Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty chứng khoán không mấy thành công bởi những cổ phiếu được khuyến nghị hầu hết đều giao dịch giằng co nhẹ. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu VIB

Chúng tôi điều chỉnh tăng 8,3% giá mục tiêu cho VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế lên 26.000 đồng/CP nhưng hạ khuyến nghị từ mua xuống phù hợp thị trường do giá cổ phiếu VIB đã tăng gần 25% trong 6 tháng qua.

Sau tuần liên tiếp điều chỉnh giảm, cổ phiếu VIB đã khởi sắc trở lại cùng diễn biến chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng và thông tin Ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức còn lại năm 2023 với tỷ lệ 6,5% bằng tiền mặt vào ngày 19/4 tới đây, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 17/5. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 1 phiên giảm và 2 phiên đứng giá, tổng cộng giá cổ phiếu VIB tăng 900 đồng (+3,96%) từ mức 22.700 đồng/CP lên 23.600 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu HHV

Chúng tôi áp dụng P/E mục tiêu là 16x, và đưa ra giá mục tiêu cho HHV của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả là 16.000 đồng/cổ phiếu. Với tiềm năng tăng giá 6,3%, chúng tôi duy trì khuyến nghị trung lập cho HHV.

Cổ phiếu HHV tiếp tục có thêm tuần giao dịch lình xình với những phiên tăng giảm trong biên độ hẹp chưa tới 1%, với thông tin đáng chú ý từ doanh nghiệp là kế hoạch kinh doanh năm 2024 dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên ngày 26/4 tới, gồm chỉ tiêu doanh thu hơn 3.146 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 404,1 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 17% và 11% so với kết quả năm ngoái. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu HHV giảm nhẹ 50 đồng (-0,33%) từ mức 15.150 đồng/CP xuống 15.100 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DGC

Ở mức giá hiện tại, ước tính mức P/E giai đoạn 2024-2025 của DGC khoảng 9,9x, thấp hơn so với mức P/E ngành trung bình 3 năm là 11x. BVSC đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM cho cổ phiếu DGC trong vòng 12 tháng tới với giá mục tiêu là 135.000 đồng/cổ phiếu – tiềm năng tăng trưởng 15,4%.

Sau phiên giảm khá mạnh ngày đầu tuần, nối tiếp đà giảm sâu của tuần trước, cổ phiếu DGC đã hồi phục và cân bằng hơn trong những phiên còn lại của tuần qua. Tính chung, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần giá cổ phiếu DGC giảm nhẹ 500 đồng (-0,42%) từ mức 119.700 đồng/CP xuống 119.200 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu QTP

Chúng tôi công bố báo cáo lần đầu cho QTP với khuyến nghị khả quan và giá mục tiêu là 16.300 đồng/cổ phiếu. Khuyến nghị của chúng tôi dựa trên: (1) QTP là nhà máy nhiệt điện than mới với tuabin chất lượng cao của Trung Quốc, chi phí đầu tư hấp dẫn và năng lực vận hành ổn định và ; (2) vị trí chiến lược đáp ứng nhu cầu điện cao tại miền Bắc và (3) dự kiến giảm nợ và chi phí khấu hao, tạo điều kiện chi trả cổ tức cao hơn.

Không được như kỳ vọng của VCSC, cổ phiếu điện QTP tuần qua tiếp diễn trạng thái giao dịch lình xình trong biên độ hẹp. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu QTP tăng nhẹ 100 đồng (+0,64%) từ mức 15.600 đồng/CP lên 15.700 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu BVH

Chúng tôi điều chỉnh giảm 1,4% giá mục tiêu xuống còn 42.600 đồng/cổ phiếu và hạ khuyến nghị từ khả quan xuống phù hợp thị trường cho BVH. Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu chủ yếu do số dư vốn chủ sở hữu thấp hơn dự kiến vào cuối năm 2023, dẫn đến giá trị sổ sách/cổ phiếu (BVPS) cho năm 2024 thấp hơn so với dự báo trước đó của chúng tôi, mặc dù dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2024 của chúng tôi gần như không đổi.

Cổ phiếu BVH đã dần tìm lại điểm cân bằng và hồi phục nhẹ trong phiên cuối tuần, sau hơn 2 tuần liên tiếp điều chỉnh giảm kể từ cuối tháng 3 đến nay. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng, 2 phiên giảm nhẹ và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu BVH tăng nhẹ 200 đồng (+0,48%) từ mức 41.700 đồng/CP lên 41.900 đồng/CP.

* VPBankS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KBC

Giá mục tiêu 41.700 đồng/CP, tương ứng với P/E và P/B năm 2024 lần lượt là 13.x và 1.5x – mức định giá mà chúng tôi cho rằng là phù hợp với KBC tới từ (1) thấp hơn so với mức trung bình 3 năm của KBC, (2) tiềm năng tăng trưởng kết quả kinh doanh ổn định và dài hạn.

Thông tin hủy phương án trả cổ tức 20% bằng tiền mặt dần “nguội” đi, bên cạnh diễn biến chung của thị trường, cổ phiếu KBC cũng đã có những nhịp hồi phục sau hơn 2 tuần liên tiếp giằng co và mất giá. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu KBC tăng nhẹ 400 đồng (+1,21%) từ mức 33.000 đồng/CP lên 33.400 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu SZC

Chúng tôi tăng 22% giá mục tiêu cho SZC lên 42.000 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường do giá cổ phiếu đã tăng 16% so với đầu năm. Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu đến từ (1) định giá cao hơn cho Khu công nghiệp (KCN) Châu Đức do doanh số cho thuê đất KCN giai đoạn 2024-26F dự kiến tăng so với dự báo trước đây của chúng tôi, trong bối cảnh doanh số cho thuê đất KCN năm 2023 cao hơn dự kiến, và ( 2) việc chúng tôi loại bỏ mức chiết khấu 10% khỏi RNAV ước tính của chúng tôi cho SZC.

Mới đây, SZC đã thông báo ngày 25/4 tới sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, điều này đã phần nào giúp cổ phiếu này tìm về điểm cân bằng trong bối cảnh thị trường chung cũng đón nhận những nhịp hồi phục sau tuần giảm khá mạnh trước đó. 2 Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu SZC tăng nhẹ 50 đồng (+0,12%) từ mức 41.150 đồng/CP lên 41.200 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu PHR

Dự phóng lợi nhuận ròng năm 2024-2025 so với báo cáo trước lần lượt giảm 10,3%/47,9% do chúng tôi điều chỉnh thời gian ghi nhận dòng tiền của dự án Tân Lập 1 và Tân Bình mở rộng từ 2024-2025 sang năm 2026-2027 do tiến độ pháp lý chậm hơn so với dự kiến. Mặc dù điều chỉnh giảm EPS, chúng tôi duy trì giá hợp lý cho cổ phiếu PHR là 60.900 đồng/CP theo phương pháp SOTP do (1) chuyển mô hình định giá sang năm 2024 và (2) điều chỉnh giảm tỷ lệ tính WACC từ 16,1% xuống 14,6% do giảm phần bù rủi ro từ 9,6% xuống 9,0%, đồng thời khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu này.

Cũng như nhiều mã khác, cổ phiếu PHR tuần qua cũng đã hãm đà rơi. Tính chung, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần giá cổ phiếu PHR giảm nhẹ 500 đồng (-0,83%) từ mức 60.500 đồng/CP xuống 60.000 đồng/CP.

* MASVN và AGR cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BSR

Theo MASVN, cổ phiếu BSR hiện đang trong xu hướng tăng ngắn hạn, nhà đầu tư có thể cân nhắc chiến lược giao dịch ngắn hạn khi mua vào vùng giá 19.700 – 20.000 đồng/CP và cân nhắc chốt lãi tại vùng 22.000 đồng/CP. Về dài hạn, chúng tôi kỳ vọng giá mục tiêu của BSR đạt mức 24.100 đồng/CP.

Bên cạnh đó, AGR cho rằng nhà đầu tư có thể canh mua quanh vùng giá hiện tại để giải ngân lấy vị thế, chốt lời khi cổ phiếu tiến tới vùng kháng cự 21.500 – 22.000 đồng/CP và cắt lỗ nếu giá xuống dưới 19.000 đồng/CP (Mất hỗ trợ bởi các đường MA và xu hướng ngắn hạn đổi thành Sideway Down).

Không được như kỳ vọng của các công ty chứng khoán, cổ phiếu BSR đã có tuần giao dịch không mấy “thuận lợi” cùng giao dịch kém sôi động sau tuần bùng nổ trước đó, khi mã này chịu thêm sức ép từ nhà đầu tư ngoại bởi trạng thái bán ròng khá mạnh duy trì liên tiếp qua các phiên giao dịch. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu BSR giảm 300 đồng (-1,5%) từ mức 19.900 đồng/CP xuống 19.600 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu GMD

Chúng tôi duy trì khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept với giá mục tiêu năm 2024 là 90.700 đồng/CP (upside 15,9% so với giá đóng cửa ngày 05/04/2024) – điều chỉnh tăng giá mục tiêu tăng 19% so với báo cáo trước đó.

Cổ phiếu GMD đã có tuần giao dịch khởi sắc trở lại và tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới khi kết phiên cuối tuần xác lập mức giá cao kỷ lục mới. Cụ thể, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày đầu tuần 8/4, tổng cộng tuần qua giá cổ phiếu GMD tăng 3.700 đồng (+4,74%) từ mức 78.000 đồng/CP lên 81.700 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSN

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 12% và duy trì khuyến nghị mua cho MSN. Chúng tôi nâng giá mục tiêu do 3 yếu tố, đó là điều chỉnh tăng định giá của MCH thêm 10% nhờ lợi nhuận và số dư tiền mặt tốt hơn dự kiến trong bối cảnh ngành tiêu dùng gặp nhiều thách thức trong năm 2023; tăng định giá của WCM thêm 18%; và điều chỉnh khoản nợ ròng tại cấp tổng công ty (Holdco) vào cuối năm 2023 trong định giá theo phương pháp tổng của từng phần (SoTP) của MSN giảm 10%.

Cổ phiếu MSN đã có tuần giao dịch giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu MSN không có sự biến động và kết tuần đứng nguyên ở mức giá 71.900 đồng/CP.

Tin bài liên quan