Định vị quy chuẩn hàng hóa “made in Vietnam”

Định vị quy chuẩn hàng hóa “made in Vietnam”

(ĐTCK) Dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam đang được Bộ Công thương xin ý kiến người dân và doanh nghiệp, nếu được ban hành sẽ là cơ sở luật pháp chính thức định vị rõ nội hàm và thương hiệu hàng “made in Vietnam”. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ rõ hơn về vấn đề này. 

Với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, có phải cứ đạt hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% thì được coi là hàng hóa của Việt Nam, thưa ông?

Theo dự thảo Thông tư, một hàng hóa chỉ được xác định là hàng sản xuất tại Việt Nam khi đồng thời thỏa mãn cả hai điều kiện, bao gồm công đoạn cuối cùng không phải gia công đơn giản và hàm lượng giá trị gia tăng (VAC) nội địa tối thiểu
là 30%.

Với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy chỉ được coi là hàng Việt Nam khi khâu sản xuất, chế biến cuối cùng diễn ra tại Việt Nam và khâu đó phải làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, không phải là gia công, chế biến đơn giản như quy định tại Ðiều 10, dự thảo Thông tư.

Ðối với một mặt hàng cụ thể, nếu tiêu chí xác định hàng hóa của Việt Nam là hàm lượng giá trị gia tăng phải đạt 30% thì 30% là ngưỡng thấp nhất mà VAC của hàng hóa đó phải đạt được để được coi là hàng hóa của Việt Nam. Thông tư này cũng áp dụng cho cả việc ghi nhãn và tiếp thị sản phẩm trên thị trường Việt Nam lên mọi tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan tới hàng hóa, thí dụ như tờ rơi, tài liệu hướng dẫn sử dụng, clip quảng cáo... 

Các tài sản trí tuệ như ý tưởng, thiết kế, bằng phát minh, quyền sở hữu công nghiệp... có được tính đến khi xác định một mặt hàng nào đó là sản phẩm của Việt Nam?

Tài sản trí tuệ, nếu xác định được giá trị, có thể đưa vào "chi phí phân bổ trực tiếp" để tính toán hàm lượng giá trị gia tăng. Tương tự là chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, chế tạo mẫu...

Tại sao lại đặt ra ngưỡng VAC là 30%, mà không phải ngưỡng cao hơn, ví dụ như 60% của Thụy Sỹ hay 50% của Mỹ? Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, phải bổ sung thêm các tiêu chí như phải mang thương hiệu Việt Nam, phải do công ty có trên 50% vốn Việt Nam sản xuất ra... mới được coi là hàng hóa của Việt Nam?

Dự thảo thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định 31/2018/NÐ-CP của Chính phủ. Nhiều sản phẩm xuất khẩu của ta chỉ cần đáp ứng VAC 30% là được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ Việt Nam.

Định vị quy chuẩn hàng hóa “made in Vietnam”  ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh.

Ðặt ra các ngưỡng cao hơn 30% hoặc bổ sung thêm điều kiện không khó, chỉ cần thay số, nhưng nếu vậy sẽ xuất hiện tình huống oái oăm là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình.

Nhiều người thích viện dẫn Mỹ với Thụy Sỹ mà không biết rằng, trong đàm phán với Việt Nam, Mỹ, Nhật, Thụy Sỹ đều tha thiết đề nghị ta áp dụng quy tắc VAC 30% hay chuyển đổi mã số hàng hóa cho tuyệt đại đa số sản phẩm công nghiệp của họ. Không ai đề nghị 50% hay 60% cả, trừ đối với một vài mặt hàng cực kỳ nhạy cảm như dệt may, ô tô.

Ðặt trường hợp cụ thể, lốp xe là đầu ra của một nhà máy sản xuất lốp, nhưng lại là đầu vào của ngành sản xuất ô tô, xe máy. Vậy lốp xe có được coi là "nguyên liệu" theo định nghĩa ở Ðiều 3, Thông tư không?

Khoản 9, Ðiều 3 dự thảo Thông tư quy định nguyên liệu là bất kỳ vật liệu hay chất liệu nào được sử dụng hoặc tiêu tốn trong quá trình sản xuất ra hàng hóa. Vì vậy, nếu được sử dụng như đầu vào của sản xuất ô tô, xe máy, lốp xe sẽ được coi là nguyên liệu.

Vậy, trường hợp 50% chè Việt Nam phối trộn với 50% chè Sri Lanka thì sản phẩm tạo ra từ quá trình này có được coi là sản phẩm Việt Nam không?

Ðây là trường hợp sản phẩm tạo ra từ chè có sử dụng một phần nguyên liệu chè không có xuất xứ Việt Nam. Ðể trả lời câu hỏi này, cần có dữ liệu về trị giá xuất xưởng (EXW) của sản phẩm chè sau chế biến. Ngoài ra, cần làm rõ sản phẩm cuối cùng là kết quả của quá trình phối trộn đơn giản hay sử dụng phương thức khác, thí dụ như sản xuất túi chè nhúng từ nguyên liệu chè. Nguyên tắc là công đoạn sản xuất, chế biến tại Việt Nam phải vượt qua công đoạn gia công, chế biến đơn giản quy định tại Ðiều 10 dự thảo Thông tư.

Các sản phẩm từ trước tới nay vẫn được dán nhãn “Made in Viet Nam” hay sử dụng danh xưng "hàng Việt Nam" sẽ được ứng xử ra sao?

Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, việc thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa phải tuân thủ các quy định của Thông tư, không có ngoại lệ.

Khoản 2, Ðiều 4 dự thảo Thông tư quy định 5 cách thể hiện hàng hóa của Việt Nam. Có thể sử dụng các cách thể hiện khác không, như "Lắp ráp tại Việt Nam", "Gia công tại Việt Nam" hay "Thiết kế bởi Việt Nam"?

Không. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép lựa chọn một trong các cách quy định tại khoản 2, Ðiều 4 để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam. Họ có thể lựa chọn cụm từ phù hợp nhất với quy trình sản xuất, gia công, chế biến của họ. Theo kinh nghiệm chung trên thế giới thì các sản phẩm có xuất xứ thuần túy thường dùng cụm từ "Sản phẩm của ..." mà không dùng các cụm từ như "Chế tạo tại .. " hay "Sản xuất tại ..".

Tại sao không đề cập đến các khái niệm như "Lắp ráp tại Việt Nam", hay "Sản xuất bởi (công ty A)", hay "Thiết kế tại Việt Nam", hay "Thiết kế bởi (Công ty B)"? Một sản phẩm không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa Việt Nam sẽ ghi xuất xứ của nước nào nếu doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau?

Nếu doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau, sản phẩm cuối cùng lại không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa của Việt Nam thì doanh nghiệp sẽ thể hiện xuất xứ theo quy định của Nghị định 43/2017/NÐ-CP, tức là tự xác định và tự chịu trách nhiệm, miễn là đừng ghi xuất xứ Việt Nam. 

Doanh nghiệp lo ngại về việc tự xác định và ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" liệu có đảm bảo chính xác không? Bộ Công Thương có tính đến khả năng Nhà nước phải có cơ quan đứng ra đánh giá và cấp giấy công nhận để họ yên tâm?

Ban soạn thảo chưa bao giờ tính đến khả năng này bởi cơ chế "đánh giá - công nhận" sẽ thực sự là gánh nặng cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Thông tư này, nếu được ban hành, sẽ do doanh nghiệp tự giác thực hiện. Nhà nước chỉ sử dụng Thông tư để phân xử đúng - sai khi xuất hiện tình huống đòi hỏi phải có sự phân xử đúng - sai, thí dụ như vụ Khaisilk trước đây.

Tuy nhiên trường hợp phát hiện vi phạm, Tổng cục Quản lý thị trường và các cơ quan có thẩm quyền khác sẽ tùy theo mức độ vi phạm để đưa ra chế tài xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Tại sao cần phải áp dụng công thức tính hàm lượng giá trị gia tăng trong suốt một năm tài chính?

Hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam có thể thay đổi do biến động của giá nguyên vật liệu trên thị trường hay do tỷ giá hối đoái thay đổi. Những biến động này có thể chỉ xuất hiện ở một thời điểm nên để bảo đảm công bằng, công thức tính toán được xây dựng dựa trên dữ liệu của năm tài chính.

Thông tư có đặt ra thủ tục hành chính nào buộc doanh nghiệp phải tuân thủ hay không?

Dự thảo Thông tư không quy định bất kỳ một thủ tục hành chính mới nào mà doanh nghiệp phải tuân thủ. Thông tư cũng sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43/2017/NÐ-CP.

Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.

Với Thông tư này, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

Tin bài liên quan