Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại phiên họp (Ảnh: M.Minh)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại phiên họp (Ảnh: M.Minh)

Định giá đất phải "có van, có khoá" để tránh mất cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Minh Ngân khi bày tỏ quan điểm đồng tình với việc giữ lại phương pháp thặng dư trong định giá đất nhưng phải có cơ chế kiểm soát để khắc phục những hạn chế của phương pháp này.

Tại Phiên họp tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 4/8, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật mới nhất (phục vụ phiên họp hôm nay) được hoàn thiện ngày 1/8, là một bước tiến mới so với dự thảo được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 5 vào tháng 5 vừa qua.

Đến nay dự thảo còn 12 nhóm vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau, sẽ tiếp tục được đưa ra bàn luận để bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện, trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.

Đó là các vấn đề về giá đất, kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì mục đích quốc gia công cộng, điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Tại Phiên họp, vấn đề giá đất và các phương pháp xác định giá đất tiếp tục thu hút sự quan tâm của các đại biểu và được tranh luận sôi nổi.

Thông tin về những thay đổi liên quan đến giá đất, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, dự thảo luật được chỉnh sửa theo hướng quy định các căn cứ xác định, thông tin đầu vào, phương pháp xác định giá đất nhằm thể chế hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 18 về có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.

Ông Phan Đức Hiếu: Dự thảo lần này đã bổ sung phương pháp thặng dư trong định giá đất

Ông Phan Đức Hiếu: Dự thảo lần này đã bổ sung phương pháp thặng dư trong định giá đất

Đáng lưu ý, sau khi tiếp thu nhiều ý kiến về việc giữ lại phương pháp thặng dư trong định giá đất, bản dự thảo mới nhất thiết kế 2 phương án: Một là, bổ sung phương pháp thặng dư là một trong những phương pháp xác định giá đất (dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đã bỏ phương pháp này) nhưng có điều kiện ràng buộc là phải áp dụng kèm với một phương pháp định giá đất khác; Hai là, giữ quy định như tại dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tức là bỏ phương pháp thặng dư).

Các phương pháp khác được quy định tại dự thảo là phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, mỗi phương pháp được áp dụng để định giá đất trong một số trường hợp cụ thể.

Đại diện cho tiếng nói của địa phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Phùng Quốc Bình cho biết, 70% giá đất ở địa phương này được định giá từ phương pháp thặng dư, cùng với một phương pháp khác để có sự so sánh.

Bởi vậy, ông Bình đồng thuận với việc bổ sung thêm phương pháp thặng dư để định giá đất. Tuy nhiên, ông đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ thêm những trường hợp nào, ở đâu, điều kiện như thế nào thì sử dụng phương pháp định giá đất nào tốt hơn.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang Phùng Quốc Bình (Ảnh: M.M)

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang Phùng Quốc Bình (Ảnh: M.M)

"Chẳng hạn như ở những nơi có đủ dữ liệu hay những khu kinh tế có quy hoạch rõ ràng thì không nên áp dụng phương pháp thặng dư", ông Bình nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi cho rằng, tất cả các phương pháp định giá đất, quan trọng nhất là đầu vào để tính toán giá đất. Do đó, vẫn nên giữ phương pháp thặng dư trong định giá đất.

Tuy nhiên, ông Khôi đề nghị để Chính phủ quy định chi tiết đối với việc áp dụng phương pháp định giá đất, không nên đưa trực tiếp vào luật sẽ bị thành quy định cứng, rất khó thực hiện.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi (Ảnh: M.M)

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi (Ảnh: M.M)

Tham gia thảo luận về vấn đề định giá đất, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam băn khoăn, dự thảo Luật đưa ra nhiều phương pháp định giá đất nhưng mỗi phương pháp định giá cho ra giá khác nhau thì chọn giá nào, có phải chọn giá cao nhất không?

Bà Vân nêu thực tiễn một số trường hợp, cán bộ chọn phương pháp định giá đất phù hợp với doanh nghiệp nhưng sau đó thanh tra, công an vào hỏi tại sao chọn giá này thì rất khó giải thích.

"Chính vì vậy, trong một số trường hợp “phải đi năn nỉ doanh nghiệp” chọn phương án định giá cao nhất để cứu cán bộ. Trong khi cán bộ không làm gì tác động đến giá đất", Phó Chủ tịch Hội Nông dân chia sẻ.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Minh Ngân có phát biểu tiếp thu giải trình cuối phiên họp. Theo đó, ông Ngân cho hay, việc định giá đất hiện nay có 2 luồng ý kiến chính là có phương pháp thặng dư hoặc không có phương pháp này. Ngoài ra, có ý kiến nữa là không đưa phương pháp định giá đất vào Luật.

“Với phương pháp thặng dư định giá đất thì tôi đồng ý với Ủy ban Kinh tế là phải đưa vào như hôm trước Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo là đưa phương pháp này vào nhưng phải "có van, có khóa", Thứ trưởng Lê Minh Ngân nói.

Cụ thể, quá trình tổng kết Luật Đất đai đã cho thấy, phương pháp này có một số hạn chế như sai số nhiều, thất thu, gây mất cán bộ, dễ dẫn đến bắt tay người định giá... Dự thảo lần này cố gắng thiết kế theo hướng định giá đất "có van, có khoá" để tránh mất cán bộ và hạn hạn chế những bất cập thiếu sót đã chỉ ra.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đồng ý với Uỷ ban Kinh tế về việc giao trách nhiệm quyết định bảng giá đất cho các địa phương, với lý do nếu quy định chỉ tiêu đất ở vào quy hoạch quản lý ở cấp quốc gia thì sẽ gây ách tắc thêm cho thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, đơn vị chủ trì soạn thảo không đồng ý với đề xuất bỏ quy định về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện mặc dù "từ năm 2000 tới nay, nhiều cán bộ trong ngành, nhất là các giám đốc Sở TNMT lúc nào cũng đề xuất bỏ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện".

Ông Ngân phân tích, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chính là "cây gậy" để kiểm soát quyền lực, đã được phân cấp, phân quyền cho địa phương trong thu hồi đất. Không có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì ai muốn lấy chỗ nào thì lấy, dễ phát sinh sự tuỳ tiện trong quan chức, khiến người dân rất bị động.

Theo ông Ngân nói, nếu quy hoạch sử dụng đất cấp huyện luôn bị làm chậm thì phải đẩy nhanh tiến độ, thay đổi thủ tục chứ không nên vì thế mà đề nghị bỏ đi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều địa phương muốn bỏ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Tuy nhiên, theo ông Thanh, Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XIII đã yêu cầu phải quy định chặt chẽ, tuy nhiên, cũng phải giải quyết vướng mắc để kế hoạch sử dụng đất cấp huyện không trở thành rào cản cho sự phát triển.

Từ đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế gợi mở, có thể lựa chọn phương án không ban hành kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm như hiện nay mà 2 năm hoặc 5 năm một lần như nhiều địa phương đề xuất.

Ghi nhận các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

12 nhóm vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

1. Về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm.

3. Về điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa.

4. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

5. Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79); phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất (Chương VIII); giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

6. Về các quy định liên quan đến thu hồi đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh.

7. Về hoạt động lấn biển.

8. Về cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

9. Về giá đất.

10. Về các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần và trả tiền hằng năm.

11. Về đất sử dụng có thời hạn.

12. Về đất sử dụng cho khu kinh tế.

Tin bài liên quan