Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Các công ty chứng khoán đã có tuần nhận định khá thành công khi hầu hết các cổ phiếu đưa ra khuyến nghị đều tăng mạnh, trong đó có nhiều mã tăng 10%, đáng kể HDG tăng tới hơn 20%. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* PHS, MBS và VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu PNJ vào khoảng 79.500 đồng/cổ phiếu trong năm 2020, cao hơn +37% so với giá hiện tại, từ đó PHS đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Tương tự, MBS duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PNJ nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống còn 83.000 đồng trên cơ sở giảm dự phóng lợi nhuận 2020 đồng thời thay đổi P/E mục tiêu từ 15 lần xuống 13 lần.

VCSC cũng khuyến nghị mua dành cho CTCP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) dù giảm giá mục tiêu 33% chủ yếu do (1) điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế 28%/23%/20% lần lượt cho các năm 2020/2021/2022 và (2) mức chiết khấu định giá mới 30% nhằm phản ánh rủi ro bùng phát COVID-19 kéo dài, là rủi ro lớn đối với các nhà bán lẻ hàng hóa không thiết yếu. Chúng tôi sẽ đánh giá lại tỷ lệ chiết khấu này khi tình hình dịch COVID-19 cho thấy dấu hiệu khả quan hơn.

Tuần qua, PNJ đã công bố kết quả kinh doanh sơ lược quý I/2020 với doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 4%, đạt 411 tỷ đồng và đã hoàn thành 30% mục tiêu cả năm. Đây là một kết quả khá tích cực trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp, nguyên nhân được cho là bởi nhu cầu mua vàng miếng tích trữ tăng đột biến và cũng đã hỗ trợ giúp cổ phiếu PNJ tiếp tục duy trì đà tăng điểm trong tuần vừa qua.

Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ tăng 2.100 đồng (+3,65%) từ mức giá 57.600 đồng/CP lên 59.700 đồng/CP.

* BSC và PHS khuyến nghị mua cổ phiếu FPT

BSC tiếp tục khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu  60.700 đồng/CP (giảm 13.6% so với giá mục tiêu cũ) dựa trên phương pháp PE/FCFF với tỷ lệ 40/60 (PE fw =11) do (1) thay đổi dự phóng năm 2020 do ảnh hưởng của Covid - 19 (doanh thu và lợi nhuận trước thuế thấp hơn lần lượt 4.4% và 4.9%) (2) hạ mức P/E mục tiêu cho cổ phiếu FPT từ mức P/E = 13 xuống P/E = 11

Trong khi đó, bằng phương pháp tổng giá trị thành phần (SOTP), dựa trên phương pháp định giá DCF và P/E cho các mảng kinh doanh, PHS ước tinh thận trọng giá trị hợp lý của FPT là 52.300 VNĐ/cổ phiếu (+11.6%). Do đó, khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Vừa qua, FPT đã thông báo, ngày 14/5 sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức còn lại năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 15%. Những thông tin hỗ trợ này đã tiếp sức cho chuỗi ngày tăng mạnh trong tuần qua của cổ phiếu FPT. Cụ thể, với việc đón nhận cả 5 phiên tăng liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT tăng 4.800 đồng (+10,34%) từ mức giá 46.400 đồng/CP lên 51.200 đồng/CP.

* Theo BSC, có thể mở vị thế đối với cổ phiếu LPB tại ngưỡng giá 7

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ tín hiệu hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành. LPB nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại vùng kháng cự 9-10 trong các phiên giao dịch tới. Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng giá 7.0 và chốt lãi ngắn hạn quanh ngưỡng giá 9.0. Cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ 6.3.

Không nằm ngoài nhận định của BSC, cổ phiếu LPB đã có tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu LPB tăng 800 đồng (+12,31%) từ mức giá 6.500 đồng/CP lên 7.300 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu DRC với giá mục tiêu 23.200 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DRC của CTCP Cao su Đà Nẵng với giá mục tiêu 23.200 đồng/cổ phiếu trên cơ sở:  Nhu cầu sử dụng lốp radial ngày càng tăng trong tương lai, Biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ chi phí nguyên vật liệu đầu vào ở mức thấp, Nhà máy Radial giai đoạn 1 không còn trích khấu hao từ 2021, và (iv) cạnh tranh với Trung Quốc giảm trong ngắn hạn do tác động từ dịch Covid-19.

Sau công bố kết quả kinh doanh năm 2019 tăng trưởng mạnh, DRC đã thận trọng đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2020 trong bối cảnh thách thức hiện tại. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu DRC tuần qua vẫn duy trì đà khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 3 phiên tăng và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRC tăng 1.250 đồng (+7,23%) từ mức giá 17.300 đồng/CP lên 18.550 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu là 23.200 đồng/CP, giá hiện tại của DRC còn thấp hơn 20%.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 63,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 17,3%.

Bất chấp đại dịch đang tác động mạnh tới hầu hết các ngành nghề, CII là một trong số ít doanh nghiệp đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2020 tăng trưởng khá mạnh với tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 6.600 tỷ đồng và 1.608 tỷ đồng, tương ứng tăng 61% và 68% so với kết quả năm trước. Thông tin này đã hỗ trợ tốt cho cổ phiếu CII tăng tốc trong tuần qua. Cụ thể, chỉ với 1 phiên điều chỉnh nhẹ vào đầu tuần và 4 phiên tăng trong đó có 1 phiên tăng trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CII tăng 1.750 đồng (+9,51%) từ mức giá 18.400 đồng/CP lên 20.150 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho GAS với giá mục tiêu 69.600 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho GAS với giá mục tiêu 69.600 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 9,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,0%). Theo giá đóng cửa hôm nay, GAS hiện được giao dịch tại P/E dự phóng năm 2020 là 23,3 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Trong bối cảnh giá dầu giảm sâu cùng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mới đây, GAS đã công bố báo cáo thường niên năm 2019 và đưa ra kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 6.636 tỷ đồng, giảm tới hơn 45% so với năm trước. Thông tin này cũng phần nào khiến giá cổ phiếu GAS hạ nhiệt sau tuần tăng khá nóng trước đó. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GAS tăng 600 đồng (+0,89%) từ mức giá 67.100 đồng/CP lên 67.700 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho GEX với giá mục tiêu 22.600 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho GEX với giá mục tiêu 22.600 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 44,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 0%.

Cũng như những doanh nghiệp trước đây, thông tin đăng ký mua lại 29 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ đã tác động tích cực tới diễn biến cổ phiếu GEX tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GEX tăng 1.750 đồng (+11,74%) từ mức giá 14.900 đồng/CP lên 16.650 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho POW và NT2

VCSC có khuyến nghị mua cho POW với giá mục tiêu 16.900 đồng. tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 87,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,4%.

Tương tự, VCSC cũng khuyến nghị mua dành cho NT2 với giá mục tiêu 27.900 đồng (tổng mức sinh lời dự phóng 65,0%, bao gồm lợi suất cổ tức tiền mặt 12,6%).

Cũng thuộc cổ phiếu ngành điện, nhưng POW và NT2 không có thông tin hỗ trợ nên sức bật kém hơn GEX. Cụ thể,i việc đón nhận 1 phiên giảm, 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW tăng 510 đồng (+5,98%) từ mức giá 8.530 đồng/CP lên 9.040 đồng/CP.

Trong khi đó, NT2 đón nhận 2 phiên giảm, 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NT2 tăng 500 đồng (+2,72%) từ mức giá 18.400 đồng/CP lên 18.900 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho KDH với giá mục tiêu 31.500 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyển nghị mua dành cho KDH với giá mục tiêu 31.500 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 58%, bao gồm lợi suất cổ tức 2%.

Trong tuần qua, KDH cũng đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu dự kiến đạt 3.500 tỷ đồng, tăng trưởng 24,4% và lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm trước. Thông tin tích cực này tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu KDH. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KDH tăng 1.000 đồng (+5,03%) từ mức giá 19.900 đồng/CP lên 20.900 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị tích cực dành cho HDG với giá mục tiêu 32.000 đồng/CP

Do đó, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cho HDG với giá mục tiêu là 32.000 đồng/cp cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Rủi ro: dịch Covid 19 kéo dài làm cho hoạt động kinh tế bị đình trễ đến cuối năm dẫn đến sự suy thoái kéo dài trong nhiều năm.

Một trong những thông tin đáng chú ý đối với Tập đoàn Hà Đô là kế hoạch dự kiến chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 30% và năm 2019 sẽ trả cổ tức 40%. Dù còn xin ý kiến thông qua tại ĐHCĐ thường niên nhưng với kế hoạch tăng trưởng khá tốt trong năm 2020 cùng dự kiến chi trả cổ tức đã tiếp sức giúp cổ phiếu HDG tăng vọt. Thống kê với việc đón nhận 5 phiên tăng trong đó có 2 phiên tăng trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDG tăng 5.650 đồng (+28,25%) từ mức giá 20.000 đồng/CP lên 25.650 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho TLG với giá mục tiêu 61.100 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho TLG với giá mục tiêu 61.100 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 118%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,9%

Vừa qua, TLG cũng đã thông báo đăng ký mua lại 1,5 triệu cổ phiếu quỹ, đây có thể là thông tin hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu này. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm, 3 phiên tăng trong đó có 1 phiên tăng trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TLG tăng 1.550 đồng (+5,18%) từ mức giá 29.900 đồng/CP lên 31.450 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VRE

Chúng tôi sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF và P/E, P/B mục tiêu lần lượt là 21x và 2.6x, chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu VRE là 34,200 VNĐ/CP, khuyến nghị : mua đối với cổ phiếu VRE, mức tăng trưởng là 44% so với ngày 9/04/2020.

Diễn biến cổ phiếu VRE tuần qua khá khởi sắc khi đón nhận 3 phiên tăng trong đó có 1 phiên tăng trần, 1 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE tăng 2.700 đồng (+11,34%) từ mức giá 23.800 đồng/CP lên 26.500 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu TCM với giá mục tiêu 17.800 đồng/CP

BVSC dự báo lợi nhuận sau thuế 2020 của CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM – sàn HOSE) là 173 tỷ đồng (giảm 20%), tương đương EPS là 2.542 VND/CP.

Dựa trên kết quả trên, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM giá mục tiêu 1 năm điều chỉnh là 17.800 VND/CP với P/E dự phóng là 7x, tương đương mức P/B quý gần nhất là 0,73x, chủ yếu do kết quả kinh doanh ngắn hạn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 2 phiên tăng trong đó có 1 phiên tăng trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCM tăng 250 đồng (+1,67%) từ mức giá 15.000 đồng/CP lên 15.250 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 27.100 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 27.100 đồng trên cơ sở: HPG là công ty dẫn đầu thị trường thép tại Việt Nam, duy trì tăng trưởng bền vững về doanh thu và lợi nhuận, dự án Khu liên hợp thép Dung Quất sẽ nâng cao đáng kể năng lực sản xuất và doanh thu của công ty.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, hàng loạt thông tin tích cực từ những triển vọng trong năm 2020 được đưa ra tại báo cáo thường niên năm 2019 đã tiếp sức cho cổ phiếu HPG có tuần tăng cao. Thống kê với việc đón nhận 5 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG tăng 1.900 đồng (+10,11%) từ mức giá 18.800 đồng/CP lên 20.700 đồng/CP.

Tin bài liên quan