Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị chỉ biến động nhẹ, ngoại trừ BSR ấn tượng với mức tăng hơn 10% cùng giao dịch bùng nổ. 

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DGW

BVSC nâng giá mục tiêu (TP) theo Phương pháp DCF 5,5% lên 62.740 đồng/cp (Upside: 17,3%), chủ yếu kết hợp các hợp đồng mới tiềm năng mà DGW sẽ công bố trong thời gian tới (chưa bao gồm trong dự báo hiện tại), khiến BVSC nâng giả định tăng trưởng dài hạn từ 3,0% lên 3,5%. Duy trì khuyến nghị Outperform.

Sau tuần rung lắc và điều chỉnh cuối tháng 7, cổ phiếu DGW đã đảo chiều hồi phục cùng đà khởi sắc của thị trường chung. Một trong những thông tin tích cực mới công bố tuần qua của DGW là kết quả kinh doanh quý II/2023 với doanh thu tăng trưởng 16% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 5% so với quý trước đó, đồng thời Công ty kỳ vọng trong những quý tới có thể phục hồi mạnh mẽ hơn nữa nhờ mùa Tựu trường và mùa ra mắt sản phẩm mới của các thương hiệu.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGW tăng 2.500 đồng (+4,67%) từ mức giá 53.500 đồng/CP lên 56.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VHM với giá mục tiêu năm 2023 là79.900 đồng/CP(upside 36% so với giá đóng cửa ngày 28/07/2023), dựa trên phương pháp định giá RNAV.

Thời gian vừa qua thị trường đã chứng kiến những đợt sóng lớn từ nhóm cổ phiếu bất động sản nhưng niềm vui không trọn vẹn khi thiếu vắng những cái tên đầu ngành. Tuy nhiên, trong tuần qua, màn bứt phá ngoạn mục của cặp anh cả của ngành là VIC và VHM, đã tiếp sức giúp nhóm bất động sản bật cao và thị trường tiếp tục lập đỉnh mới trong năm nay. Trong đó, cổ phiếu VHM có chút yếu hơn VIC khi đón nhận 2 phiên tăng tốt và 3 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHM tăng 4.100 đồng (+6,96%) từ mức giá 58.900 đồng/CP lên 63.000 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu VNM

Chúng tôi sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF dựa trên các luận điểm chính: (1) Doanh thu nội địa và xuất khẩu tăng 3,9%/16,7% nhờ vào sự phục hồi của tiêu thụ nội địa và các hợp đồng xuất khẩu mới của VNM (2) Biên EBIT năm 23/24 cải thiện 16,7%/18,5% nhờ vào kỳ vọng chi phí nguyên vật liệu giảm 5%/tấn. Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu của VNM là 83.000 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận tăng trưởng trở lại và ngày 4/8 đã chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 24.5%, nhưng cổ phiếu VNM vừa trải qua tuần rung lắc và điều chỉnh nhẹ sau những phiên liên tiếp khởi sắc cuối tháng 7. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM giảm 2,55% xuống mức 73.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với CTCP FPT (FPT) và giữ quan điểm tích cực về triển vọng tăng trưởng dài hạn của các mảng kinh doanh chính của công ty: Công nghệ thông tin toàn cầu, Giáo dục và Dịch vụ Viễn thông.

Trái với nhận định của VCSC, cổ phiếu FPT đã rung lắc và mất điểm trong tuần qua, sau đợt tăng khá mạnh và xác lập mức giá cao nhất trong năm nay ở tuần cuối cùng của tháng 7. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 1.100 đồng (-1,3%) từ mức giá 84.400 đồng/CP xuống 83.300 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu MBB

BVSC khuyến nghị OUTPERFORM cổ phiếu MBB với mức giá mục tiêu là 22.700 đồng/CP (cao hơn 20,4 % so mức giá đóng cửa tại ngày 01/08/2023 là 18.850 đồng/cp).

Không được như kỳ vọng của BVSC, nhiều cổ phiếu ngân hàng nói chung và cả MBB nói riêng vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung” với thị trường trong tuần khởi sắc đầu tháng 8. Trong đó, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MBB tăng nhẹ 300 đồng (+1,6%) từ mức giá 18.700 đồng/CP lên 19.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu MWG, FRT và PNJ

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Outperform & định giá cho 3 công ty bán lẻ. Trong đó, chúng tôi ưa thích MWG vì đây là đại diện tốt nhất cho thị trường hàng tiêu dùng ngày càng phát triển của Việt Nam, với câu chuyện Bách hóa xanh hòa vốn và bán vốn trong thời gian tới.

Với FRT, lợi thế tiên phong của LC và những nỗ lực mở rộng mạng lưới cửa hàng hiệu quả trên toàn quốc củng cố triển vọng mạnh mẽ của LC trên thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam.

Và với PNJ, chúng tôi thích sự bền bỉ với những lợi thế cạnh tranh, cho phép hưởng lợi trực tiếp từ nhu cầu ngày càng tăng đối với trang sức có thương hiệu và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và giàu có tại Việt Nam.

Nhận định của BVSC thiếu chuẩn xác trong tuần đầu tháng 8 khi bộ 3 cổ phiếu MWG, FRT và PNJ đều mất điểm, dù giao dịch sôi động hơn hẳn với những phiên khớp một vài triệu đơn vị.

Trong đó, với thông tin không mấy khả quan khi lợi nhuận quý II/2023 là quý thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết, đồng thời giảm hơn nửa so với quý đầu năm, cổ phiếu MWG đã đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 1.500 đồng (-2,75%) từ mức giá 54.500 đồng/CP xuống 53.000 đồng/CP.

Cổ phiếu FRT có chút khởi sắc hơn nhưng không mấy đáng kể, trong bối cảnh Công ty bất ngờ báo lỗ trước thuế 200 tỷ đồng trong quý II/2023. Cụ thể, cũng đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FRT tăng nhẹ 700 đồng (+0,89%) từ mức giá 78.300 đồng/CP lên 79.000 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu PNJ đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ giảm 1.800 đồng (-2,18%) từ mức giá 82.600 đồng/CP xuống 80.800 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGC

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 85.000 đồng/CP (upside 19% so với giá đóng cửa ngày 02/08/2023), dựa trên phương pháp P/E với P/E mục tiêu 2023F = 8.7x. Chúng tôi cho rằng mức P/E này là phù hợp với DGC - công ty hóa chất lớn nhất Việt Nam và vẫn duy trì được tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Bất chấp kế hoạch quý III/2023 không mấy khả quan với lợi nhuận dự kiến giảm gần 50% so với cùng kỳ, cổ phiếu DGC đã củng cố lại đà tăng sau tuần điều chỉnh nhẹ trước đó và tiếp tục xác lập mức giá cao nhất kể từ đầu năm. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGC tăng 1.900 đồng (+2,62%) từ mức giá 72.600 đồng/CP lên 74.500 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất trong năm nay của cổ phiếu này (tính theo giá cổ phiếu đã điều chỉnh cho chia tách).

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DCM

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DCM và nâng giá mục tiêu từ 34.000 trong báo cáo trước lên 40.000 đồng/CP (upside 28% so với giá đóng cửa ngày 02/08/2023), dựa trên phương pháp EV/EBITDA với EV/EBITDA mục tiêu 2024F = 5.2x (tương đương mức trung vị 5Y, loại trừ năm đột biến 2022) và chuyển giá mục tiêu sang 2024F.

Cùng trong nhóm cổ phiếu phân bón và hóa chất, DCM có kết quả kinh doanh khá ảm đạm với lợi nhuận nửa đầu năm giảm tới 80% so với cùng kỳ, tuy nhiên diễn biến giá cổ phiếu lại ghi nhận tuần đầu tháng 8 khá ấn tượng cùng thanh khoản sôi động với chủ yếu các phiên khớp trên 5 triệu đơn vị. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DCM tăng 2.500 đồng (+8,2%) từ mức giá 30.500 đồng/CP lên 33.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BSR

Dựa trên phương pháp định giá P/E, BSC khuyến nghị mua cổ phiếu BSR với giá mục tiêu 24,100 VND/CP, tương ứng với mức upside 28% so với mức giá đóng cửa ngày 01/08/2023 là 19,400 VND. BSC đánh giá triển vọng kinh doanh của BSR sẽ trở nên tích cực hơn trong thời gian tới.

Không chỉ ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc về giá, cổ phiếu BSR cũng đã có những phiên bùng nổ với thanh khoản vượt xa mức 10 triệu đơn vị, thậm chí vượt 20 triệu đơn vị. Tổng cộng, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BSR tăng 1.900 đồng (+10,22%) từ mức giá 18.600 đồng/CP lên 20.500 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVT

BSC duy trì khuyến nghị mua đối với PVT, và nâng giá mục tiêu lên 27.400 đồng/CP (tương đương upside 19% so với giá đóng cửa ngày 02/08/2023 là 23,300 đồng/CP) dựa trên hai phương pháp định giá FCFF và P/E với tỷ trọng là 50% - 50%. Chúng tôi cho rằng PVT có tiềm năng tăng trưởng cao trong những năm tới nhờ vào (1) Giá cước vận tải được cải thiện do nguồn cung bị thắt chặt, và (2) tiềm năng mở rộng và trẻ hoá đội tàu PVT.

Không được như kỳ vọng của BSC, cổ phiếu PVT tuần qua vẫn tiếp diễn trạng thái rung lắc nhẹ với những phiên tăng giảm xen kẽ. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT tăng 150 đồng (+0,64%) từ mức giá 23.500 đồng/CP lên 23.650 đồng/CP.

Tin bài liên quan