Ở quê hay phố?

(ĐTCK) Nhiều người sẽ trả lời ngay: tất nhiên ở phố! Nhưng cũng không ít người vẫn luyến tiếc khung cảnh quê bằng bụi trúc, góc sân hay thố sen mua ngoài tiệm cây kiểng. Người ta trong tiềm thức vẫn muốn sự yên tĩnh, dù chỉ là chút yên bình nhỏ nhoi giữa phố xá đông đúc...
Ở quê hay phố?

1. Quê thật sự, nằm trong làng quê Việt. Ngôi nhà sẽ được cất theo kiểu 3 gian với giếng nước ngoài sân. Nhà có thể mái ngói hoặc tiện nghi hơn, đổ 1 - 2 tấm. Và đôi khi, dù được gia chủ đầu tư khá nhiều tiền cho căn nhà, nhưng thói quen đi vệ sinh lại không phải là “khép kín”.

Tôi có biết gia đình một người quen. Chị là chủ một xưởng dệt rất lớn tại Sài Gòn. Mẹ chị ở 1 mình ở vùng quê Nam Định, dù đơn côi, nhưng nhất định không bỏ quê để vào chung sống cùng con cháu. Cách đây 2 năm, người con xây cho mẹ căn nhà đẹp, đầy đủ tiện nghi. Ấy nhưng, mỗi khi về quê, cô con gái không thể ở quá 1 tuần, đặc biệt vào mùa Đông giá rét.

Chị nói, dù nhà cửa được xây dựng khang trang, nhưng mỗi khi đi vệ sinh vẫn phải xách nước từ ngoài vào dội bồn cầu. Nhiều điều bất tiện vô cùng, nói ra chưa chắc đã được thông cảm, mà còn bị các cụ khó chịu, cho rằng, có tiền nên dễ quên đi gốc gác quê mùa.

Căn nhà ấy, vì vậy dư thừa, mà thiếu thốn. Bà mẹ sống một mình, mong đến ngày lễ, tết con cháu về chơi, nhưng mỗi khi con cháu về lại cứ áy náy vì thấy bọn nó không thoải mái.

Đôi khi, có những chuyện nhỏ tí tẹo, mà lại thành to bự chảng. Kiểu như bà má chồng không thích cô con dâu, nên nhìn thấy cô này nói gì, làm gì cũng thấy chướng tai gai mắt.

Căn nhà ở quê, đúng là yên tĩnh, mở mắt ra được thưởng thức tiếng gà trong trẻo, vậy nhưng, chỗ ở như thế vẫn không làm vừa lòng những người đã đi tứ phương tám hướng, chỉ bởi những tiểu tiết nhỏ xíu như que tăm. Mà tiểu tiết ấy, cứ bám theo mãi khiến người ta sống không hưởng thụ chút nào. Thiệt chứ không nói dóc.

2. Thế là người ta thay đổi chỗ ở, lên phố ở quê. Không ở quê một cách thuần quê nữa, dấn một bước để ra ngoài thị trấn, thị tứ. Thật khó để khu thị trấn, thị tứ mang dáng vẻ hiện đại như thành phố, dù đã có sự tấp nập và va chạm nhiều hơn. Tiếng xe cộ chạy ngoài lộ, nhưng nghe qua đã cảm thấy sự thưa vắng toát lên từ âm vọng lại của tiếng pô xe. Sự cọ xát buôn bán manh nha với các xe thô sơ chở đầy ăm ắp sản vật hoa màu mới thu hoạch để mang ra phố thị. Đôi khi, trên xe có cả heo và gà, thậm chí vài cặp thỏ cũng ngồi chễm chệ, mắt ngơ ngác nhìn đường phố xa lạ.

Nhà nằm ở vị trí trung tâm thị trấn, khó có thể là biệt thự, mà cũng khó có thể là nhà thuần quê. Giếng nước đôi khi không có, nếu có, thì ít khi ở trước sân nhà, mà nằm ở góc sân phía sau. Nhà vệ sinh vẫn riêng biệt, không dính gì với phòng ngủ và cũng chẳng dính gì tới phòng khách, đôi khi nằm gần sát với bếp ở gian sau cùng. Đơn giản, mà cũng tiện lợi trong một mức độ đánh giá nào đó. Phố ở quê mà, đòi hỏi làm gì cho chảnh chọe. Trẻ con ở thị trấn, thị tứ còn "tinh ranh" hơn chán vạn những đứa trẻ dưới quê chân lấm tay bùn. Và còn ăn đứt với các nhóc tiểu thư, cậu ấm thành phố, cứ ra mưa gió một chút là kèm theo bọc thuốc kháng sinh từ tay ông bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Nhưng, dù thuyết phục bằng bất cứ lý do nào, thì cũng ít đại gia chịu sống lâu dài ở thị trấn. Nói thêm nữa, những người thành đạt khi nghỉ hưu cũng không có nhiều người quay trở về phố ở quê để sống. Mặc cho nơi đó có dòng sông tuổi thơ ngọt ngào nhiều kỷ niệm.

3. Đành ở thành phố vậy. Ở thành phố, người ta lại nhớ quê quay quắt. Con người là động vật cao cấp, nên thật khó hiểu. Được voi sẽ đòi tiên. Vậy thì chỉ còn cách chọn quê ở trong phố.

Thử hình dung, về quê mộc mạc thiệt, bình yên, nhưng lũ trẻ sẽ không có được điều kiện sống và học tập tốt nhất. Một đứa trẻ lớn lên ở vùng quê sẽ cúm rúm hơn nhiều bạn cùng lứa tuổi nơi thành phố. Chưa kể bao nhiêu thứ hiện đại của đời sống, của ước mơ và khát vọng toàn cầu.

Ngoài Bắc, người ta thường gọi cụm từ nhà trong ngõ, còn trong Nam, sẽ là nhà trong hẻm. Ngõ chạy xe ô tô vào được, cũng giống y chang hẻm chạy xe hơi vô được. Căn nhà không cần chất lên nhiều tấm, nhiều tầng, chỉ cần có trệt, có lầu và tầng áp mái. Khu vườn được thiết kế ở khắp nơi để khi ngồi ăn cơm, chủ nhân có thể nhìn ra chậu kiểng được thay đổi mỗi tuần, làm sao đảm bảo lúc nào cũng có nụ hoa chơm chớm; phòng khách nhìn ra khoảng vườn nhỏ, dù có thể là vườn treo không cầu kỳ, nhưng mát mắt. Và garage xe dưới hầm, đôi khi vẫn có thể điệu đà như con gái 18 xuân xanh.

Ở quê hay phố, ở phố hay quê, hay vừa quê vừa phố, là sự chọn lựa của mỗi người. Nhưng tôi vẫn tiếc rằng, giá như mình có đủ tiền để mang hồn quê vào nhà trong thành phố, cho âm dương hòa hợp, trời đất giao hòa, thì hoàn hảo biết chừng nào. Dù thừa hiểu, giá tiền một căn nhà hẻm xe hơi vô được nhiều tới mức cả đời này có làm thơ, viết báo cũng không thể mua nổi. Vậy thì, ước mơ! Ước mơ yêu được anh chàng đại gia thành đạt. Người đàn ông đó sẽ hoàn thiện ước mơ của người đàn bà!

Tin bài liên quan