Đổ xô mua căn hộ: Hội chứng đám đông hay niềm tin trở lại?

Đổ xô mua căn hộ: Hội chứng đám đông hay niềm tin trở lại?

(ĐTCK) Đám đông mang lại nhiều tác động, cả tiêu cực lẫn tích cực, nhưng rất nhanh chóng qua đi nếu đến giờ giải tán. Còn niềm tin là cả một quá trình, từ yêu thương mới tới gắn bó…

1 Sáng thứ Bảy của Sài Gòn vào giữa mùa khô chỉ mang lại cảm giác lười biếng và buồn ngủ. Khi tôi có mặt tại Lễ mở bán một dự án căn hộ bên quận 2, đang ngán ngẩm với cái nắng phả rát mặt thì bắt gặp hình ảnh một cô gái trẻ đang ngồi đếm 10 triệu đồng để đặt cọc mua căn hộ 2 phòng ngủ. Bên cạnh cô, các bạn đồng lứa mặt hoa da phấn cười vui vẻ bởi đã chọn được căn hộ ưng ý. Không khí mua bán nhộn nhịp khiến Viễn, cậu nhân viên bán hàng mừng… hét lớn. Đã có gần 200 căn hộ được đăng ký mua. Và nhiều người sẵn sàng đặt tiền để mua những căn chưa được mở bán. Ngay trước mắt tôi, không cần màu mè hay tạo kịch bản.

Thiệt lòng xin lỗi, tôi không thể nói những chi tiết cụ thể về dự án cũng như các chuyện để PR cho căn hộ này. Nhưng nếu né tránh sự thật thì cũng chẳng nên ngồi trước máy tính để viết bài làm chi. Đừng bao giờ đánh đồng quảng cáo và thực tế, chuyện này đã xưa như Diễm rồi. Chỉ là những lời chân tình dễ làm lay động cảm xúc.

Cách đây 5 năm, Viễn là nhân viên bán hàng cho 1 dự án chung cư tại quận 8. Dự án ban đầu bán rất tốt, đắt như tôm tươi. Khách hàng chủ yếu là dân làm truyền thông và bảo hiểm. Nghĩa là những người nắm và phán đoán nhạy thông tin. Sau 5 tháng đầu tư, khách hàng bán lại với giá chênh lệch trung bình 80 triệu đồng/căn. Đó là lợi nhuận không quá khủng, nhưng cũng chấp nhận được khi mới chỉ đóng có chút ít tiền đóng cọc. Có nhà đầu tư ôm nguyên tầng để làm dịch vụ spa.

Nhưng chỉ sau đó ít tháng, thị trường nhà đất đóng băng. Giao dịch ngưng trệ tới mức thảm hại. Xui hơn nữa, dự án chung cư do Viễn chào bán không thể tiếp tục xây dựng do chủ đầu tư hết vốn và bị phá sản. Sự kiện cáo, bực bội, lớn tiếng đã được mang hết ra cho hả nỗi tức giận và xót tiền. Các mối quan hệ trước nay đang yên đang lành, tự nhiên bị xói mòn nghiêm trọng. Và mọi khó chịu đổ lên đầu nhân viên bán hàng. Viễn nói, sau đó cậu không thể tiếp tục làm công việc liên quan đến bất động sản nữa. Tìm một công việc khác để kiếm kế sinh nhai, và cũng là để trốn tránh những lời nói dễ làm tổn thương nhau. Dù cho, lỗi đó đâu phải từ một nhân viên bán hàng, kiếm ăn bằng hoa hồng mỗi căn chừng 1%. Kinh tế đi xuống, tiền vốn ứ đọng không biết tới bao giờ thu hồi khiến người ta không còn minh mẫn để nghĩ tới những điều nhân văn hơn nữa.

Niềm tin đã bị đánh cắp!

2 Bởi vậy, sau này có lúc tôi rảnh rỗi ngồi chat trên mạng với cậu nhân viên này, chỉ có ý hỏi thăm mọi chuyện, thì Viễn nói ngay rằng: “Chị ơi, chị đừng la em nha!”. Nghe mà tội nghiệp. Hội chứng đám đông cuồng mua trước khi xảy ra vụ nổ bong bóng bất động sản đã quay sang giẫm chân vào nhau trước khi nhận biết được thời gian sẽ giải tán. Thậm chí, một chị khách hàng trước đây dễ thương là vậy, giờ ngoa ngoắt viết trên mạng xã hội những lời như xát muối. Người ta không chỉ nghi ngờ lẫn nhau mà nghi ngờ cả chính bản thân mình.

Thời gian trôi qua, ai mua nhà đã mua rồi, ai bán nhà cũng bán rồi. Có cô bạn đồng nghiệp rất kiên trì, chủ đầu tư cũ đi, chủ đầu tư mới tới, cô đều cập nhật thông tin và chẳng bỏ sót cuộc họp nào. Giờ, dự án đã xây xong và bàn giao. Nhà cửa tinh tươm và sạch đẹp. Nhưng niềm tin vẫn chưa thể lấp đầy. Nhất là các mối quan hệ đã rạn nứt và khó quay trở lại xưa cũ.

Một ngày gần đây, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Viễn. Cậu nói, em chuẩn bị có dự án mới ở quận 2. Chị tới coi đi nha chị. Dường như mọi thứ đều chưa sẵn sàng trở lại, nên tôi tới hơi trễ so với những người khác. Những căn giá tốt và vị trí đẹp đã có chủ. Ngày mở bán, chủ đầu tư phải mở ra thêm 1 tầng lầu để khách hàng có cơ hội chọn lựa.

Quận 2 của Sài Gòn đang gấp rút trở thành trung tâm mở rộng. Thông tin đắt giá khiến niềm tin đã quay trở lại. Đám đông lại mua bán xôm tụ. Lần này, hy vọng người ta sẽ không giẫm chân lên nhau và nói nhau nặng lời nữa!

Tin bài liên quan