Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi thị trường có tuần giao dịch ấn tượng khi khai phá thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm cùng thanh khoản sôi động, thì hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị chỉ rung lắc và biến động nhẹ.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ANV

Dự phóng, nếu dự án điện mặt trời của Nam Việt được chính phủ phê duyệt vào năm 2025, doanh thu mảng điện mặt trời sẽ đạt 628 tỷ đồng (tăng khoảng 436% so với năm 2024), nhờ việc cải thiện được công suất lưới điện. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ANV với giá mục tiêu 39.782 đồng/CP.

Sau khi xác lập đỉnh mới trong năm nay cùng thông tin con Tổng giám đốc Công ty đăng ký bán gần 4,1 triệu cổ phiếu, cổ phiếu ANV đã có những phiên rung lắc và điều chỉnh nhẹ. Trong tuần cuối cùng của tháng 7, cổ phiếu ANV vẫn duy trì trạng thái rung lắc và tiếp tục nhích nhẹ để tìm lại vùng đỉnh vừa được thiết lập. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ANV tăng 650 đồng (+1,74%) từ mức giá 37.300 đồng/CP lên 37.950 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu QNS

Với kết quả nửa đầu năm đầy ấn tượng, chúng tôi cho rằng chúng tôi sẽ nâng ước tính cho năm 2023/2024 cho CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS – UPCoM).

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu QNS với giá mục tiêu là 58.000 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi sẽ cung cấp các ước tính cập nhật trong báo cáo đầy đủ sắp tới.

Trái với nhận định của SSI, cổ phiếu QNS đã trải qua tuần rung lắc và điều chỉnh nhẹ sau đợt tăng khá tốt vừa qua. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu QNS giảm 1.000 đồng (-1,87%) từ mức giá 53.500 đồng/CP xuống 52.500 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu TDM

Tại mức giá đóng cửa ngày 18/7/2023, TDM đang giao dịch với P/E 2023 và 2024 lần lượt là 15,5x và 13,7x. Chúng tôi duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu TDM, cùng với giá mục tiêu là 42.200 đồng/cổ phiếu – tương ứng với tiềm năng tăng giá là 5,5%.

Bên cạnh những thông tin khá tích cực như lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 gấp đôi cùng kỳ, HĐQT Công ty đã thông qua việc triển khai chào bán 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:1, giá bán 30.000 đồng/CP, nhưng diễn biến cổ phiếu TDM tuần qua rung lắc nhẹ và vẫn chưa thể chinh phục thành công mức giá 40.000 đồng/CP. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 2 phiên giảm và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, cổ phiếu TDM không có sự biến động và giữ nguyên mức giá 39.700 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PNJ

Trong khi lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2023 của PNJ chứng tỏ bền bỉ, giá cổ phiếu của PNJ đã giảm 9,3% so với đầu năm, kém hiệu quả hơn 22,9% so với VNIndex (tăng 13,6%). Ở mức giá hiện tại, PNJ giao dịch hấp dẫn với P/E là 12,7x (năm 2024), 11,0x (năm 2025) so với mức trung bình 5 năm là 18,0x. Duy trì khuyến nghị Outperform.

Tuần qua, PNJ đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 1.083 tỷ đồng, hoàn thành 55,9% mục tiêu cả năm, là kết quả khả quan trong bối cảnh thị trường “gió ngược”. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ tăng 2.600 đồng (+3,25%) từ mức giá 80.000 đồng/CP lên 82.600 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu IJC

Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu IJC cho mục tiêu đầu tư trung hạn. Triển vọng khả quan hơn vào năm 2024 và các thông tin chi tiết hơn về góp vốn vào Becamex Bình Phước sẽ là điểm nhấn cho IJC trong thời gian tới. Rủi ro: thị trường bất động sản phục hồi kéo dài hơn so với kỳ vọng.

Tuần qua thị trường đã chứng kiến sự trở lại khá ấn tượng của nhiều thành viên trong nhóm bất động sản, trong đó, IJC cũng là điểm sáng, bất chấp kết quả kinh doanh không mấy khả quan với doanh thu 6 tháng đạt 1.042,55 tỷ đồng, giảm 15,8%; lợi nhuận sau thuế đạt 249,58 tỷ đồng, giảm 31,3% so với cùng kỳ. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, trong đó phiên cuối tuần ngày 28/7 tăng kịch trần và 2 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu IJC tăng 1.200 đồng (+8,08%) từ mức giá 14.850 đồng/CP lên 16.050 đồng/CP.

* TPS khuyến nghị giá mục tiêu dành cho cổ phiếu PAN là 26.200 đồng/CP

Cổ phiếu PAN đang giao dịch ở mức P/E khoảng 13.31 lần và P/B khoảng 0.98 lần, thấp hơn lần lượt 1.5 độ lệch chuẩn và 1 lần độ lệch chuẩn so với mức bình quân lịch sử P/E 17.89 lần và P/B khoảng 1.35 lần. Chúng tôi kết hợp 2 phương pháp so sánh PE và PB để đưa ra giá mục tiêu của PAN là 26.200 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù không giữ phong độ trong suốt cả tuần nhưng thông tin nguồn cung gạo toàn cầu đối mặt với nguy cơ sụt giảm do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, đã khiến giá gạo tiếp tục tăng và nhóm cổ phiếu ngành gạo hưởng lợi. Trong đó, là một trong nhóm cổ phiếu gạo, PAN cũng có tuần giao dịch sôi động với các phiên khớp vài triệu đơn vị và có phiên giá tăng khá mạnh sát trần. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PAN tăng 950 đồng (+4,42%) từ mức giá 21.500 đồng/CP lên 22.450 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu STK

Chúng tôi lặp lại khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu. Do STK hoạt động ở phân khúc cao hơn chuỗi giá trị ngành, chúng tôi kỳ vọng kết quả doanh thu sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự phục hồi của ngành, tiếp sau đó là các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc khác.

Mặc dù diễn biến cổ phiếu vẫn rung lắc với những phiên tăng giảm xen kẽ nhưng STK vẫn duy trì đà tăng trong tuần cuối tháng 7. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STK tăng 600 đồng (+1,95%) từ mức giá 30.800 đồng/CP lên 31.400 đồng/CP..900 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DGC

Chúng tôi nâng dự phóng lợi nhuận sau thuế của DGC từ mức 3.687 tỷ đồng lên 3.890 tỷ đồng nhờ các yếu tố hỗ trợ sau: (1) Kỳ vọng giá P4 phục hồi trong nửa cuối năm 2023; và (2) Công ty kiểm soát tốt chi phí hoạt động. Ở mức giá hiện tại, ước tính mức P/E 2024 của DGC ~8,7x, cao hơn so với mức P/E ngành trung bình 5 năm là 8,4x. BVSC đưa ra khuyến nghị NEUTRAL cho DGC với giá mục tiêu là 77.400 đồng/cổ phiếu – với tiềm năng tăng trưởng 7,5%.

Bên cạnh kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi lợi nhuận quý II/2023 giảm hơn nửa so với cùng kỳ, tuần qua, Hóa chất Đức Giang cũng đã lên kế hoạch kinh doanh quý III/2023 tiếp tục mảng xám với kế hoạch lợi nhuận trong kỳ tiếp tục giảm gần 50% so với cùng kỳ, đã khiến cổ phiếu DGC thiếu động lực để bật cao. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGC giảm nhẹ 400 đồng (-0,55%) từ mức giá 73.000 đồng/CP xuống 72.600 đồng/CP.

* TPS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SKG

Chúng tôi kết hợp phương pháp DCF, P/E và P/B để đưa ra giá mục tiêu SKG là 24.500 đồng/CP, upside 30,3% so với giá đóng cửa 26/07/2023. Đồng thời khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Trái với nhận định của TPS, cổ phiếu SKG tiếp tục có thêm tuần giao dịch không mấy thành công, dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 khả quan với lợi nhuận tăng trưởng gần gấp đôi. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SKG giảm 300 đồng (-1,57%) từ mức giá 19.100 đồng/CP xuống 18.800 đồng/CP.

Tin bài liên quan