Diễn đàn kinh tế mùa Thu: Đừng đổ cho doanh nghiệp tội... chưa lớn!

Diễn đàn kinh tế mùa Thu: Đừng đổ cho doanh nghiệp tội... chưa lớn!

(ĐTCK) Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015 với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam: hội nhập và phát triển bền vững”, đang diễn ra trong ngày hôm nay (27/8) cho thấy, quá nhiều doanh nghiệp nhỏ là một trong những thách thức lớn đối với hội nhập kinh tế của Việt Nam.

“94% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ (có chưa đến 50 lao động), nên rất khó tận dụng được các cơ hội từ hội nhập. Tuy nhiên, vấn đề còn phức tạp hơn khi ngay cả các doanh nghiệp lớn (có trên 300 lao động) có hiệu suất kinh doanh còn thấp hơn so với các doanh nghiệp nhỏ…”, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB cảnh báo.

Hiện trạng trên, theo ông Sandeep Mahajan là không bình thường so với quy luật chung về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên thế giới.

Các doanh nghiệp lớn trên thế giới có nhiều nguồn lực để tận dụng tốt hơn các cơ hội kinh doanh, nên thường họ có hiệu suất kinh doanh cao hơn so với doanh nghiệp nhỏ.

Thế nhưng doanh nghiệp lớn ở Việt Nam lại đi ngược lại quy luật này.

Ngoài hạn chế về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, một điểm nghẽn đáng lo ngại nữa đối với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, theo WB là cải cách thể chế chưa mang lại những kết quả đột phá, nên chưa giúp ích nhiều cho cải thiện môi trường kinh doanh.

“Đến thời điểm này Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới ký kết nhiều FTA. Điều đáng quan ngại ở chỗ ký kết nhiều như vậy, nhưng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế lại chưa được cải thiện đáng kể…”, Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cảnh báo.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển quan ngại, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra nhanh, trong khi một kết quả nghiên cứu về nhận thức của doanh nghiệp về hình thành Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) diễn ra vào cuối năm nay cho thấy: có đến 76% doanh nghiệp không biết, 65% doanh nghiệp nói AEC không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ…

“Đổ tội” cho doanh nghiệp chưa tích cực, năng động tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trương ương là không thuyết phục lắm. Để hội nhập thành công thì mấu chốt là hệ thống cơ quan quản lý nhà nước phải tích cực, năng động tham gia hội nhập trước để dẫn dắt thị trường, doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng nếu không sớm khắc phục những hạn chế trên, thì Việt Nam vừa khó tận dụng tối đa các cơ hội, mà còn gặp nhiều khó khăn trong vượt qua các thách thức do quá trình hội nhập kinh tế mang lại.

Tin bài liên quan