Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tiếp tục diễn biến tích cực cả về điểm số và thanh khoản duy trì ở mức cao. Các cổ phiếu được các công ty chứng khoán trong tuần qua hầu hết đều có sự tăng trưởng, nhưng vượt trội đến từ nhóm bất động sản khu công nghiệp với SZC dẫn đầu với mức tăng hơn 13%.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho MWG, PNJ và FRT

BVSC nâng khuyến nghị đối với MWG lên Outperform từ Neutral, và nâng giá mục tiêu lên 59.302 đồng/cp (từ mức 40.850 đồng/cp trước đó).

Trong dài hạn, việc thống lĩnh thị phần mảng MCE giúp MWG củng cố năng lực thương thảo với nhà cung cấp và khách hàng. Đồng thời, sự dịch chuyển từ các khu chợ truyền thống sang các cửa hàng bách hóa hiện đại cũng sẽ hỗ trợ triển vọng mở rộng của BHX.

BVSC đưa ra khuyến nghị Outperform đối với FRT với giá mục tiêu 89.637 đồng/cp. Chúng tôi ưa thích FRT bởi những lợi thế tiên phong, định vị doanh nghiệp trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong mảng bán lẻ dược phẩm với khả năng sinh lời đã được chứng minh và triển vọng doanh thu tăng mạnh khi nhanh chóng mở thêm các cửa hàng.

Chúng tôi nâng khuyến nghị đối với PNJ lên Outperform từ mức Neutral trước đây và nâng giá mục tiêu lên 85.746 đồng/cp (từ mức 79.665 đồng/cp trước đây). PNJ ở vị thế cạnh tranh, dẫn đầu thị trường trang sức có thương hiệu ở Việt Nam và hưởng lợi trực tiếp từ việc gia tăng tầng lớp trung lưu và giàu có.

Trong tuần, qua bộ ba cổ phiếu bán lẻ MWG, FRT và PNJ đều tăng giá, nhưng mức độ phân hóa cao, với MWG dẫn đầu.

Cụ thể, cổ phiếu FPT tăng 3,5% từ 73.800 đồng lên 81.000 đồng. Mới đây, FPT đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 với doanh thu 24.166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.339 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,9% và 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 3.003 tỷ đồng, tăng trưởng 20,6%.

Cổ phiếu MWG giao dịch lình xình trong bốn phiên đầu tiên và bất ngờ tăng vọt và chạm giá trần trong phiên cuối tuần lên 52.500 đồng, khớp lệnh đạt hơn 11,5 triệu đơn vị, giá cổ phiếu tổng cộng tăng 6,2%.

Còn cổ phiếu PNJ trong tuần qua ít biến động trong các phiên, giá cổ phiếu tăng nhẹ từ 78.500 đồng lên 80.000 đồng, tương đương +1,9%, thanh khoản duy trì trên dưới 1 triệu đơn vị khớp lệnh mỗi phiên.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HSG và NKG

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với nhóm tôn mạ, và ước tính giá trị hợp lý năm 2024 của: HSG là 20.000 đồng/CỔ PHIẾU (Upside +13% so với giá đóng cửa ngày 14/7/2023), và NKG là 24.700 đồng/CP (Upside +28% so với giá đóng cửa ngày 14/7/2023),

Chúng tôi đưa ra mức Upside cao hơn đối với NKG do (i) mức định giá rẻ hơn (P/B FWD 2024 NKG = 0.8x, P/B FWD HSG = 1x), (ii) NKG sẽ được hưởng lợi lớn hơn từ hoạt động xuất khẩu thép phục hồi, và chiến lược quản trị hàng tồn kho táo bạo hơn trong chu kỳ giá thép tăng trở lại.

Trong tuần qua, hai cổ phiếu ngành thép đều tăng giá và duy trì sức hút lớn khi luôn nằm trong số những cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn.

Theo đó, cổ phiếu HSG tăng từ 17.750 đồng lên 18.200 đồng, tương đương +2,5%. Còn cổ phiếu NKG nhích 1,8% từ 19.350 đồng lên 19.700 đồng.

* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STB

Chúng tôi ước tính NIM của STB năm 2023 đạt 3,55%, tăng 16 bps so với cuối năm 2022 nhờ không còn xử lý lãi dự thu góp phần cải thiện NIM nhiều hơn áp lực từ việc giảm lãi suất cho vay.

Chúng tôi ước tính chi phí trích lập dự phòng năm 2023 của STB đạt 8.594 tỷ đồng (giảm 3,2% so với năm trước) do (1) 6.876 tỷ đồng trích lập dự phòng của trái phiếu VAMC; (2) Gia tăng trích lập cho nợ tái cơ cấu để phòng ngừa rủi ro.

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu STB là 38.000 đồng/CP. Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Cổ phiếu STB sau phiên cuối tuần trước khớp gần 75 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ cuối tháng 3/2021 đã tiếp tục có giao dịch với khối lượng cao trong tuần này, như phiên thứ Hai với hơn 41,7 triệu đơn vị, các phiên còn lại khớp 23 đến gần 30 triệu đơn vị và phiên thứ Tư thấp hơn đôi chút khi có gần 12 triệu đơn vị.

Tuy vậy, giá cổ phiếu STB lại giảm nhẹ từ 29.000 đồng xuống 28.750 đồng khi kết thúc tuần này.

Trong tuần, STB đã có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.755 tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ, đạt 50,1% kế hoạch.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCG

Sở hữu lợi thế cạnh tranh lớn trong đấu thầu dự án và là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về hiệu quả kinh tế trên từng gói thầu giao thông nhờ: (1) Tự chủ một phần nguồn VLXD, kết cấu xây dựng công trình; (2) Dòng tiền dồi dào từ các hoạt động khai thác hạ tầng điện, nước sạch và cho thuê giúp bù đắp đặc điểm thâm hụt dòng tiền tại các gói thầu xây lắp; (3) Mô hình phát triển chuỗi giá trị đầy đủ trên một tuyến hạ tầng giao thông (Cung cấp VLXD – Xây lắp – Đầu tư hạ tầng – Bất động sản).

Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCG với giá mục tiêu 26.665 đồng/CP.

Cổ phiếu VCG tuần qua tiếp tục giao dịch tích cực, với 4/5 phiên đều tăng, dù mức tăng còn khiêm tốn và tính chung cả tuần chỉ tăng gần 2,9%.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu C4G

Dự án BOT Chợ Mới – Thái Nguyên đang được đề xuất mua lại từ nguồn vốn NSNN. Chúng tôi đánh giá đề xuất mua lại dự án hoặc áp dụng các cơ chế hỗ trợ C4G để đảm bảo phương án tài chính sẽ sớm được thông qua để đảm bảo điều kiện nâng cấp tuyến đường lên 4 làn xe, thống nhất với các tuyến cao tốc Bắc Kạn – Lạng Sơn và Chợ Mới – Bắc Kạn, qua đó kỳ vọng giúp C4G thu về dòng tiền lớn và cải thiện sức khỏe tài chính.

Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu C4G với giá mục tiêu 17.138 đồng/CP.

Tuần qua, cổ phiếu C4G gần như ít thay đổi về giá trong các phiên và tổng cộng giảm nhẹ từ 14.600 đồng về 14.500 đồng. Dù vậy, thanh khoản vẫn rất sôi động khi khớp lệnh 2 đến hơn 3 triệu đơn vị mỗi phiên.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu SZC

Chúng tôi cho rằng sự sụt giảm nhanh giá cổ phiếu mở ra cơ hội tích lũy tốt hơn cho nhà đầu tư. Với định giá thận trọng theo 3 phương pháp, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với SZC trong trung và dài hạn với giá mục tiêu 39.566 đồng/CP, tương ứng upside 19,9% so với giá đóng cửa ngày 18/7/2023.

Tuần qua, cổ phiếu SZC đã có phiên thứ Tư bùng nổ khi tăng kịch trần, và cộng thêm bốn phiên tăng nhẹ còn lại đã đưa cổ phiếu này từ 32.250 đồng lên 36.550 đồng, tương đương +13,33%.

Có lẽ nguyên nhân đến từ SZC báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 tăng mạnh, với doanh thu đạt 288,1 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 119,4 tỷ và 96,5 tỷ đồng, tăng 61,4% và 57% so với cùng kỳ năm trước.

* MBS khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu KBC, NTC, SIP

Triển vọng đầu tư cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trong năm nay sẽ tập trung vào doanh nghiệp có: (1) Quỹ đất sạch đảm bảo cho thuê trong dài hạn, vị trí thuận lợi, được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; (2) Tình hình tài chính lành mạnh, vay nợ thấp. Trên cơ sở đó, chúng tôi khuyến nghị cổ phiếu như: KBC, NTC, SIP.

Trong tuần, cổ phiếu KBC có phiên cuối tuần tăng vọt gần 6% đã bù đắp cho các phiên lình xình trước đó, giá cổ phiếu tăng từ 31.000 đồng lên 32.550 đồng, tương đương +5%.

Đáng chú ý với KBC là việc ngày Ngày 19/7, UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Quang Châu (phần mở rộng), huyện Việt Yên (tỷ lệ 1/500).

Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 90,59ha. KCN Quang Châu (phần mở rộng) có tính chất là KCN tổng hợp đa ngành, KCN công nghệ cao, công nghiệp ít gây ô nhiễm và thân thiện môi trường.

Cổ phiếu NTC tuần qua tăng nhẹ từ 170.000 đồng lên 173.500 đồng, với những phiên tăng, giảm nhẹ đan xen. Thanh khoản vẫn khá thấp với chỉ vài nghìn đơn vị khớp lệnh/phiên.

Cổ phiếu SIP có trọn 5 phiên tăng điểm và trong 20 phiên gần nhất cũng chỉ có 4 phiên giảm nhẹ. Giá cổ phiếu SIP tuần này tăng từ 119.200 đồng lên 128.000 đồng, tương đương +7,4%. Thanh khoản duy trì trên dưới 50-60.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.

* SSI khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu GAS

Chúng tôi duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu GAS và nâng giá mục tiêu 12 tháng lên 106.000 đồng/cổ phiếu (từ 103.000 đồng/cổ phiếu), dựa trên EPS năm 2024 (từ EPS 2023) và P/E mục tiêu 1 năm không đổi là 16,5x.

Các rủi ro tăng/giảm chính đối với khuyến nghị của chúng tôi bao gồm: sản lượng tiêu thụ khí khô cao hơn/thấp hơn dự kiến; và giá nhiên liệu cao hơn/thấp hơn dự kiến.

Cổ phiếu GAS tuần qua ít thay đổi trong các phiên, giá cổ phiếu nhích nhẹ từ 99.000 đồng lên 99.400 đồng. Trong ngày cuối tuần, GAS có thông báo về việc trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 36%. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức vào 30/8/2023 và thanh toán bắt đầu từ ngày 02/11/2023.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DRC

CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC – sàn HOSE) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần duy trì vững chắc đạt 1.162 tỷ đồng (tăng 4% so với quý trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng (tăng 100% so với quý trước và giảm 39% so với cùng kỳ). Biên lợi nhuận gộp cải thiện.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, DRC ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.274 tỷ (giảm 6% so với cùng kỳ) và 76 tỷ (giảm 49% so với cùng kỳ), hoàn thành 45%/28% kế hoạch doanh thu thuần/lợi nhuận sau thuế năm 2023.

BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cho DRC, mức giá mục tiêu là 26.550 đồng/cp (tiềm năng tăng giá 15,4%).

Trong tuần, cổ phiếu DRC điều chỉnh nhẹ, với những phiên giảm không đáng kể và hai phiên tăng, giá cổ phiếu giảm từ 23.200 đồng xuống 22.900 đồng.

* VCSC: Nhu cầu nội thất phục hồi sẽ thúc đẩy xuất khẩu của PTB

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2023 hoàn thành 43% và 39% dự báo cả năm tương ứng của chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy không có thay đổi đáng kể nào đối với dự báo của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

PTB dự kiến doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý III/2023 sẽ giảm lần lượt 13% và 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mục tiêu tuyệt đối gần với mục tiêu của quý 2/2023 mà công ty đã vượt qua.

Theo quan điểm của chúng tôi, PTB đã đặt ra các mục tiêu thận trọng. Vì doanh số nhà mới ở Mỹ đã phục hồi một phần, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu đồ nội thất sẽ dần phục hồi, từ đó sẽ thúc đẩy xuất khẩu của PTB.

Trong tuần qua, cổ phiếu PTB có ba phiên giảm từ đầu tuần, chững lại và đứng tham chiếu phiên sau đó và nhích nhẹ trong phiên cuối tuần và tổng cộng giảm từ 53.900 đồng xuống 52.500 đồng, tương đương -2,5%.

Tin bài liên quan