"Định giá thị trường vẫn hấp dẫn"

"Định giá thị trường vẫn hấp dẫn"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank.

Chỉ số VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.200 điểm và có phiên điều chỉnh cuối tuần qua khi chạm ngưỡng tâm lý 1.230 điểm. Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng của thị trường tới đây?

Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng trưởng mạnh, thậm chí nhiều thị trường vượt đỉnh lịch sử trong thời điểm cuối năm 2023, đầu năm 2024 nhờ lạm phát có xu hướng giảm rõ rệt và các ngân hàng trung ương lớn như Fed hay ECB dừng tăng lãi suất. Diễn biến này đã tạo niềm tin và sự hứng khởi cho thị trường về kỳ vọng chu kỳ tăng lãi suất đã đến hồi kết và mở ra khả năng hạ lãi suất trong năm 2024.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank

Trên cơ sở đó, chỉ số VN-Index có nhịp tăng điểm đồng pha với xu hướng chung của toàn cầu, với giao dịch sôi động trở lại khi vượt ngưỡng kháng cự tâm lý và kỹ thuật quan trọng 1.200 điểm ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Một điểm nhấn quan trọng mà nhà đầu tư đang kỳ vọng về kinh tế và thị trường chứng khoán trong năm 2024 là lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt, lãi suất trong xu hướng giảm, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, dòng tiền quay trở lại các thị trường tài sản tích cực hơn và câu chuyện nâng hạng sẽ tiếp tục nóng.

Theo ông, đã có đủ cơ sở để cho rằng chứng khoán vào thời tiền rẻ?

Thị trường cũng đã có sự phản ánh khá tích cực trước xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, với 4 lần hạ lãi suất điều hành, cùng chính sách đẩy mạnh đầu tư công. Tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy về cuối năm cũng là một yếu tố tích cực hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13,71%. Xét về giá trị, hệ thống ngân hàng đã cung ứng khoảng 1,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế trong năm 2023, đưa tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế lên khoảng 13,56 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.

Những chính sách điều hành của Chính phủ trong năm qua đã tháo gỡ khá nhiều khó khăn cho lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, cùng với chính sách giảm thuế, kích cầu tiêu dùng đã giúp kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng.

Giai đoạn hiện tại, khi rủi ro trên toàn cầu và trong nước đã giảm bớt, dòng tiền đầu tư đang trong quá trình tái phân bổ, tìm kiếm kênh đầu tư thanh khoản cao và tiềm năng hơn. Chứng khoán là một trong những kênh hiệu quả nhất được nhà đầu tư lựa chọn.

Còn về lãi suất, mặc dù lãi suất huy động trong nước đã hạ nhiệt rất nhanh trong những tháng cuối năm, nhưng lãi suất cho vay chưa hạ tương ứng. Do đó, giai đoạn này chưa thể nói chúng ta đang ở giai đoạn tiền rẻ, nhất là khi Fed vẫn duy trì nền lãi suất cao nhất trong chu kỳ 10 năm vừa qua và chưa xác định thời điểm cụ thể hạ lãi suất.

Kỳ vọng lợi nhuận phục hồi trong năm 2024 giúp cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư

Kỳ vọng lợi nhuận phục hồi trong năm 2024 giúp cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư

Mặt bằng giá cổ phiếu đã tăng mạnh sau nhịp phục hồi vừa qua, ông đánh giá như thế nào về định giá thị trường ở thời điểm hiện tại?

Năm 2024, tôi cho rằng, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn với mức định giá hợp lý và tăng trưởng kỳ vọng phục hồi tích cực của các ngành theo đà phục hồi của kinh tế. Theo dữ liệu từ Bloomberg, mức định giá hiện tại của chỉ số VN-Index đang ở mức 15,79 lần, sát mức trung vị 14 năm trở lại đây. Trong khi đó, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận phục hồi trong năm 2024 sẽ là điểm nhấn giúp P/E forward trở nên hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, cú huých cho thị trường chứng khoán có thể đến từ hai yếu tố lớn, là chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng và Việt Nam sẽ chuẩn bị các điều kiện gia nhập thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, một số vấn đề mà nhà đầu tư cần lưu ý là lộ trình hạ lãi suất của Fed. Xác suất hạ lãi suất vào tháng 3 và tháng 5 khó xảy ra hơn khi kỳ vọng hiện tại cho thấy khả năng hạ lãi suất sớm nhất có thể vào tháng 6, với tỷ lệ dự báo lên tới gần 78% (theo CMEgroup). Điều đó cũng làm giảm bớt mức độ hưng phấn và có thể điều chỉnh lại kỳ vọng của giới đầu tư, nhất là khi các chỉ số lớn như S&P500 đang ở mức đỉnh lịch sử và đạt mục tiêu nhiều ngân hàng đầu tư đã dự báo trong 3 tháng trước đó. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang tăng mạnh trở lại trong hai tháng đầu năm nay. Do vậy, trong trường hợp các chỉ số chứng khoán lớn điều chỉnh sau nhịp tăng nóng cũng là yếu tố cần quan sát trong ngắn hạn.

Thứ hai là Fed đã chính thức thông báo rằng Chương trình tài trợ có kỳ hạn cho các ngân hàng (BTFP - Bank Term Funding Program) sẽ ngừng thực hiện các khoản vay mới như dự kiến vào ngày 11/3/2024. Đây là chương trình được Fed tạo ra để cung cấp thanh khoản cho các tổ chức tiền gửi đang trong tình trạng “cạn thanh khoản” sau sự kiện sụp đổ của Silicon Valley Bank và hàng loạt ngân hàng mất khả năng thanh toán như First Republic Bank, Signature Bank, Silvergate Bank, Heartland Tri-State Bank. Chương trình cung cấp các khoản vay có thời hạn lên đến 1 năm cho các ngân hàng, với số dư tính đến thời điểm hiện tại là 165 tỷ USD. Nhờ chương trình này mà Fed có thể tiếp tục nâng lãi suất, kiềm chế lạm phát mà không ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng thương mại nhỏ với khoản lỗ ghi nhận từ trái phiếu, qua đó, góp phần giữ ổn định hệ thống tài chính. Tuy nhiên, khi kết thúc chương trình này có thể sẽ là bài kiểm tra sức khỏe của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ trong năm nay.

Quan điểm của ông về việc lựa chọn mã cổ phiếu để đầu tư trong năm 2024 ra sao?

Có lẽ 2024 là năm mà tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường sẽ tăng tốc trở lại khi rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã tạo đáy về lợi nhuận và đang dần phục hồi. Tín hiệu tích cực bắt đầu thấy rõ khi lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 toàn thị trường tăng trưởng 55,1% so với cùng kỳ sau 4 quý suy giảm liên tiếp, đồng thời tăng 23,8% so với quý trước đó. Nhìn theo ngành thì có tới 12/19 ngành ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong quý IV/2023, tập trung ở ngành ngân hàng, chứng khoán, thép, công nghệ thông tin, thực phẩm và đồ uống, xây dựng và vật liệu… Do đó, sự phục hồi tích cực về mặt lợi nhuận là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư định hình trong việc lựa chọn cổ phiếu.

Về ý tưởng đầu tư, cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ có nhiều cơ hội khi ngành ngân hàng đã lấy lại được đà tăng trưởng sau một năm đầy sóng gió. Lợi nhuận sau thuế bắt đầu hồi phục với NIM cải thiện và tín dụng tăng vượt kỳ vọng, chi phí vốn giảm theo xu hướng chung. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản cải thiện, nợ xấu trong xu hướng giảm từ mức đỉnh 5 năm, rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đang dịu đi là những tín hiệu kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho ngành khi sự hỗ trợ tích cực của chính sách trong năm 2024 vẫn sẽ là điểm nhấn. Một số cố phiếu trong ngành ngân hàng đáng chú ý là MBB, ACB, STB, VPB, TCB…

Ngành chứng khoán cũng là ngành đáng quan tâm trong năm 2024, động lực từ chính sự hồi phục của thị trường trái phiếu và sự tích cực của thị trường chứng khoán. Trong đó, hệ thống giao dịch mới KRX dự kiến sẽ được áp dụng trong năm nay và kỳ vọng nâng hạng sẽ là yếu tố thúc đẩy các cổ phiếu chứng khoán tăng trưởng về giá. Về mặt lợi nhuận, quý IV/2023, nhóm ngành dịch vụ tài chính (chứng khoán) ghi nhận mức tăng trưởng đột phá 58% so với cùng kỳ 2023. Các cổ phiếu đáng chú ý là SSI, MBS, VCI, VND…

Ngành bất động sản khu công nghiệp kỳ vọng lợi nhuận 2024 tiếp tục khả quan nhờ sự dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc và sự phục hồi của dòng vốn FDI từ các quốc gia truyền thống trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Với hệ thống giao thông, hạ tầng ngày càng được cải thiện rõ nét, giá cho thuê tăng, chi phí lao động cạnh tranh là những yếu tố tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, các cổ phiếu cần theo dõi có thể kể đến như KBC, IDC, VGC…

Đầu tư công cũng là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 2024 và một cách tương đối chắc chắn với nền tảng 2023, đầu tư công có thể tạo ra động lực cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng. Cùng với đó, thu hút FDI được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực từ năm 2023 có thể tác động tốt tới bất động sản công nghiệp.

Tin bài liên quan