Điều hành giá xăng dầu chưa phù hợp, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Cử tri, nhân dân phản ánh việc điều hành giá, kể cả quy định chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu chưa phù hợp, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Cử tri, nhân dân phản ánh việc điều hành giá, kể cả quy định chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu chưa phù hợp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh trong phiên họp sáng 10/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến tại phiên họp là dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

Ở báo cáo này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ nêu, cử tri phản ánh giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn còn ở mức cao.

Ông Thanh đề nghị cần bổ sung là hiện nay cử tri và nhân dân phản ánh điều hành giá cả, kể cả điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, quy định về chiết khấu cũng có gì đó chưa phù hợp. Vì thế, một số cửa hàng xăng dầu nói càng kinh doanh càng lỗ nên người ta đóng cửa, có chỗ chỉ bán cho dân tối đa 50.000 đồng thôi.

Việc này ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập hợp kiến nghị của cử tri chỉ có một dòng về xăng dầu, nhưng trên thực tế tình hình khan hiếm xăng dầu ở TP.HCM đang rất nóng. Tính đến tối 9/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết có 54/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu, chủ yếu ở các quận Tân Bình, quận 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh... Người dân phải xếp hàng, chen nhau đi đổ xăng giữa đêm ở thành phố này.

Cũng liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết nhiều doanh nghiệp đang phản ánh hai khó khăn là siết room tín dụng và lãi suất ngân hàng tăng cao. Có những khoản vay lãi suất đến 15% thì doanh nghiệp không trụ nổi.

Ông Cường cũng dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là thu ngân sách các tháng cuối năm đang giảm dần, mà doanh nghiệp là lực lượng đóng thuế chủ lực.

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phản ánh người dân “phàn nàn” về việc thu hồi sổ hộ khẩu giấy theo quy định khi người dân tiến hành thay đổi thông tin và cuối năm nay sổ hộ khẩu sẽ hết giá trị sử dụng nhưng việc cấp các xác nhận còn chưa thực sự thuận lợi cho người dân.

Ông Tùng đề nghị cơ quan chức năng hết sức quan tâm, có hướng dẫn; khẩn trương rà soát các quy định phù hợp, hướng dẫn sử dụng căn cước công dân gắn chíp để tạo thuận lợi nhất cho người dân, và cũng là bước chuẩn bị tích cực khi hết năm nay sổ hổ khẩu hết giá trị sử dụng thì không phát sinh vướng mắc, bất cập lớn.

Đáng lưu ý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề cập trường hợp một số địa phương xử phạt hành chính với phụ huynh không đưa con đi tiêm vaccine ngừa Covid-19.

“Cần đánh giá, xử phạt thế không đúng quy định của Chính phủ. Covid-19 chưa được đưa vào danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc sử dụng vaccine, nhất là với trẻ em từ 5-12 tuổi nên cần tuyên truyền, vận động việc tiêm vaccine ngừa Covid-19”, ông Tùng lưu ý.

Ông Tùng cũng nêu rõ, Nghị định 117 của Chính phủ về xử phạt hành chính có quy định hành vi cố tình cản trở, không sử dụng vaccine nhưng chỉ áp dụng với nhân viên y tế chứ không áp dụng cho người được tiêm vaccine, hay phụ huynh.

Đề nghị Chính phủ rà soát, chỉ đạo, tránh thực thi pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, gây bức xúc cho người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.

Theo thông lệ, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Quốc hội sẽ được trình bày ngay đầu phiên khai mạc mỗi kỳ họp của Quốc hội. Hiện tại một số đoàn đại biểu Quốc hội vẫn đang tiếp xúc cử tri nên báo cáo trìnhkỳ họp sẽ được cập nhật đầy đủ hơn.

Tin bài liên quan