Dò đáy trung hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi tạo đáy lần 2 kể từ đầu năm 2022, thị trường đã có một số phiên giao dịch khởi sắc, nhưng đáy trung hạn vẫn đang là ẩn số.
Thị trường vẫn có những đợt sóng ngắn để nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận, nhưng khó khăn và rủi ro cao.

Thị trường vẫn có những đợt sóng ngắn để nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận, nhưng khó khăn và rủi ro cao.

VN-Index có thể lùi xuống 1.000 điểm

Nhiều chuyên gia chứng khoán chia sẻ, rất khó để nhận định thị trường đã thiết lập đáy hay chưa, bởi các nhịp hồi phục xuất hiện đan xen nhưng quãng đường hồi phục đang có chiều hướng ngày càng ngắn lại.

Mặc dù vậy, dòng tiền bắt đáy đã vận động tích cực hơn trong những phiên giao dịch vừa qua.

Hiện tại, nhà đầu tư vẫn được khuyến nghị nên thận trọng, bởi nguy cơ có thêm những yếu tố bất lợi tác động trong thời gian tới trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới vẫn còn bất ổn và kinh tế toàn cầu có dấu hiệu bước vào đợt suy thoái.

Theo đó, những nhịp hồi với thanh khoản tăng là cơ hội để những nhà đầu tư “kẹp” hàng có thể mạnh dạn thoát ra nhằm cắt lỗ, hoặc đưa tài khoản về mức an toàn.

“Thị trường vẫn có những đợt sóng ngắn để nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận, nhưng dĩ nhiên là khó khăn và rủi ro cao. Chiến lược giao dịch giai đoạn này nên nghiêng về phía phòng vệ nhiều hơn, với tỷ trọng tiền mặt cao và chỉ giao dịch ở từng nhịp sóng ngắn”, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam chia sẻ.

VN-Index gần đây dao động dưới mức 1.200 điểm, giảm khoảng 350 điểm so với đầu tháng 4/2022, kéo định giá P/E xuống quanh mức 12 lần. Mức định giá này được đánh giá là hấp dẫn, nhưng ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận xét, đáy trung hạn của thị trường vẫn chưa hình thành. Có khả năng VN-Index sẽ giảm về vùng 1.000 +/-10 điểm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn thì khả năng này không cao, tối thiểu phải đến cuối năm 2022.

Bắt đáy, gỡ lỗ

“Gần 99% nhà đầu tư thua lỗ khi tham gia đúng vào giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm. Dù có một số nhịp hồi phục, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn đang đánh bắt xa bờ”, giám đốc môi giới một công ty chứng khoán tại Hà Nội khẳng định.

Vị giám đốc môi giới trên cho rằng, VN-Index và VN30 đang dập dình ở vùng đáy, nhưng nhìn vào các chỉ số này để giao dịch ở thời điểm hiện nay không còn nhiều ý nghĩa. Thanh khoản thị trường trong 3 tuần vừa qua thấp kỷ lục, giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE chỉ còn 10.000 tỷ đồng/phiên, cho thấy nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài quan sát thị trường.

Đồng quan điểm, chuyên gia của MBS nhìn nhận, việc tìm được cổ phiếu riêng lẻ quan trọng hơn là chờ đợi tín hiệu thị trường thông qua chỉ số chung. Thực tế, có không ít cổ phiếu bật tăng từ vùng đáy, dù VN-Index vẫn đang giằng co, như nhóm thủy sản tăng bình quân 30%, nhóm chứng khoán tăng 20%, nhóm hóa chất tăng hơn 18%, nhóm bán lẻ và du lịch tăng hơn 10%…

Các cổ phiếu tăng giá chủ yếu là nhờ lĩnh vực hoạt động có triển vọng lợi nhuận tích cực, cộng với tâm lý “gỡ gạc” của nhà đầu tư nên mạnh tay mua thêm nhằm bình quân giá, thậm chí sử dụng đòn bẩy tài chính.

Về vấn đề này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng khuyến nghị, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao trong danh mục (từ 70% trở lên), hạn chế tối đa việc sử dụng giao dịch ký quỹ (margin). Với những nhà đầu tư đang gồng lỗ và có tỷ trọng cổ phiếu cao thì nên bán bớt.

“Việc thu về tiền mặt và duy trì tỷ trọng tiền cao sẽ có cơ hội mua để gỡ lại nhiều hơn trong thời gian tới”, ông Khánh nói.

Nhìn nhận nhà đầu tư có nhu cầu bắt đáy khi giá cổ phiếu giảm sâu (như nhóm ngân hàng, bất động sản đã bật tăng trở lại), một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng, nhà đầu tư có thể tận dụng bối cảnh hiện tại để lướt sóng ngắn hạn một phần nhỏ danh mục (dưới 20%), với kỳ vọng VN-Index sẽ dao động tích lũy trong vùng 1.100 - 1.200 điểm trong vài tuần tới.

Mặc dù vậy, nhà đầu tư nên ưu tiên hạ giá vốn các cổ phiếu có sẵn trong tài khoản và chỉ giải ngân mua mới tại vùng hỗ trợ với những mã cơ bản tốt và có một giai đoạn tích lũy tạo nền trước đó, đồng thời hạn chế bắt đáy sớm khi cổ phiếu chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng và dòng tiền trên thị trường đang yếu.

Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán trong quý II/2022 khiến một bộ phận nhà đầu tư rút vốn, chuyển sang kênh gửi tiết kiệm khi lãi suất được không ít ngân hàng điều chỉnh tăng. Số dư tiền mặt tại nhiều công ty chứng khoán suy giảm và thanh khoản thấp của thị trường trong quý II (giảm khoảng 34% so với quý I) phần nào thể hiện động thái này.

Tin bài liên quan