Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đã có tuần hồi phục mạnh. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* Theo AGR, giá mục tiêu của cổ phiếu KBC là 40.000 đồng/CP

CTCK Agribank (AGR)

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC – sàn HOSE) có quỹ đất khu công nghiệp sẵn sàng cho thuê lớn, khoảng hơn 1.300ha với các lợi thế về vị trí địa lý, uy tín sẽ đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn. Chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 40.000 đồng/CP.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động khu công nghiệp đã có những nhịp hồi tích cực, đặc biệt trong phiên 12/7, hàng loạt mã trong nhóm này đã đua nhau tăng kịch trần, trong đó KBC cũng không ngoại trừ. Tuy nhiên, sau khi chạm đỉnh của 3 tháng ở mức giá 35.x, cổ phiếu KBC đã chững lại và quay đầu điều chỉnh nhẹ do áp lực bán gia tăng. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, trong đó phiên 12/7 tăng trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KBC tăng 3.450 đồng (+10,75%) từ mức giá 32.100 đồng/CP lên 35.550 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu GVR tại ngưỡng 26.5

Đường MACD cắt đường tín hiệu đi lên, chỉ báo RSI tạo phân kỳ tăng, đồng thời đi từ vùng quá bán đi lên cắt qua 50, ủng hộ xu hướng hồi phục trở lại. Đường giá cổ phiếu nằm dưới MA(50) nhưng đã cắt qua đường MA(20) đi lên.

Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 23.2, chốt lãi tại ngưỡng 26.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 21.9.

Cũng thuộc nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, GVR đã có tuần hồi phục mạnh với thanh khoản tăng vọt đạt trên 1-2 triệu đơn vị/phiên. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, trong đó phiên 12/7 cũng tăng trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GVR tăng 1.950 đồng (+9,2%) từ mức giá 21.200 đồng/CP lên 23.150 đồng/CP.

* Theo AGR, giá mục tiêu của cổ phiếu TLG là 56.000 đồng/CP

Cập nhật kết quả kinh doanh tháng 4 và tháng 5, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 630 tỷ đồng (tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái) và 92 tỷ đồng (tăng 94%).

TLG có cơ cấu tài chính lành mạnh, trả cổ tức bằng tiền mặt đều hàng năm với suất cổ tức khoảng 5%. Do đó chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu TLG với giá mục tiêu 56.000 đồng/CP.

Với những thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh khả quan, đến kế hoạch chia cổ tức, cổ phiếu TLG đã có tuần giao dịch khởi sắc, đặc biệt là phiên cuối tuần ngày 15/7 tăng mạnh mẽ cả về giá và thanh khoản. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm nhẹ, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 12/7, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TLG tăng 4.000 đồng (+8,51%) từ mức giá 47.000 đồng/CP lên 51.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu DPM

BSC khuyến nghị theo dõi cho cổ phiếu DPM với giá mục tiêu 63.100 đồng/CP cho năm 2022, tương đương với upside 26% so với giá đóng cửa ngày 04/07/2022 dựa trên phương pháp P/E với tỉ lệ mục tiêu là 4.5x.

Mới đây, Đạm Phú Mỹ công bố ngày 21/7 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 2/2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%, nâng tổng mức chia cổ tức năm 2021 lên 50% bằng tiền, là mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Thông tin tích cực này đã giúp DPM có những phiên giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm nhẹ và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPM tăng 4.000 đồng (+8,62%) từ mức giá 46.400 đồng/CP lên 50.400 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu PHR

Với mức định giá là 62.200 đồng/CP (cao hơn 0,8% so với giá thị trường ngày 07/7/2022), BVSC tạm thời đưa ra khuyến nghị NEUTRAL với cổ phiếu PHR.

Vừa qua, Cao su Phước Hòa cho biết, không thanh lý vườn cao su nên công ty mẹ báo lãi quý II/2022 đạt 8,7 tỷ đồng, giảm tới hơn 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Thông tin không mấy khả quan này khiến cổ phiếu PHR chưa thể khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PHR tăng nhẹ 300 đồng (+0,47%) từ mức giá 63.700 đồng/CP lên 64.000 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan DBC với giá mục tiêu 29.900 đồng/CP

Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu DBC là 29.900 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 13,7%), và lặp lại khuyến nghị khả quan.

Sau 2 tuần tăng mạnh mẽ đầu tháng 7, cổ phiếu DBC đã giảm nhiệt, nhưng vẫn là mã tăng tốt của thị trường. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó phiên 11/7 tăng trần và chỉ 1 phiên giảm duy nhất ngày 4/7, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DBC tăng 2.300 đồng (+9,35%) từ mức giá 24.600 đồng/CP lên 26.900 đồng/CP. Tính trong nửa đầu tháng 7, giá cổ phiếu DBC đã tăng tới gần 40% từ mức giá đóng cửa phiên 30/6 tại 19.600 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị mua, SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu BVH

Cổ phiếu BVH hiện đang giao dịch với mức P/B là 1,8x lần. Mức định giá này thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước dịch (P/B trung bình 3 năm trước dịch của BVH là 2,5x lần), trong khi hiệu quả sinh lời của tập đoàn được kì vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong các năm tới.

Theo đó, AGR khuyến nghị mua cổ phiếu BVH với giá mục tiêu là 68.000 đồng/CP (upside 22%), dựa trên dự phóng BVPS fw và P/B fw lần lượt là 31.000 đồng và 2,2 lần. Nhà đầu tư thực hiện cắt lỗ khi giá đóng cửa dưới vùng 47.000 đồng/CP.

Trong khi đó, SSI điều chỉnh giá mục tiêu 1 năm xuống 72.400 đồng/cổ phiếu (từ 73.300 đồng/cổ phiếu), nhưng vẫn duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu BVH. Hiện tại chúng tôi chưa tính đến bất kỳ kế hoạch tăng vốn nào vào mô hình định giá.

Cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm – BVH đã có những phiên giao dịch khá tích cực trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá duy nhất ngày 11/7, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BVH tăng 1.900 đồng (+3,48%) từ mức giá 54.600 đồng/CP lên 56.500 đồng/CP.

Tin bài liên quan