Chi phí đầu tư một bến xe khách hàng không nhỏ (ảnh minh họa)

Chi phí đầu tư một bến xe khách hàng không nhỏ (ảnh minh họa)

DLG đầu tư bến xe khách 130 tỷ đồng rồi... để không!

(ĐTCK) Theo phản ánh của Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG), Bến xe khách phía Nam Đà Nẵng do tập đoàn này đầu tư đang gặp nhiều khó khăn do cơ chế, trách nhiệm của cơ quan chức năng và hầu như không có triển vọng thu hồi vốn sau khi đã đổ vào đây hàng trăm tỷ đồng.

Nguyên nhân, theo ông Phan Xuân Viên, Giám đốc CTCP Đức Long Đà Nẵng - đơn vị quản lý Bến xe khách phía Nam Đà Nẵng, do cơ quan quản lý không thực hiện phân tuyến theo đúng quy hoạch phát triển giao thông công chính TP. Đà Nẵng và vấn đề giải tỏa mặt bằng làm cổng vào của bến xe.

Cụ thể, năm 2005, TP. Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông công chính đến 2010, định hướng đến 2020. Theo đó, hệ thống bến xe khách liên tỉnh được quy hoạch thành 2 bến xe khách, gồm bến xe phía Bắc (đi các tỉnh phía Bắc) và bến xe phía Nam (đi các tỉnh phía Nam). Bến xe trung tâm Đà Nẵng hiện tại sẽ được đưa ra quận Liên Chiểu và chuyển thành bến xe phía Bắc, đồng thời thành lập thêm bến xe phía Nam.

Sau khi có quy hoạch, năm 2007, Tập đoàn Đức Long Gia Lai xin đầu tư bến xe khách phía Nam và được TP. Đà Nẵng chấp thuận. Đức Long Gia Lai đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư gần 130 tỷ đồng đúng theo quy hoạch và các giấy phép.

Sau 18 tháng thi công, công trình hoàn thành và được Sở GTVT TP. Đà Nẵng công nhận là bến xe theo quy chuẩn loại 1. Tuy nhiên, kể từ khi đưa vào hoạt động tháng 6/2012 đến nay, theo ông Viên, Bến xe đã gặp nhiều khó khăn thuộc về cơ chế và trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Hiện công tác đền bù giải tỏa cho các hộ dân ở phía trước bến xe (thuộc diện tích của dự án) vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, để tạo sự thông thoáng mặt tiền, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện giao thông ra vào bến. Do đó, chủ đầu tư đã phải thuê đất để làm cổng ra vào bến xe.

“Nhưng quan trọng nhất là TP. Đã Nẵng vẫn chưa phân định tuyến xe phía Bắc và phía Nam theo đúng quy hoạch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bến xe”, ông Viên nói.

Được biết, chủ đầu tư đã nhiều lần gửi văn bản kêu cứu và trực tiếp đăng ký tiếp xúc đối thoại với UBND Đà Nẵng. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn của Đức Long Gia Lai.

Cụ thể, tháng 6/2012, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản trả lời, yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện đúng các quyết định của Thành phố về thu hồi, giao đất để đầu tư xây dựng Bến xe, nhằm ổn định sản xuất - kinh doanh của đơn vị. Giao Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị vận tải hành khách tự lựa chọn bến xe nào thuận lợi, chất lượng phục vụ tốt để đăng ký hoạt động theo hướng cạnh tranh bình đẳng.

Dựa trên chỉ đạo “cạnh tranh bình đẳng”, Sở GTVT TP. Đà Nẵng đã không chấp nhận đề nghị xin chủ trương điều chuyển tuyến vận tải của Bến xe phía Nam. Theo Sở GTVT Đà Nẵng, căn cứ Thông tư 24 về quy định bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ…, thì việc khai thác bến xe là do DN thực hiện, hãng vận tải hành khách được tự chọn bến xe thuận lợi để đăng ký hoạt động.

Tiếp đó, trong suốt gần 2 năm qua, Đức Long Gia Lai liên tiếp có nhiều văn bản kiến nghị, xin chủ trương điều chuyển một số tuyến xe khách cố định từ Bến xe khách Trung tâm hiện nay về Bến xe phía Nam và mở mới các tuyến xe khách cố định đi về phía Nam, đồng thời đề nghị mở tuyến xe buýt để phục vụ hành khách từ bến xe phía Nam đi trung tâm TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, đề nghị phân tuyến nhiều lần bị từ chối, còn việc mở tuyến xe buýt mới được chấp nhận ở mức cho phép khảo sát.

Để giải quyết khó khăn của Bến xe phía Nam, đã có nhiều cuộc họp, hội nghị được tổ chức. Theo Sở GTVT, khó khăn của Bến xe phía Nam chủ yếu là do ở xa trung tâm Đà Nẵng, dân cư ít, hành khách không có, nên các hãng vận tải không đưa xe vào bến. Mặt tiền phía trước bến xe chưa được giải tỏa, ảnh hưởng đến việc quảng bá, người dân không biết có bến xe. Công ty Đức Long Đà Nẵng chưa xây dựng kế hoạch kinh doanh cụ thể để thu hút khách hàng và DN vận tải vào bến.

Ngoài ra, theo Sở GTVT Đà Nẵng, việc điều chuyển tuyến xe khách cố định về Bến xe phía Nam sẽ gây trở ngại cho hành khách và DN vận tải, không đúng với Luật DN, Luật HTX và các văn bản hiện hành. Hơn nữa, ngay tại Bến xe Trung tâm, hiện tại số lượt xe xuất bến mới đạt 30% so với công suất, bởi vậy không thể can thiệp điều chỉnh tuyến xe.

Tuy nhiên, ông Viên cho rằng, chủ đầu tư đã đầu tư theo đúng quy hoạch, việc cơ quan chức năng không thực hiện đúng với cam kết, dẫn đến khó khăn cho DN sau khi đầu tư.

“Bến xe phía Nam cách trung tâm Đà Nẵng 15 km, trong khi Bến xe Trung tâm chỉ cách trung tâm 5 km. Rõ ràng chúng tôi thua thiệt về lợi thế vị trí. Nếu là đầu tư bình thường, không ai lựa chọn địa điểm bất lợi như vậy để xây dựng bến xe. Nhưng quy hoạch giao thông của Đà Nẵng đã phê duyệt xây dựng 2 bến xe với chức năng riêng, và trên cơ sở nghiên cứu quy hoạch, chúng tôi mới quyết định đầu tư”, ông Viên nói và đặt câu hỏi, nếu đúng Bến xe Trung tâm dự tính phải đến năm 2040 mới khai thác hết công suất, thì vì sao khi xây dựng quy hoạch giao thông đến 2010 định hướng 2020 lại đưa 2 bến xe vào hoạt động?

Trước khó khăn không được tháo gỡ, CTCP Đức Long Đà Nẵng đã kiến nghị bàn giao lại Bến xe phía Nam cho UBND TP. Đà Nẵng để bố trí theo quy hoạch và hoàn lại vốn mà DN đã đầu tư, nếu cơ quan chức năng không chấp nhận các đề nghị của DN.

Được biết, để đầu tư bến xe này, Đức Long Gia Lai đã lập hồ sơ vay vốn tại Vietinbank - Gia Lai tối đa 89 tỷ đồng, thời hạn 10 năm. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động gần 2 năm, Bến xe vẫn không có doanh thu và không trả được nợ theo kế hoạch.             

Tin bài liên quan