quan phải hoàn thiện việc sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật để hỗ trợ các startup (công ty khởi nghiệp) huy động vốn linh hoạt, dễ dàng hơn. Đồng thời, xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với nguồn lực tài chính dài hạn.
Nhiều tổ chức quốc tế như ADB, WB đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn trong lĩnh vực công nghệ số và chuyển đổi số, bao gồm lực lượng lao động trẻ, tay nghề cao và một thị trường nội địa rộng lớn. Tuy nhiên, những hạn chế về thể chế khiến cho số doanh nghiệp công nghệ vươn mình trở thành “kỳ lân” (mức định giá > 1 tỷ USD) tương đối ít. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới có 4 “kỳ lân” là VNG, VNLIFE, Sky Mavis và MoMo, còn lại đa phần mới chỉ được đánh giá ở mức độ tiềm năng. Vì vậy, những đột phá thể chế được kỳ vọng sẽ mang tới “luồng gió mới” cho các startup nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Theo ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Meey Group, một điểm chung của các startup “kỳ lân” là sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mà các doanh nghiệp này tạo ra thường mang tính đột phá, có khả năng làm thay đổi sâu sắc những lĩnh vực kinh doanh mà chúng hoạt động, cũng như có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều sản phẩm startup công nghệ đã chứng minh sự thay đổi và tác động đáng kể tới đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, để thành công không hề dễ dàng khi các startup phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, trong đó bao gồm việc tiếp cận thị trường, cạnh tranh gay gắt, thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Chính vì thế, một hệ sinh thái đủ tốt để các doanh nghiệp được thử nghiệm, sáng tạo, từ đó tạo nền móng đột phá là điều cần thiết.
Đơn cử như trong lĩnh vực bất động sản, tại Việt Nam, proptech (công nghệ bất động sản) được đánh giá có nhiều dư địa phát triển nhờ cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và thị trường bất động sản tiềm năng. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ mới, hình thành các mô hình giao dịch mới đòi hỏi phải có hệ thống khung pháp lý phù hợp với các mô hình, dịch vụ mới này.
Cho tới bây giờ, ông Chung nhìn nhận, rất nhiều proptech đã được triển khai, nhưng chỉ số ít có thể tồn tại và phát triển do còn những rào cản về pháp lý, vốn.
Gọi vốn quốc tế - cơ hội cho startup Việt vươn xa
Về vấn đề nguồn vốn, theo ông Chung, thị trường chứng khoán được xem là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, nhưng chưa thực sự hỗ trợ được các công ty khởi nghiệp do yêu cầu khắt khe về tài chính nếu muốn niêm yết.
Ngoài thị trường chứng khoán, có nhiều kênh để huy động vốn cho Startup như ICO (Initial Coin Offering) - hình thức huy động vốn thông qua phát hành tiền mã hóa (crypto token) lần đầu ra công chúng (tương tự như IPO nhưng diễn ra trên nền tảng blockchain), nhưng việc thiếu quy định khiến doanh nghiệp không thực hiện được. Theo ông Chung, việc Quốc hội vừa thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số và ban hành Nghị quyết về xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam đã cho phép xây dựng chính sách thử nghiệm (cơ chế sandbox) cho các mô hình kinh doanh Fintech (công nghệ tài chính), trong đó bao gồm cả nền tảng giao dịch tiền mã hóa và tài sản được mã hóa, câu chuyện của các doanh nghiệp Startup công nghệ mới được mở hơn.
Đồng quan điểm, theo đại diện ARC Group - công ty tư vấn tài chính, có trụ sở chính tại châu Á chuyên về IPO và SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt) - nhìn nhận, các công ty công nghệ của Việt Nam có tiềm năng trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng và giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, để duy trì, tạo ra lợi thế cạnh tranh, từ đó vươn tầm đòi hỏi câu chuyện về nguồn vốn rất lớn. Do đó, nếu thu hút được vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế sẽ giúp các công ty công nghệ Việt Nam nâng cao khả năng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, vươn tầm quốc tế.
Điều này đòi hỏi ngoài việc các doanh nghiệp phải quản lý tài chính và xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả thì cũng cần có những sự hỗ trợ về cơ chế chính sách. Thực tế, trong thời gian vừa qua, ghi nhận cho thấy, các nhà đầu tư quốc tế rất lạc quan với triển vọng của thị trường Đông Nam Á, vì đây là một trong những thị trường nóng nhất trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử - công nghệ.
Trong đó, Việt Nam đã nổi lên nhanh chóng không chỉ ở châu Á, mà còn trên thị trường toàn cầu khi nhiều nhà đầu tư đang chú ý đến các công ty chất lượng có chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, thành tích tăng trưởng và khả năng cạnh tranh cao. Đó là tín hiệu tích cực với Việt Nam khi đã có một chiến lược rõ ràng về thị trường trong và ngoài nước.
Do đó, việc một số công ty có nguồn gốc Việt Nam muốn tìm kiếm cơ hội huy động tại thị trường quốc tế được các nhà đầu tư coi là minh chứng cho đà tăng trưởng ổn định của Việt Nam.
Đánh giá cao những nỗ lực của Meey Group, tại “Hội thảo chuyên sâu về cơ hội niêm yết quốc tế cùng đại diện NASDAQ”, ông Hiren Krishnani, Giám đốc Quan hệ Nhà đầu tư và IPO, phụ trách hoạt động thị trường vốn khu vực ASEAN của NASDAQ cho rằng, những đổi mới sáng tạo được thúc đẩy bởi sự tập trung giải quyết các vấn đề hữu hình đang tạo tiền đề cho các startup định hình lại các ngành công nghiệp truyền thống và mở ra giá trị đáng kể cho các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để duy trì tính cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, các công ty địa phương phải biến công nghệ thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, để IPO thành công, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ kỹ lưỡng từ cấu trúc quản trị doanh nghiệp, đến tuân thủ PCAOB (Uỷ ban giám sát kế toán công ty đại chúng), cho đến việc tuân thủ SOX (Đạo luật Sarbanes-Oxley) để luôn trong tư thế sẵn sàng cho việc “lên sàn”.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực fintech nên gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài như Mỹ trước khi IPO, thay vì đợi sau khi niêm yết mới tìm hiểu phản hồi. Bởi nhà đầu tư Mỹ rất am hiểu thị trường và có tinh thần chấp nhận rủi ro cao, sẽ đưa ra những góp ý cụ thể để giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, tăng cơ hội IPO thành công. Còn đối với Meey Group, ông Hiren Krishnani cho biết sẽ “đồng hành cùng các bạn đi từng bước đến IPO và sau IPO”.
![]() |
Ngày 14/7, Meey Group đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với tổ chức tư vấn tài chính quốc tế ARC để khởi động lộ trình tìm kiếm IPO tại Mỹ, đánh dấu bước tiến mới trong tham vọng mở rộng thị trường vốn toàn cầu của doanh nghiệp dẫn đầu lĩnh vực proptech Việt Nam.
Thỏa thuận lần này cụ thể hóa cho những cam kết đã được thiết lập giữa hai bên tại Thượng Hải hồi tháng 3/2025. Theo đó, ARC Group sẽ chính thức trở thành đối tác tư vấn tài chính độc quyền của Meey Group, hỗ trợ công ty trong mọi giai đoạn của quá trình chuẩn bị IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) tại Mỹ bao gồm: định giá doanh nghiệp, tư vấn tài chính kế toán, phối hợp với bên thứ ba và soạn thảo các tài liệu quan trọng.